Hải Phòng:
Không để một học sinh nào bị mất cơ hội học tập vì đại dịch Covid-19
(Dân trí) - Đó là thông điệp được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến phát động triển khai Chương trình "Sóng và Máy tính cho em" do TP Hải Phòng tổ chức vào chiều nay 7/12.
Chương trình "Sóng và máy tính cho em" do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động gồm ba cấu phần: có sóng, có Internet đến tất cả các hộ gia đình; có máy tính cho các em thuộc các hộ nghèo; và có giá cước phù hợp cho các máy tính này.
Chương trình không chỉ thể hiện sự quan tâm của cộng đồng, xã hội cho những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, mà còn góp phần hướng tới nâng cao chất lượng sóng nhằm mục tiêu ứng dụng phát triển khoa học trong giáo dục, nâng cao dân trí, mở mang tri thức xã hội và nhất là phát triển xã hội số, chuyển đổi số.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng hơn 13.600 học sinh chưa đủ điều kiện để tham gia học trực tuyến trong tổng số hơn 445.000 học sinh, sinh viên toàn thành phố. Trong đó, có hơn 12.000 học sinh, sinh viên không có thiết bị học trực tuyến; hơn 1.400 học sinh, sinh viên chưa có kết nối internet.
Trong số này, có nhiều em học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo; hộ cận nghèo; học sinh, sinh viên là con mồ côi, con thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng và các hoàn cảnh khó khăn khác…
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và triển khai Chương trình "Sóng và máy tính cho em"; Kế hoạch số 3667 của Bộ Thông tin và Truyền thông - Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phối hợp thực hiện Chương trình "Sóng và máy tính cho em", UBND thành phố đã phát động triển khai Chương trình "Sóng và máy tính cho em".
Đồng thời kêu gọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố, các nhà hảo tâm, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân chung tay ủng hộ kinh phí, thiết bị phục vụ học trực tuyến như: Máy tính để bàn, máy tính xách tay, camera, máy tính bảng, điện thoại thông minh, thiết bị phát sóng di động,....
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam nhấn mạnh, vừa qua đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu, làm thay đổi cách nghĩ, cách thích ứng, vận hành, quản trị xã hội nói chung cũng như hình thức hoạt động giáo dục nói riêng. Vì vậy, việc tăng cường ứng dụng CNTT trong cuộc sống, trong học tập và giáo dục với phương châm "tạm dừng đến trường nhưng không dừng học", chuyển trạng thái sang dạy và học trực tuyến là phương án thích ứng trong bối cảnh dịch bệnh này.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, thách thức đặt ra hiện nay là nhiều gia đình điều kiện kinh tế còn khó khăn, không đủ khả năng để trang bị cho con em mình những thiết bị học tập thiết yếu như: điện thoại thông minh, máy tính, máy tính bảng..., dẫn đến hàng triệu học sinh không có cơ hội được học tập, khi ngành giáo dục chuyển trạng thái hoạt động trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Phó Chủ tịch UBND thành phố bày tỏ mong muốn, thời gian tới đây chương trình sẽ tiếp tục truyền đi năng lượng tích cực, ý nghĩa nhân văn đến với cộng đồng để góp phần xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn trong kỷ nguyên công nghệ số.
Tại Hội nghị, đại diện các tổ chức, đơn vị trên địa bàn thành phố đã trao tặng hơn 1,2 tỷ đồng ủng hộ chương trình.