Học sinh Phú Thọ, Bắc Ninh được vinh danh là Trạng Nguyên Tiếng Việt
(Dân trí) - Học sinh trường tiểu học Gia Cẩm (Phú Thọ) và tiểu học Đại Phúc (Bắc Ninh) đã xuất sắc đạt giải thưởng Trạng Nguyên Tiếng Việt năm nay.
Sáng 15/5, Lễ vinh danh và trao giải Trạng Nguyên Tiếng Việt lần thứ 7, năm học 2021 - 2022 đã diễn ra tại Hà Nội. Tham dự lễ vinh danh có 279 thí sinh đến từ 44 tỉnh thành đã được vinh danh trong buổi lễ.
Được biết, sau kỳ thi Hội (cấp tỉnh), Ban tổ chức đã chọn ra các thí sinh đứng đầu từ hơn 175.425 thí sinh tham gia thi cấp tỉnh để về Hà Nội dự Hội thi Đình (cấp quốc gia). 14h chiều ngày 14/5, Hội thi Đình diễn ra, gồm 121 thí sinh khối lớp 4 và 158 thí sinh lớp 5 toàn quốc.
Kết quả chung cuộc, giải Trạng Nguyên thuộc về em Lương Chí Dũng, lớp 4, trường tiểu học Gia Cẩm, TP Việt Trì, Phú Thọ và Lê Nguyễn Linh Giang, lớp 5, trường tiểu học Đại Phúc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Học sinh đạt giải Bảng nhãn là Nguyễn Minh Đăng, lớp 4 trường tiểu học Yên Phú, Yên Mô, Ninh Bình; Nguyễn Tuấn Huy, lớp 5, trường tiểu học Vân Phú, TP Việt Trì, Phú Thọ. 2 giải Thám hoa lần lượt thuộc về Lê Hà Chi, lớp 4 trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Việt Trì, Phú Thọ và Nguyễn Thị Thùy Dương, trường tiểu học số 2, TT Phố Lu, Bảo Thắng, Lào Cai.
Giải Hoàng giáp thuộc về em Nguyễn Thị Thục Ngân, lớp 4 trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Việt Trì, Phú Thọ và Huỳnh Huy Hoàng, lớp 5 trường tiểu học Quang Trung, TP Cà Mau. Giải Tiến sĩ trao cho các em Vũ Thiên Kim, lớp 4 trường tiểu học dân lập Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội và Hồ Bá Khánh, lớp 5 tiểu học Kim Đồng, huyện M'Đrăk, Đắk Lắk.
Ngoài 10 giải cao nhất, Ban tổ chức cũng trao các giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích cho nhiều học sinh khác tham dự cuộc thi.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Chí Bính, Phó Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, Phó trưởng ban chỉ đạo cuộc thi chia sẻ, trong thế giới mở hiện nay, việc học tập của học sinh có thể được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ mạng internet. Rất nhiều sân chơi hướng tới hội nhập quốc tế, nhưng chỉ có duy nhất một sân chơi giáo dục trực tuyến thuần Việt như Trạng nguyên tiếng Việt.
"Qua sân chơi, chúng tôi mong muốn lưu giữ hào khí Việt Nam, viết tiếp tinh hoa văn hóa dân tộc, giúp thế hệ trẻ giỏi về kiến thức, giàu về văn hóa dân tộc, trung thực, tự trọng, tự tin để hòa nhập với thế giới", ông Bính cho hay.
Hội thi Đình năm nay của Trạng nguyên tiếng Việt có cả những học sinh rất đặc biệt dự thi, có em ngồi xe lăn đến tham dự. Học sinh đến từ khắp nơi trên cả nước, từ nơi địa đầu tổ quốc cột cờ Lũng Cú, đến điểm cực Nam đất mũi Cà Mau, từ Lào Cai, Bắc Kạn tới Cần Thơ, Kiên Giang,… Ông Bính khẳng định, đó là minh chứng cho thấy tình yêu tiếng Việt được lan tỏa, tinh hoa văn hóa dân tộc được giữ gìn, hào khí cha ông được tiếp nối.
