Mẹ của cựu giám đốc YouTube cho rằng điểm số ở trường không quan trọng

Minh Hiếu

(Dân trí) - Nhà giáo dục và nhà văn nổi tiếng người Mỹ Esther Wojcicki, cũng là người mẹ đã nuôi dạy hai giám đốc và một bác sĩ, cho rằng điểm số của trẻ ở trường không thực sự quan trọng. Vì sao?

Điểm số không nên là một chỉ số để đánh giá sự tiềm năng của học sinh

Bà Wojcicki cho rằng nền giáo dục ở Mỹ và các quốc gia khác có cùng hệ thống giáo dục có một khiếm khuyết là kìm hãm sự phát triển của "những đứa trẻ siêu sáng tạo nhưng không tuân theo các quy tắc".

Theo bà, câu trả lời cho câu hỏi "Làm thế nào để khuyến khích nhóm học sinh này?" chính là cần giảm bớt tầm quan trọng của điểm số.

Bà Esther Wojcicki hiện 81 tuổi, từng giảng dạy tại trường trung học Palo Alto ở California (Mỹ) hơn ba thập kỷ. Bên cạnh đó, bà Wojcicki còn là tác giả của cuốn sách "How to raise successful people" (tạm dịch: "Bí kíp nuôi dạy những người thành đạt") bán rất chạy.

Mẹ của cựu giám đốc YouTube cho rằng điểm số ở trường không quan trọng - 1

Chân dung nhà giáo dục và nhà văn nổi tiếng Esther Wojcicki (Ảnh: Getty Images).

Bà cũng được biết tới là người mẹ nuôi dạy thành công một bác sĩ và hai giám đốc điều hành là Anne Wojcicki - người đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của 23andMe. 

Con gái còn lại - Susan Wojcicki - vừa tuyên bố sẽ từ chức giám đốc điều hành YouTube sau hơn 20 năm làm việc tại Google.

Nhiều năm dạy trung học khiến bà Wojcicki nhận ra rằng, điểm số tốt không nên là thước đo để đánh giá tiềm năng thành công trong tương lai của một đứa trẻ.

Tuy nhiên, trong hệ thống giáo dục hiện nay, điểm số vẫn được coi là một phần không thể thiếu và quan trọng trong việc đánh giá và mở ra các cơ hội tích cực cho người trẻ. 

"Ai ai cũng muốn có điểm số cao và nếu bạn không đạt được những điểm số đó, bạn không thể học đại học. Quá coi trọng điểm số sẽ khuyến khích những học sinh có khả năng "học thuộc tốt" vượt qua các bài kiểm tra. Chính điều này đôi khi khiến những học sinh thông minh và sáng tạo bị bỏ lại phía sau", bà Wojcicki phát biểu tại Dubai.

Một số chuyên gia thần kinh học phản biện quan điểm này, cho rằng việc ghi nhớ có những lợi ích như rèn luyện trí não. Ghi nhớ thông tin là bước đầu tiên để hiểu kiến thức đó.

Mặt khác, các nhà giáo dục cho rằng ưu tiên đạt điểm kiểm tra cao thay vì đào sâu, thể hiện sự hiểu biết sâu sắc trong kiến thức đó sẽ không dạy được cho học sinh các kỹ năng học tập quan trọng.

Thúc đẩy sự sáng tạo trong giảng dạy

Một cuộc khảo sát của Gallup nghiên cứu trên các đối tượng là giáo viên và học sinh ở Mỹ cho thấy, khi giáo viên tập trung nhiều hơn vào tính sáng tạo trong các tiết học, học sinh sẽ tiếp thu được các kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, đồng thời ghi nhớ nhiều hơn những kiến thức mà các em học được trên lớp.

William Klemm, giáo sư khoa học thần kinh tại Đại học Texas A&M (Mỹ), chia sẻ với trang Texas A&M Today vào năm 2017: "Những đứa trẻ đa nhiệm, nhạy cảm, có nhiều năng lượng ngày nay có ít kỹ năng học tập. Cứ tiếp tục như vậy, nhà trường sẽ chỉ thành công trong việc dạy những đứa trẻ vượt qua bài kiểm tra chứ không thành công trong việc giáo dục một con người".

Ở Dubai, bà Wojcicki đã thúc đẩy những thay đổi cục bộ nhưng có ý nghĩa quan trọng đối với hệ thống giáo dục Mỹ, đó là bớt đặt nặng vấn đề điểm số để thúc đẩy sự sáng tạo của học sinh. 

Thế hệ trẻ ngày nay cần nhận thức được những vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt, cũng như góp phần nghiên cứu và đưa ra giải pháp. 

"Mỗi tuần một lần hoặc có thể mỗi ngày một lần nên có lớp học phát triển kỹ năng. Một tiết học mà học sinh có thể tự do đưa ra những ý tưởng và chia sẻ về những vấn đề quan trọng đang diễn ra trên toàn thế giới", bà Wojcicki gợi ý.

Chuyên gia nuôi dạy con cái Margot Machol Bisnow sau khi phỏng vấn 70 bậc phụ huynh của các doanh nhân thành đạt đã rút ra kinh nghiệm rằng một kỹ năng mà mọi cha mẹ cần dạy cho con cái của mình là sự tò mò, điều này cho phép chúng suy nghĩ chín chắn, toàn diện "và đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo hơn".

Bà Wojcicki cho biết, các con gái của mình có kết quả học tập rất xuất sắc, đủ điểm để theo học các trường đại học danh tiếng ở Mỹ như Harvard, Yale và Stanford. Nhưng bà vẫn đảm bảo rằng con mình "không chùn bước khi bị điểm kém".

"Điều quan trọng nhất bạn cần làm là khiến chúng tin vào chính mình. Nhưng con em chúng ta sẽ không bao giờ tin vào bản thân chừng nào con còn bị bố mẹ la mắng mỗi khi bị điểm kém. Cách làm này thực sự không hiệu quả", bà Wojcicki chia sẻ.

Theo www.cnbc.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm