Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội: Tùy cấp độ dịch, địa phương cho HS học trực tiếp

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương căn cứ mức độ dịch để tự quyết định tổ chức thực hiện cho học sinh đi học, chịu trách nhiệm việc bảo đảm an toàn cho học sinh...

Giảng dạy trực tuyến nảy sinh nhiều bất cập, ảnh hưởng chất lượng

Chất vấn giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT TP) Hà Nội tại Kỳ họp thứ 3 HĐND TP khóa XVI, diễn ra sáng 9/12, đại biểu Nguyễn Vũ Bích Hiền cho biết, hiện nhiều phụ huynh còn băn khoăn về rà soát, kiểm tra các tiêu chí an toàn khi cho học sinh đi học trở lại. Bên cạnh đó, nhiều trường ở các huyện còn thiếu nhân viên y tế. Vì vậy, đề nghị Sở cho biết ý kiến và giải pháp khắc phục.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu thực trạng trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, việc tổ chức dạy và học trực tuyến kéo dài đã nảy sinh nhiều bất cập về cơ sở vật chất, chất lượng dạy và học. Hiện học sinh lớp 12 và lớp 9 ở các địa phương đã được học trực tuyến kết hợp trực tiếp. Đề nghị lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết phương án, giải pháp tổng thể về việc học trực tuyến kết hợp trực tiếp nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội: Tùy cấp độ dịch, địa phương cho HS học trực tiếp - 1

Đại biểu Nguyễn Vũ Bích Hiền chất vấn tại kỳ họp (Ảnh: Xuân Hải).

Trả lời chất vấn, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, sau một thời thí điểm đi học trực tiếp ở khối 9 ở huyện Ba Vì và đạt nhiều kết quả tốt, Sở đã đề xuất cho 36 nghìn học sinh khối 9 của 17 huyện, thị xã còn lại đi học tiếp. Tiếp đó, khi học sinh được tiêm vaccine, Sở đã đề xuất cho học sinh ở 30 quận, huyện, thị xã đi học trực tiếp kết hợp trực tuyến. Theo thống kê đến ngày 8/12, đã có 64.000 học sinh khối lớp 9 và 12 đi học an toàn.

Tinh giản nội dung dạy trực tuyến để nâng cao hiệu quả

Về giải pháp đảm bảo chất lượng giáo dục, ông Cương cho biết, ngành đã xác định vừa dạy trực tuyến kết hợp dạy trực tiếp để hỗ trợ lẫn nhau. Trong đó, khi dạy trực tiếp thì các trường sẽ chú trọng vào nội dung giảng dạy, tinh giản các nội dung không cần thiết.

"Khi học trực tiếp sẽ phải sử dụng hiệu quả thời gian học sinh đến trường, dạy các nội dung cơ bản, cốt lõi, phù hợp, tránh gây áp lực, quá tải" - ông Cương nhấn mạnh.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội: Tùy cấp độ dịch, địa phương cho HS học trực tiếp - 2

Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thế Cương trả lời chất vấn sáng 9/12 (Ảnh: Xuân Hải).

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến, thành phố đã hưởng ứng tích cực Chương trình "Sóng và máy tính cho em. Trước đây, Hà Nội có khoảng 10 nghìn học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến. Các ban ngành đoàn thể đã trao hơn 7 nghìn thiết bị, hiện còn thiếu khoảng 3 nghìn thiết bị nữa và Sở đang tiếp tục vận động, huy động các nguồn lực để đáp ứng.

"Đặc biệt, Sở đã tập huấn cho các giáo viên để nâng cao năng lực dạy học trực tuyến. Không dễ gì để giáo viên có kỹ năng, kỹ thuật vận hành dạy học trực tuyến hiệu quả nên đã tiến hành tập huấn. Kết hợp với thẩm định nội dung các bài giảng để đảm báo tính khoa học, hiệu quả" - ông Cương cho hay.

Về việc thiếu nhân viên y tế trong trường học, theo số liệu thống kê, toàn thành thiếu 423 nhân viên y tế trường học, riêng khối THCS thiếu 88 người, khối THPT thiếu 28 người. Do từ năm 2015, thành phố tạm dừng tuyển dụng nhân viên y tế tại trường học công lập.

Sở thấy rằng vai trò y tế trong trường học rất quan trọng, nên đã đề xuất cho phép ngành GD-ĐT phối hợp Sở Nội vụ tiếp tục tuyển dụng nhân viên y tế trường học, nếu không thì được ký hợp đồng với nhân viên y tế có trình độ chuyên môn. Tăng cường phối hợp giữa cơ sở giáo dục các Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã…

Trả lời đại biểu Nguyễn Minh Đức về đảm bảo an toàn cho học sinh quay lại trường học, giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, ngành giáo dục thành phố đã phối hợp với Sở Y tế ban hành tiêu chí an toàn trường học để xác định rõ "an toàn trường học" là thế nào, trong đó đảm bảo một cung đường 2 điểm đến, không tổ chức ăn bán trú, giáo viên phải tiêm đủ 2 mũi vaccine mới được dạy học trực tiếp...

"Thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện thị xã căn cứ mức độ dịch để tự quyết định tổ chức thực hiện và có biện pháp ứng phó cụ thể phòng chống dịch Covid-19, chịu trách nhiệm trước thành phố việc bảo đảm an toàn cho học sinh đi học. Đối với khối 12 cũng tùy theo cấp độ dịch của phường, xã theo quy định là cấp độ 1, cấp độ 2" - ông Cương cho hay.