Đổi mới dạy học lớp 1: Giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh thực hiện

Mỹ Hà

(Dân trí) - Các trường tiểu học đã áp dụng chương trình lớp 1 mới được hơn 3 tháng. Bộ GD&ĐT cho rằng, đổi mới phương pháp không quá cao siêu, nếu thầy cô nắm chắc đầu ra của chương trình, tìm được cách dạy tốt.

Vướng đâu, giải quyết ở đó

Giờ học Âm nhạc của Trường tiểu học Ngọc Khánh (Hà Nội) sáng nay bắt đầu khác với những tiết học trước đây.

Thay vì cô trò hướng lên bảng đọc chép, hôm nay học sinh hát múa cùng cô giáo. Giờ học sôi nổi, tươi vui.

Có em múa giống cô nhưng có em vỗ tay hoặc làm khác. Tất cả đều được chấp nhận.

Ở giờ học vần, học sinh được trực tiếp đóng vai, hóa thân vào nhân vật, từ đó tìm ra tiếng, từ mới.

Ở tiết Tin học, các em được tô màu và vẽ tranh tư duy. Cô giáo Nguyễn Thị Khánh Ly cho biết, việc đổi mới phương pháp mà cô thực hiện ở cả hai tiết học trên đây, gây hứng thú với học sinh.

Đổi mới dạy học lớp 1: Giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh thực hiện - 1

Việc đổi mới phương pháp mà cô Khánh Ly thực hiện ở cả hai tiết học trên đây, gây hứng thú với học sinh.

Tại Trường tiểu học Nguyễn Du, Hà Nội, tiết tiếng Việt của sáng thứ Hai bắt đầu bằng hình quả thị hiện trên màn hình và các chữ, vần liên quan. Sau đó, học sinh sử dụng hộp dụng cụ học tập để thực hành ghép từ.

Cô Trịnh Thị Kim Quế, giáo viên chủ nhiệm lớp 1D, người có 20 năm dạy lớp 1 cho biết, nội dung của các bài học cũng có cấu trúc gần giống với chương trình cũ.

Tuy nhiên, thay vì dạy kiểu truyền thụ kiến thức như trước đây, học sinh được giáo viên hướng dẫn để tự khám phá ra nội dung bài học.

Chia sẻ với PV Dân trí, thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Phúc) bày tỏ, vài tuần đầu học chương trình sách giáo khoa mới, giáo viên lớp 1 chưa quen được "cởi trói" nên vẫn giao nhiều bài tập về nhà cho học sinh.

Tiếp cận với chương trình mới, nhiều giáo viên của trường cũng có tâm lý e ngại nhưng đến nay, thầy cô đã sẵn sàng cho việc đổi mới, vướng ở đâu thì giải quyết ở đó.

Thầy Mạnh cho rằng, quan trọng nhất để bắt đầu hành trình đổi mới chính là cán bộ quản lý.

Cụ thể, hiệu trưởng cần tạo cơ chế cho giáo viên có tâm thế tốt, được phát huy quyền chủ động, sáng tạo, tự chủ của mình theo đúng tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thầy trao đổi với các cô, cần thay đổi phương pháp để giáo viên, học sinh và cả phụ huynh không áp lực.

Ngoài việc trao đổi nghiệp vụ thường xuyên với giáo viên, vị hiệu trưởng này còn lập nhóm Zalo để trao đổi với phụ huynh về các bài học hàng ngày.

Đổi mới dạy học lớp 1: Giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh thực hiện - 2

Thầy cô vận dụng phương pháp nào cũng được nhưng phải tổ chức các chuỗi hoạt động trong các bài học và hỗ trợ học sinh vượt qua. (ảnh minh họa)

Giao nhiệm vụ rõ ràng cho học sinh

Chia sẻ về phương pháp dạy học tích cực ở chương trình mới, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, phương pháp dạy học tích cực được Bộ GD&ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục áp dụng nhiều năm nay, được áp dụng triệt để trong chương trình, sách giáo khoa mới.

Việc đổi mới phương pháp dạy học tích cực thực ra không quá cao siêu, nếu thầy cô nắm chắc đầu ra của chương trình, tìm được phương pháp dạy tốt.

Chuyên gia này nói rằng, phương pháp dạy học có nhiều nhưng thầy cô cần theo nguyên tắc, giao nhiệm vụ cho học sinh biết cần phải làm gì, và giao nhiệm vụ rất cụ thể bằng các câu hỏi, mệnh lệnh sau đó học sinh sẽ thực hiện nhiệm vụ và giáo viên sẽ hướng dẫn nếu các em vướng mắc.

Nếu học sinh nào làm đúng hướng thì động viên khích lệ. Nếu làm sai, chưa đúng hướng, giáo viên phải chỉ ra đúng hướng cho học sinh, các em không lo mình sai, và sẵn sàng tương tác với các cô.

Với phụ huynh học sinh, cần hỗ trợ các con các kinh nghiệm, cách giải quyết vấn đề đó trong cuộc sống của gia đình, không được làm thay việc của giáo viên ở lớp.

"Giáo viên đóng vai trò quan sát, hỗ trợ những vướng mắc, khó khăn của học sinh để giúp các em hoàn thành nhiệm vụ.

Dần dần, học sinh sẽ được hình thành thói quen và lĩnh hội kiến thức cũng như có thể áp dụng kiến thức vào thực tế", ông Thành nói.

Về câu hỏi, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn chi tiết hơn, tận tay từng giáo viên về việc đổi mới phương pháp ra sao, ông Thành cho rằng, về đổi mới phương pháp dạy học, thầy cô đã được đào tạo trong các trường sư phạm từ lâu. 

Trong quá trình dạy học ở các nhà trường, giáo viên cũng trải qua nhiều lớp bồi dưỡng.

"Thầy cô vận dụng phương pháp nào cũng được nhưng phải tổ chức các chuỗi hoạt động trong các bài học và hỗ trợ học sinh vượt qua, làm sao tăng cường việc tự học, để học sinh chiếm lĩnh kiến thức trong cuộc sống", ông Thành nói.