Có điểm lớp 10, trẻ lập nhóm "cấm bố mẹ khoe"
(Dân trí) - Ngay trước ngày có điểm thi lớp 10, chị Loan nhận được tin nhắn của con gái, kiểu tối hậu thư "cấm mẹ khoe điểm con lên facebook".
"Cái trò khoe điểm hợm lắm!"
Sau khi biết điểm thi vào lớp 10 của con gái, khác với mọi lần, trang cá nhân của chị Lê Thanh Loan, ở quận 3, TPHCM vẫn "im re".
Nhiều năm qua, như một thói quen tự nhiên ngoài thông tin của bản thân, góc nhìn cá nhân, facebook của chị Loan cũng là nơi cập nhật bảng điểm, kết quả học tập của hai con, những thành quả và niềm tự hào lớn nhất của chị.
Mọi người đã quen với việc đều đặn một năm 2 lần, giữa kỳ và cuối năm học, chị Loan sẽ đăng bảng điểm, kết quả học tập, xếp hạng "top" của con lên trang cá nhân. Đi cùng đó thường là những cảm thán của người mẹ như "Cũng tạm chấp nhận", "Vẫn còn kém vài bạn, lẽ ra con còn phải cố gắng hơn nữa", hay "Kiểu như môn sử có thù với chị ấy vậy" khi điểm tổng kết môn này của con chỉ... 8,5.
Ngoài ra, trong quá trình học, chị cũng thường xuyên chụp bài kiểm tra, điểm số các môn của con lên facebook và luôn nhận về vô số tán thưởng "con nhà nòi".
Với kỳ thi lớp 10 của con, lâu nay chị cũng liên tục chia sẻ thông tin như con đăng ký vào trường nào, con ôn thi như chơi, chẳng vất vả gì, mục tiêu nhắm đến... Vậy nên hai hôm nay, nhiều người nhận ra sự lạ khi không thấy chị Loan khoe điểm thi của con.
Người mẹ trải lòng, thật ra chị đã hồi hộp chờ đợi điểm thi lớp 10 của con để chia sẻ nhưng đúng một ngày trước ngày biết điểm, con gái chị nhắn tin, nói rõ: "Con cấm mẹ khoe điểm con lên facebook".
Con gái nói rõ là "cấm", không lòng vòng, không giải thích. Lúc này chị còn bật cười, hỏi lại: "Mẹ khoe thì sao?". Cháu đáp: "Mẹ không được phép làm như vậy!" cùng cảnh báo "sứt mẻ tình mẹ con".
Thế là niềm vui khoe điểm con lâu nay của chị Loan cũng đến ngày vỡ tan.
Anh Trương Văn Phúc, ở TP Thủ Đức kể, sáng 20/6, khi Sở GD-ĐT TPHCM công bố điểm thi, vợ chồng anh cùng con trai dậy từ 5h sáng chờ điểm. Sau khi biết điểm, cả nhà thở phào vì mức điểm của con khá ổn, có thể vào trường phổ thông gần nhà như mong muốn.
Khi vợ anh chụp lại điểm thi của con, đang loay hoay chỉnh sửa, căn nét và nghĩ caption (ghi chú) thì bất ngờ, con trai la lên: "Mẹ không đăng điểm thi của con lên mạng nhé!".
Mới đầu hai mẹ con cự nự nhau về vấn đề này. Vợ anh nêu quan điểm: "Mình điểm cao thì khoe, đỗ thì khoe có sao" nhưng trước thái độ kiên quyết của con, người mẹ đành "nhịn".
Hỏi ra anh Phúc mới hay, các con trong lớp nói với nhau rằng "Cái trò khoe điểm hợm lắm, tụi mình nói "không" nhé!". Các con còn đổi tên nhóm trên zalo thành "Cấm bố mẹ khoe điểm", cùng thống nhất ngăn cản, không để phụ huynh đưa điểm số của mình ra "mua vui".
Khi có điểm thi lớp 10, cơn bão khoe điểm con lập tức tràn ngập trên mạng xã hội.
Bên cạnh công khai bảng điểm đơn thuần, "văn mẫu" khoe điểm con quen thuộc của phụ huynh lại xuất hiện như: "Con mình thi cứ nhẹ tênh, chẳng học thêm học bớt gì hết", "Nể nhất ông con mình, không khi nào học bài quá 1,5 giờ/ngày", "Mình toàn cản không cho con học ấy", "Ai kêu thi lớp 10 khó chứ kiểu này con mình dư tận 5 điểm quá mà có học hành gì đâu"...
Đặc biệt, với nhiều phụ huynh có con đỗ hay "chắc suất" vào trường top, trường chuyên thì mức độ "khoe" được đẩy lên một bậc. Có người khoe con nhưng thực chất muốn nhấn mạnh con mình giỏi hơn hay kém hơn người khác.
Văn phong quen thuộc như con đã loại bỏ hàng ngàn thí sinh trong cuộc đua căng thẳng, tỷ lệ chọi khốc liệt lắm và con đã thắng hay là đậu rồi nhưng vẫn chưa trong top đầu...
Điểm số nên là bí mật
Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung, tác giả cuốn sách "Giáo dục Việt Nam và Phần Lan" nhiều lần chia sẻ quan điểm, điểm số của trẻ là thông tin bí mật, chỉ nên lưu hành nội bộ giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh biết. Như vậy sẽ không gây áp lực cho trẻ, cho phụ huynh và tạo một môi trường giáo dục lành mạnh.
Theo ông Trung, ở nhiều nước tiên tiến như Phần Lan, Pháp, điểm số là vấn đề cá nhân. Còn ở Việt Nam, lâu nay chúng ta đã quen với việc công khai kết quả học tập của trẻ do còn liên quan đến thi đua, xếp hạng, giấy khen.
Nhà giáo dục này cho rằng, thay vì quá chú tâm vào điểm số của con hay của những đứa trẻ khác, phụ huynh và giáo viên cần trao đổi nhiều hơn về thái độ của trẻ, tinh thần làm việc tập thể, các thói quen tự chủ, chuyện phát âm, đọc, khả năng tư duy, lập luận… Từ những đánh giá đó để đưa ra những kế hoạch, phương thức thời gian tới nhà trường, gia đình và đứa trẻ cần làm gì.
Liên quan đến việc công khai điểm số của trẻ, nhiều năm trước, Sở GD-ĐT TPHCM từng đưa ra chủ trương các trường tiểu học không được công bố điểm số của học trò trong cuộc họp phụ huynh và sinh hoạt với học sinh.
Tuy nhiên, lâu nay chủ trương này vẫn chỉ nằm trên giấy. Thực tế điểm số, kết quả học tập của học sinh vẫn bị công khai tràn lan không chỉ trong các cuộc họp phụ huynh mà cả trên mạng xã hội.
Bà Nguyễn Ngọc Kiều, chuyên viên tâm lý tại một trường THPT ở TPHCM bày tỏ, phụ huynh cần chú ý đến tâm lý lứa tuổi của con. Có thể có những điều trước đây bố mẹ thể hiện, các con thấy bình thường nhưng đến một giai đoạn, cùng hành vi đó, các con lại có thể phản ứng rất dữ dội. Nhất là những vấn đề góc nhìn, quan điểm, về các giá trị của hai thế hệ khác biệt có thể dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột.
"Các con cần sự quan tâm của bố mẹ hướng vào mình, quan tâm đến sự vui buồn hay những lời khen, động viên trực tiếp hơn việc bố mẹ phô trương cảm xúc, tình yêu đó trên mạng xã hội", bà Kiều nói.