Gần 200.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại nước ngoài

Nhật Hồng

(Dân trí) - Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang phối hợp quản lý gần 200.000 du học sinh Việt Nam của tất cả các diện đi học tại nước ngoài và trực tiếp quản lý khoảng 6000 du học sinh.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, các chương trình hợp tác trao đổi học sinh, giáo viên với các trường nước ngoài tiếp tục được đẩy mạnh.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang phối hợp quản lý gần 200.000 du học sinh Việt Nam của tất cả các diện đi học tại nước ngoài và trực tiếp quản lý khoảng 6000 du học sinh, trong đó 4000 diện Hiệp định và 2000 theo các đề án của Chính phủ; quản lý khoảng 20.000 lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam, trong đó, trực tiếp tiếp nhận và quản lý gần 4000 lưu học sinh diện Hiệp định.

Bộ GD-ĐT cho biết, các đề án, chương trình học bổng Hiệp định và các nguồn học bổng khác đã tạo cơ hội cho nhiều sinh viên, giảng viên, cán bộ được học tập và nghiên cứu ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các lưu học sinh nước ngoài vào học tập tại Việt Nam, Bộ GD-ĐT đã đưa vào hoạt động cổng thông tin tiếp nhận lưu học sinh nước ngoài. 

Đặc biệt, trong năm học vừa qua, Bộ GD-ĐT đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Ngoại giao hướng dẫn lưu học sinh về công tác phòng, chống dịch Covid-19; chủ động phối hợp với các cơ quan 15 đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài ở Việt Nam để thu thập thông tin về tình hình lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài, báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 để đề xuất biện pháp hỗ trợ.

Cả nước có 82 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài

Về hợp tác giáo dục với nước ngoài, trong năm học 2020 - 2021, Bộ GD-ĐT đã chủ trì đàm phán, ký kết 14 văn bản trong đó có 06 Điều ước quốc tế cấp Chính phủ và 08 Thỏa thuận quốc tế cấp Bộ và được các bên chủ động xúc tiến, thực hiện cam kết một cách có hiệu quả, thiết thực; tổ chức Diễn đàn hợp tác đầu tư trong lĩnh vực giáo dục với sự tham gia của 330 đại diện các cơ quan trong và ngoài nước.

Đến nay, có 82 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có 37 cơ sở GDMN, 26 cơ sở GDPT, 14 cơ sở giáo dục liên cấp và 05 cơ sở GDĐH được thành lập và cấp phép hoạt động theo đúng quy định. 

Bộ GD-ĐT cho rằng, những cơ sở giáo dục này giúp Việt Nam tiếp cận được với phương pháp giảng dạy, phương pháp nghiên cứu và học tập của các nền giáo dục tiên tiến. Bên cạnh đó, có khoảng 20 chương trình giáo dục tích hợp đang được giảng dạy tại các cơ sở giáo dục tư thục của Việt Nam.