Đụng đâu cũng trúng... sinh viên xuất sắc và giỏi

Hoài Nam

(Dân trí) - Tỷ lệ sinh viên xuất sắc, giỏi áp đảo ở các trường đại học nên ngoài thị trường lao động giờ đây "đụng đâu cũng trúng sinh viên giỏi".

Anh Nguyễn Xuân Hồng, Phó giám đốc phụ trách mảng nhân sự tại một công ty truyền thông ở TPHCM kể, đợt vừa rồi công ty anh tuyển được 7 nhân viên thì có đến 6 bạn tốt nghiệp loại giỏi, sinh viên còn lại tốt nghiệp xuất sắc. Trong đó có 4 bạn học cùng trường. 

Đụng đâu cũng trúng... sinh viên xuất sắc và giỏi - 1

Hơn 90% sinh viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi, khá trong tháng 3/2023 (Ảnh: T.N).

Hơn 20 năm phụ trách mảng nhân sự, anh Hồng chưa khi nào gặp nhiều sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi như hiện nay. Trước đây, chẳng mấy khi có ứng viên loại giỏi, may ra có vài sinh viên khá, còn chủ yếu là trung bình. 

"Dường như sinh viên tốt nghiệp trung bình không còn tồn tại?", vị Phó giám đốc đặt nghi vấn và cho rằng, theo lẽ thông thường, nhóm "trung bình" phải là nhóm có tỷ lệ cao nhất nhưng những gì đang diễn ra ở tỷ lệ sinh viên ra trường hoàn toàn ngược lại. 

Trong quá trình làm việc với nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, anh Hồng cho biết, nhiều kiến thức chuyên môn sơ đẳng nhưng các bạn không biết, thiếu kỹ năng làm dự án, thuyết trình..., chưa nói đến những kỹ năng, yêu cầu khác. 

"Giờ tuyển dụng mà nhìn vào bằng giỏi như trước thì... tiêu", anh Hồng nói. 

ThS Phạm Thái Sơn, GĐ Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho rằng, có điều cần nhìn nhận là chất lượng giáo dục giờ đây đã tốt hơn trước rất nhiều. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi cao phần nào thể hiện điều đó. 

Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi chiếm áp đảo như hiện nay có thể khâu đánh giá năng lực của sinh viên có vấn đề.

Người này cho rằng, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi dưới mức 10% và tốt nghiệp loại khá ở khoảng 30% trong số sinh viên tốt nghiệp, phần còn lại là trung bình khá hoặc trung bình sẽ hợp lý và có sức thuyết phục hơn.

Ông Sơn liên tưởng thời đi học của mình, để tốt nghiệp đại học ra trường đã là cả vấn đề rất khó khăn, ra trường đúng hạn chỉ chiếm khoảng 30-35%.

Lớp ông theo học khi đó là lớp giỏi nhất trong các khóa tuyển sinh của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM nhưng chỉ có 12 trong tổng số 235 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, tổng sinh viên tốt nghiệp giỏi và khá chỉ khoảng 10%.

Giảng viên một trường đại học tại TPHCM cũng cho hay, tình trạng lạm phát học sinh giỏi nhiều năm qua đã lan rộng từ bậc phổ thông lên đại học. Một nghịch lý là sinh viên tốt nghiệp loại trung bình trở thành "của hiếm", còn giỏi, xuất sắc trở thành phổ biến. 

Đụng đâu cũng trúng... sinh viên xuất sắc và giỏi - 2

Đợt tốt nghiệp cuối năm 2022, hơn 96% sinh viên Trường ĐH Luật TPHCM nhận bằng loại xuất sắc, giỏi, khá (Ảnh: TTTT).

"Cách đây hơn 20 năm, thời của tôi một lớp, thậm chí cả khoa chỉ có vài trường hợp sinh viên tốt nghiệp loại giỏi. Nhưng giờ ngược lại, chỉ có vài sinh viên viên tốt nghiệp trung bình". 

Cho rằng các trường đang dễ dãi trong việc đánh năng lực người học, vị giảng viên lý giải, điều này còn xuất phát từ cuộc đua "ngầm" giữa các trường. Sinh viên trường khác toàn tốt nghiệp loại giỏi mà sinh viên trường mình toàn khá, trung bình sẽ thiệt thòi khi ra trường xin việc. Trường nào làm "chặt", sinh viên sẽ mất ưu thế khi cạnh tranh trên thị trường. Cứ vậy nối đuôi nhau "nhích" tỷ lệ sinh viên giỏi mỗi năm một cao hơn. 

Chưa kể nhiều trường "nới tay" cho điểm sinh viên còn để giữ "bộ mặt bên ngoài" vì liên quan đến công tác tuyển sinh.

Người này nêu quan điểm, khi năng lực không được đánh giá đúng, nhiều sinh viên ra trường sẽ bị ảo tưởng về năng lực hoặc phải khoác trên mình chiếc áo quá rộng. Từ đó dẫn đến việc nhiều em khi gia nhập thị trường lao động nhưng "không biết mình là ai" hoặc ngược lại tự tin, chán nản về năng lực của bản thân. 

Như băn khoăn của TS Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch hội đồng Trường ĐH Văn Lang: "Có một bài toán trên thị trường lao động là các em sinh viên ra trường cái gì cũng biết, chỉ không biết... làm việc".