Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội thông tin về kịch bản cho học sinh trở lại trường
(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, đơn vị này đã đề xuất lên UBND thành phố nhiều kịch bản để học sinh trở lại trường.
Đề xuất khối đầu cấp và cuối cấp của "vùng xanh" trở lại trường
Ngày 20/9, thông tin với báo chí về tình hình chống dịch Covid-19 trên địa bàn trong thời gian tới, lãnh đạo TP Hà Nội cho rằng, sẽ cho học sinh trở lại trường vào tháng 11 sau khi tiêm phủ mũi 2 vắc xin cho người dân.
Điều này gây tranh cãi trong dư luận bởi lẽ hiện nay, Hà Nội có nhiều "vùng xanh" khống chế dịch tốt, rất lâu chưa có ca F0. Nếu tất cả các địa phương "đồng phục" nghỉ học đến tháng 11 sẽ thiệt thòi cho học sinh.
Trao đổi với PV Dân trí sáng nay (23/9), ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: "Việc học sinh trở lại trường là mong muốn không chỉ của cá nhân tôi mà của cả ngành giáo dục Hà Nội.
Hiện học sinh đang phải học online, nhất là cấp tiểu học, quả thật rất vất vả nhưng chúng ta cũng phải tính đến thành quả chống dịch mà Thành phố Hà Nội đã thực hiện trong thời gian qua để có cân nhắc phù hợp và an toàn chống dịch", ông Cương nói.
Lấy thí dụ tỉnh Hà Nam trong ngày hôm nay đã tạm ngừng toàn bộ việc học tập trực tiếp ở trường vì phát hiện hàng chục học sinh và giáo viên dương tính với SARS-CoV-2, ông Cương cho rằng tình hình dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên không thể nóng vội.
"Mặc dù Hà Nội đã có 96,1% giáo viên được tiêm vắc xin nhưng học sinh dưới 18 tuổi chưa được tiêm nên rất nguy hiểm", ông Cương chia sẻ.
Chia sẻ thêm với PV, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho biết, đơn vị này đã lên nhiều kịch bản, trong đó có việc cho học sinh một số khối lớp đầu cấp và cuối cấp như: khối 6,9,12, ở "vùng xanh" quay trở lại trường học.
"Chúng tôi đã đề xuất lên UBND TP Hà Nội các phương án. Các phương án này trước hết đảm bảo an toàn với học sinh nhưng vẫn bảo vệ được thành quả chống dịch của thành phố trong thời gian qua.
Đồng thời, ngành giáo dục Hà Nội cũng sẽ có tính toán hỗ trợ học phí năm học này cho học sinh theo cơ chế đặc thù của địa phương", ông Cương cho hay.
Vùng "Đỏ, vàng, xanh" sẽ học tập như thế nào?
Được biết hiện nay, một số thành phố từng "báo động đỏ" về dịch bệnh như TPHCM, Bình Dương…, đã lên các kịch bản học tập cho học sinh trong trạng thái "bình thường mới".
Tại Bình Dương, với 6/9 huyện thị bước vào "trạng thái bình thường mới", 3 địa bàn còn là "vùng đỏ"; gần 200 trường học được sử dụng làm khu cách ly, khu điều trị tập trung, phải đến 15/10 mới bàn giao được hết về cho ngành giáo dục; nhiều giáo viên còn tham gia phòng chống dịch.
Do còn những điểm đỏ trong "vùng xanh" và số ca mắc mới mỗi ngày vẫn cao, Sở GD-ĐT Bình Dương đã xây dựng 4 phương án dạy học tương ứng với 4 cấp độ kiểm soát dịch, để các nhà trường linh hoạt thực hiện.
Theo đó, các "vùng đỏ" sẽ tiếp tục học trực tuyến. Vùng có nguy cơ cao học trực tuyến kết hợp trực tiếp với tỷ lệ thời lượng mỗi hình thức là 50-50%. Vùng có nguy cơ ở mức "vàng" có thể học trực tiếp 70% và trực tuyến 30%. Và "vùng xanh", học sinh sẽ tới trường học trực tiếp trong điều kiện đảm bảo phòng chống dịch.
Địa phương này sẽ linh hoạt tổ chức các hình thức dạy học phù hợp với tình hình kiểm soát dịch, sử dụng hiệu quả thời gian "vàng" khi học sinh đi học trực tiếp, để đảm bảo hoàn thành chương trình đúng tiến độ, chất lượng.
Trao đổi với PV Dân trí, một số địa phương nhiều ngày không có F0 ở Hà Nội như Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai…, đều rất mong muốn cho học sinh đầu và cuối cấp trở lại trường theo phương thức chia ca sáng/chiều và chia khối lớp đầu, cuối cấp sẽ học trước.
Riêng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, có ý kiến cho rằng nhiều trường có học sinh ở cả vùng "xanh, vàng, đỏ" lẫn lộn. Thậm chí trong một lớp, có học sinh chỉ ở cách nhau một con đường nhưng lại thuộc hai nhóm "xanh, đỏ" nên rất khó để tổ chức lớp.
Trả lời câu hỏi của PV về việc Sở có tham khảo các kịch bản của những địa phương trên đây để xây dựng phương án cho Hà Nội hay không, người đứng đầu ngành giáo dục Hà Nội khẳng định, đơn vị này đã lên các kịch bản chi tiết để trình lên UBND TP.