Hà Nội xây dựng nhiều phương án đưa học sinh trở lại trường học

Mỹ Hà

(Dân trí) - Hiện nay, Sở GD-ĐT Hà Nội đã xây dựng nhiều phương án đưa học sinh trở lại trường. Trong đó, phương án khả thi nhất là cho học sinh đầu cấp, cuối cấp như: lớp 6, lớp 9, 10, 12 học trước.

Mở cửa khi học sinh chưa tiêm phòng sẽ mất an toàn

Trao đổi với PV Dân trí ngày 14/10, ông Trần Thế Cương cho biết, hiện phụ huynh, học sinh rất sốt ruột, ngay cả bản thân ông cũng vậy, nhưng đến thời điểm này, việc đến trường của học sinh có nhiều khó khăn cần khắc phục.

Dẫn dắt câu chuyện một số địa phương tiếp tục bùng phát dịch, nhất là trong trường học, ông Cương cho rằng, Hà Nội phải rất cẩn trọng để giữ vững thành trì, đặc biệt là kết quả chống dịch vừa qua.

Theo ông Cương, một số vấn đề cần thận trọng ở đây, hiện chưa có vaccine cho học sinh dưới 18 tuổi. "Hà Nội có tổng số 2,1 triệu học sinh, cộng với 900 nghìn trẻ em chưa đến tuổi đi học. Mở cửa trường học khi học sinh chưa được tiêm phòng sẽ không đảm bảo an toàn. Khi triển khai thực hiện mở cửa trường học, phụ huynh cũng rất lo lắng về điều này", ông Cương nói.

Hà Nội xây dựng nhiều phương án đưa học sinh trở lại trường học - 1

Việc học sinh đến trường học trực tiếp còn nhiều khó khăn (Ảnh: M.Hà). 

Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, khi cho học sinh trở lại trường, cơ quan quản lý cũng phải có lộ trình. Hiện nay, Sở GD-ĐT Hà Nội đã xây dựng nhiều phương án để cho các cháu học trở lại.

Trong đó, phương án khả thi nhất là cho học sinh đầu cấp, cuối cấp như: lớp 6, lớp 9, 10, 12 học trước, rồi theo lộ trình dần dần cho các cháu còn lại đi học.

Tuy nhiên, việc này ban đầu cũng sẽ chỉ triển khai tại các khu vực an toàn, vùng xanh, không có nguy cơ xảy ra dịch Covid-19.

Phụ huynh và học sinh sốt ruột

Trước đó, phát biểu tại buổi lễ trao máy tính cho học sinh nghèo, ông Cương cho hay, việc học sinh trở lại trường học không chỉ là mong muốn của cá nhân ông, mà còn là của đông đảo người dân thành phố.

Một tiết học trực tiếp học sinh ở lớp, được tương tác với bạn bè, thầy cô giáo sẽ bằng từ 20 đến 30 tiết học trực tuyến. Học trực tuyến có rất nhiều vấn đề, như sóng, thiết bị, tương tác giữa giáo viên và học sinh, tương tác giữa học sinh và học sinh.

Lãnh đạo thành phố đã có nhiều cuộc họp để đề ra giải pháp làm thế nào vừa khôi phục kinh tế, xã hội vừa để học sinh sớm quay lại trường học sau một thời gian nghỉ phòng dịch kéo dài. Đặc biệt, Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10 mà Chính phủ vừa thông qua là điều kiện để Thành phố, Sở GD-ĐT xây dựng kịch bản chi tiết cụ thể để học sinh sớm quay lại trường.

Hà Nội xây dựng nhiều phương án đưa học sinh trở lại trường học - 2

Ngành giáo dục, y tế có kế hoạch tổ chức tiêm vaccine chi tiết cho từng lứa tuổi, từng cấp học, từng bước mở lại môi trường an toàn, đón học sinh quay trở lại trường học (Ảnh: M.Hà). 

Tại buổi làm việc mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đang lên kế hoạch, lộ trình triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em, trước hết sẽ triển khai tiêm cho trẻ 12-17 tuổi. Dự kiến, ngày 15/10, Bộ Y tế sẽ ban hành Hướng dẫn tiêm vaccine cho nhóm trẻ em này.

Bộ Y tế  phấn đấu trong quý IV/2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 cho 95% trên tổng số 8,1 triệu trẻ em 12-17 tuổi trên cả nước. Bộ Y tế cũng đang rà soát, thống kê số trẻ em 3-11 tuổi; đồng thời tiếp cận các nguồn vaccine, tham khảo ý kiến chuyên môn của các chuyên gia, nhà khoa học để sẵn sàng có hướng dẫn tiêm cho trẻ 3-11 tuổi khi có vaccine.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, cùng với tiến độ tiêm vaccine chung trên cả nước, ngành giáo dục, y tế có kế hoạch tổ chức tiêm vaccine chi tiết cho từng lứa tuổi, từng cấp học, từng bước mở lại môi trường an toàn, đón học sinh quay trở lại trường học.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở GD-ĐT rà soát, đánh giá, củng cố, hoàn thiện công tác phòng, chống dịch, sẵn sàng mở lại trường học.

Hiện nhiều phụ huynh ở Hà Nội đang rất băn khoăn lo lắng, bởi lẽ khi cả thành phố bước vào "tình hình mới", các cơ quan công sở đã trở lại hoạt động nhưng học sinh vẫn học trực tuyến ở nhà sẽ rất bất cập.

Chị Thu Hà, một phụ huynh ở quận Thanh Xuân cho hay, năm nay chị có hai con ở tuổi tiểu học - một cháu vào lớp 1, một cháu lớp 3, cả hai đều ở tuổi cần bố mẹ kèm cặp.

Từ khi Hà Nội bước vào "tình hình mới", hai vợ chồng chị đi làm nên phải mang máy tính xách tay và điện thoại theo để làm việc. Do vậy, gia đình rất khó có thiết bị cho con học trực tuyến. Đặc biệt, trẻ quá nhỏ tự học ở nhà và không có ai giám sát, trẻ dễ sa đà vào nhiều kênh thông tin xấu, độc trên mạng cũng như đối mặt với nguy cơ tai nạn đáng tiếc.