Gần 3 năm luyện tập để giành huy chương Bạc kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới

Quang Trường

(Dân trí) - Trước khi chinh phục kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới phiên bản đặc biệt năm 2022 với tấm huy chương Bạc, Nguyễn Xuân Thái đã có 3 năm luyện tập ròng rã.

Sự cố máy hỏng trong kỳ thi thế giới

Gần 3 năm luyện tập để giành huy chương Bạc kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới - 1
Nguyễn Xuân Thái (Ảnh: NVCC).

Rạng sáng ngày 17/10 (giờ Việt Nam), Ban tổ chức kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới phiên bản đặc biệt năm 2022 công bố, đoàn Việt Nam vừa giành 2 huy chương Bạc nghề Phay CNC và Tiện CNC. Đây là thành tích tốt nhất của Việt Nam trong 15 năm tham dự kỳ thi này.

Trong đó, bạn Nguyễn Xuân Thái (23 tuổi) thi nghề Tiện CNC là một trong hai thí sinh xuất sắc giành huy chương Bạc.

Gần 3 năm luyện tập để giành huy chương Bạc kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới - 2
Nguyễn Xuân Thái (ngoài cùng bên trái) cùng với bố và chuyên gia của mình (Ảnh: Trọng Hiếu).

Sau khi nghe công bố kết quả, người đầu tiên Thái nghĩ đến là anh Phan Văn Quốc. Quốc là chuyên gia nghề Tiện CNC, đã đồng hành, đào tạo Thái trong suốt thời gian luyện tập và thi tay nghề.

Rạng sáng hôm ấy, anh Nguyễn Văn Hưng - Bố của Thái cùng cả gia đình ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ không ngủ để chờ kết quả của con trai. Sau khi nhận được tin nhắn của Thái, cả nhà thức trắng đêm vì vui mừng.

"Kết quả này nằm ngoài mong đợi của gia đình tôi. Trước khi con đi, tôi chỉ động viên con cố gắng làm hết khả năng. Dù mong con đạt huy chương nhưng tôi chỉ dám nghĩ, không dám nói ra.

Thái bảo, gia đình là động lực lớn nhất của con trong thời gian qua. Con chỉ mong chiến thắng để về ăn cơm rau muống với gia đình", anh Hưng xúc động nói.

Gần 3 năm luyện tập để giành huy chương Bạc kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới - 3
Thái được Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Thị Việt Hương tặng hoa chúc mừng (Ảnh: Trọng Hiếu).

Hiện tại, Nguyễn Xuân Thái đang là nhân viên của một công ty chế xuất, chuyên cung cấp linh kiện ô tô trên toàn thế giới. Công việc hàng ngày của Thái là lập trình gia công chi tiết, cải tiến công đoạn gia công, nghiên cứu chế độ cắt.

Đây là một công ty có truyền thống tham gia các kỳ thi kỹ năng nghề thế giới. Một lần, công ty đến trường tuyển dụng sinh viên ưu tú tham gia chương trình đào tạo thi tay nghề thế giới năm 2022. Thái đã vượt qua 5 vòng loại với hàng trăm ứng viên từ nhiều trường đại học để được lựa chọn.

Tháng 2/2020, Thái được công ty tuyển dụng. Cậu sinh viên năm 3 khi đó hưởng mọi chế độ như một nhân viên chính thức để luyện tập cho kỳ thi tay nghề thế giới.

Tại Viện Đào tạo Kỹ năng nghề DENSO, Thái được luyện tập trên những máy móc hiện đại nhất. Tính đến kỳ thi, cậu đã có gần 3 năm ôn luyện, nhiều ngày luyện tập lên đến 10 tiếng theo giáo trình của công ty.

Kế hoạch thi cọ xát trực tiếp với thí sinh các nước Nhật Bản, Thái Lan bị hủy do đại dịch Covid-19, Thái chuyển sang cọ xát trực tuyến. Đó là lần đầu cậu được thi đấu quốc tế để "biết người biết ta".

Gần 3 năm luyện tập để giành huy chương Bạc kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới - 4
Thái cùng chuyên gia và phiên dịch viên tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới phiên bản đặc biệt năm 2022 (Ảnh: NVCC).

Khó khăn lớn nhất mà Thái gặp phải ở kỳ thi này là đại dịch Covid-19. Ban đầu, kỳ thi dự kiến được tổ chức vào năm 2021 nhưng bị lùi một năm do dịch bệnh. "Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch luyện tập ở công ty và học ở trường của em", Thái nói. Cậu đã phải bảo lưu một năm kết quả học đại học để tiếp tục luyện tập cho kỳ thi.

Thái cho biết, trong kỳ thi, cậu lập trình và gia công trực tiếp trên máy CNC để hoàn thành bài thi. Vì vậy, một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả thi là máy móc. Sau khi ban tổ chức kỳ thi công bố model máy chính thức, công ty đã tìm loại máy tương đồng nhất với máy sử dụng trong kỳ thi. Thái được luyện tập trên chiếc máy đó suốt 6 tháng trước khi thi.