Theo Phó trưởng ban chỉ đạo cuộc thi, trong những năm học tiếp theo, Ban tổ chức sẽ phát triển sân chơi, mở rộng cho đối tượng học sinh từ mẫu giáo đến THCS trên cả nước, mở rộng nội dung và hình thức tham gia học thi trực tuyến.
"Đặc biệt, chúng tôi mong muốn xây dựng chương trình học tiếng Việt dành cho kiều bào ta sống ở nước ngoài, đưa sân chơi này đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Trong định hướng phát triển sắp tới, Trạng nguyên tiếng Việt sẽ không chỉ là chương trình học thi trực tuyến mà còn tổ chức những chương trình trải nghiệm thực tế, giúp các con hoàn thiện sức khỏe trí tuệ và cảm xúc", ông Bính nhấn mạnh.
Tham dự buổi lễ và trực tiếp cùng trao giải cho các học sinh xuất sắc, GS Sử học Lê Văn Lan bày tỏ sự xúc động. GS tâm sự, cố Thủ tướng, nhà chính khách đồng thời là nhà văn hóa lớn - đồng chí Phạm Văn Đồng khi sinh thời, giữa trăm công nghìn việc vẫn xung phong đứng ra làm Trưởng ban Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Lúc bấy giờ là thời kháng chiến, tiếng Việt được coi như vũ khí tự vệ.
GS gửi gắm tới tất cả các thầy cô và học sinh lời nhắc của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, rằng một dân tộc nếu không may sa vào vòng mất nước, nô lệ mà giữ được tiếng nói của mình thì chắc chắn đó cũng là vũ khí để tự vệ, giải phóng. Ở thời đại mới, chúng ta không còn phải tập trung tất cả vào việc giải phóng mà khát vọng phát triển đang mở rộng. Tiếng nói, tiếng Việt bởi vậy cần được trau dồi, nâng cao cho thế hệ trẻ.
Trạng Nguyên tiếng Việt là chương trình thực hiện theo Quyết định số 1008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng năm 2025". Ngay sau khi ra mắt, chương trình đã nhanh chóng được giáo viên, học sinh và phụ huynh cả nước đón nhận; được sự ủng hộ của Bộ Giáo dục Đào tạo, các Sở Giáo dục Đào tạo hơn 50 tỉnh thành.
Đây là chương trình riêng biệt về tiếng Việt với hình thức thi mô phỏng theo các kỳ thi Khoa bảng thời xưa, bao gồm Thi Hương - cấp trường, Thi Hội - cấp tỉnh, Thi Đình - cấp toàn quốc. Nội dung kiến thức học, thi là môn Tiếng Việt theo chương trình sách giáo khoa của Bộ Giáo dục Đào tạo.
Bài thi được thiết kế nhằm kích thích tư duy sáng tạo của trẻ với các dạng: ghép cặp từ đồng nghĩa; nối câu, từ trái nghĩa; sắp xếp trận tự từ; giải ô chữ,… Đề thi được tổ chức thành 12 dạng bài thi, tương ứng với 12 con giáp, thể hiện trên nền 12 hình ảnh đặc sắc của đất nước (Tháp Rùa, Văn Miếu, chợ Bến Thành, Vịnh Hạ Long, Kinh thành Huế, nhà Rông Tây Nguyên, Mũi Cà Mau, hang Sơn Đoòng, ruộng bậc thang, quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa, trống đồng Đông Sơn,…), góp phần khơi dậy tình yêu quê hương, tự hào về truyền thống, văn hóa dân tộc.
Bên cạnh việc bổ sung kiến thức văn hóa, lịch sử và truyền thống dân tộc, chương trình Trạng nguyên tiếng Việt còn giúp học sinh, phụ huynh và nhà trường dễ dàng tiếp cận mô hình học và quản lý bài giảng, quản lý năng lực học sinh hiện đại.