Tuy nhiên, tại kỳ thi, một sự cố đã xảy ra vào đúng ca thi của Thái. Trước đó, cậu không gặp khó khăn gì ở bài thi đầu tiên. Thí sinh của 4 nước dùng chung máy móc và dụng cụ thi, chia làm nhiều ca thi khác nhau. Đến bài thi thứ 2 của Thái thì máy hỏng. Cậu phải dùng máy và dụng cụ dự phòng mà chưa từng được thử trước nên không nắm được các thông số cần thiết.

Vì vậy, khi làm bài thi thứ 2, Thái phải vừa làm vừa thử dụng cụ để lấy được các thông số gia công. Điều này khiến thời gian làm bài của cậu bị kéo dài và kết quả không như mong muốn.

"Sau đó em đã gạt bỏ kết quả đó ra khỏi suy nghĩ. Em tập trung hết sức để làm tốt nhất bài thi cuối cùng vì cơ hội dành huy chương của em vẫn còn đó. Cuối cùng, em đã làm tốt và kết quả là tấm huy chương Bạc quý giá", Thái chia sẻ.

Đi lên từ đam mê hình khối

Từ ngày còn học phổ thông, Thái đã được thầy cô đánh giá tốt ở những môn liên quan đến hình học như Toán và Công nghệ lớp 11. Thái thích dạng bài vẽ vật thể hình chiếu. Cậu học sinh cấp 3 khi ấy nhận ra mình có năng khiếu ở lĩnh vực này.

"Em đã lên mạng tìm hiểu thêm những kiến thức ngoài chương trình trên lớp. Càng tìm hiểu em càng thấy hứng thú với những hình khối, những nét vẽ với chiều sâu không gian", Thái nói.

Gần 3 năm luyện tập để giành huy chương Bạc kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới - 5
Thái trong lúc làm bài thi (Ảnh: NVCC).

Thái ấp ủ việc chọn một ngành học liên quan đến đam mê hình khối của mình. Tốt nghiệp cấp 3, cậu quyết định theo học chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử, khoa Cơ khí - Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.

Đầu năm học thứ 2, Thái đã giành giải nhất cuộc thi Vẽ kỹ thuật do nhà trường tổ chức. Cậu cũng tham gia câu lạc bộ 4C-Haui dành riêng cho các bạn sinh viên đam mê kỹ thuật nói chung và cơ khí nói riêng. "Đó là những dấu mốc đáng nhớ nhất của em ở trường đại học", Thái nói.

Khi có một công ty về trường tuyển sinh viên tham gia kỳ thi kỹ năng nghề thế giới, nội dung thi là lập trình và gia công các hình khối nhất định từ bản vẽ có sẵn, Thái biết đó là một cơ hội lớn để mình có thể tự tay tạo ra những hình khối từ những nét vẽ, đây cũng là điều đã thôi thúc cậu chọn lĩnh vực này. Thái mạnh dạn đăng ký tham gia.

Phương pháp học của Thái là nắm bắt tối đa kiến thức mà thầy cô truyền đạt. Để giữ cho đam mê luôn "cháy", cậu thường xuyên học thêm kiến thức trên mạng, xem nhiều video về máy móc và kỹ thuật.

Gần 3 năm luyện tập để giành huy chương Bạc kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới - 6
Thái cùng đoàn chuyên gia và thí sinh các nước tại kỳ thi (Ảnh: NVCC).

Nhà trường là nơi giúp cậu có kiến thức nền tảng vững chắc về chuyên ngành. Việc thực hành ở trường cho cậu cái nhìn tổng quan nhất về máy móc và công việc sau này.

"Bản thân em may mắn được vào công ty, tiếp xúc và thực hành trên máy móc hiện đại trong thời gian dài. Bằng kiến thức đã học trên trường, được đào tạo chuyên nghiệp, em đã không mất nhiều thời gian để làm chủ được những máy móc hiện đại.

Việc học ở trường không yêu cầu sinh viên phải quá xuất sắc. Em rút ra được điều quan trọng là khả năng tự học để chắc kiến thức và học thêm nhiều kiến thức ngoài chương trình học", Thái nói.

Thái cho rằng, yêu cầu khó nhất của môn Tiện CNC là phải đọc được bản vẽ, thiết lập công đoạn gia công phù hợp, lựa chọn dụng cụ, chế độ cắt hợp lý để gia công đạt độ chính xác cao nhất.

Ngoài ra, Tiện CNC còn đòi hỏi thí sinh phải có sự tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ nhất, có tư duy hình học, sắp xếp thứ tự công đoạn hợp lý nhằm giảm thời gian gia công mà vẫn đảm bảo độ chính xác.