"Con ơi, thôi bỏ đội tuyển đi con"

Nhung Nhung

(Dân trí) - Áp lực từ kỳ thi học sinh giỏi, không chỉ học sinh mà ngay cả phụ huynh cũng cảm thấy "sợ".

Con ơi, thôi bỏ đội tuyển đi con - 1
Không ít học sinh, phụ huynh bày tỏ việc cảm thấy mệt mỏi vì các kỳ thi học sinh giỏi (Ảnh minh họa: Hải Long).

Hoang mang trước mức độ "khắc nghiệt" của kỳ thi học giỏi

Chia sẻ với Dân trí, chị Trịnh Thùy Linh (Hà Nội) có con đang học tiểu học, bày tỏ việc cảm thấy choáng trước mức độ đề thi của lớp một khi học sinh cần phải có tiếng Anh tốt để có thể đọc hiểu đề bài và nội dung thi bao gồm nhiều dạng toán phức tạp như: nhân, chia, hình học, quy luật…

"Tôi thấy toán quan trọng nhất là rèn tư duy, dạy con cách nghĩ, cách giải quyết một vấn đề, để từ đó áp dụng vào cuộc sống. Thế nên khi nhìn thấy dạng thức đề của hàng loạt cuộc thi như vậy, tôi lại thấy nặng nề cho các con.

Hiện các con được huy chương là vì có cô giáo dạy mẹo làm. Việc của các con là học thuộc dạng bài để làm", chị Linh bộc bạch.

Chị cũng chia sẻ rằng, những kỳ thi học sinh giỏi hay đẩy chúng ta tới những ao ước về "một ngọn núi khác" mà quên mất rằng "ngọn núi của con mình" cũng rất nỗ lực rồi.

Thực tế là, các bậc phụ huynh khác đang có con rất nổi bật, nhưng gặp ai đó nổi bật hơn là lại quên ngay rằng con mình cũng rất giỏi.

"Thi học sinh giỏi không xấu, nếu các bố mẹ nhìn nhận việc đi thi là để giúp con có thêm trải nghiệm học tập thì không sao. Ngược lại, nếu thi xong mà bố mẹ lại hoang mang hơn, gây áp lực với con về thành tích hơn thì cũng không nên", chị Linh nói thêm.

Đồng quan điểm với chị Linh, Chị Vũ Thị Oanh (Hà Nội) cũng cho rằng việc thi học sinh giỏi là tốt nhưng nó chỉ phù hợp với những cháu nào thông minh và có khả năng chịu được áp lực. Còn những cháu không thuộc diện trên thì không nên tham gia. Bố mẹ cũng cần biết và hiểu con mình như thế nào để không ép các con.

Bởi hiện tại học sinh "còn khổ hơn người đi làm", khi không chỉ học ở trường cả ngày mà còn học thêm ở ngoài đến tận tối mịt, làm bài tập của hai nơi khác nhau, chuẩn bị cho các kỳ thi trên trường lớp rồi lại tham gia tuyển chọn cho đội tuyển học sinh giỏi tận 2, 3 vòng không phải là điều đơn giản.

"Tôi đã từng chứng kiến có cháu vào đội tuyển môn hóa, qua được 2 vòng nhưng vòng thứ 3 để lên đội tuyển Olympic thì lại trượt. Đến khi thi cuối học kỳ môn toán để giấy trắng luôn, do bỏ toán để học hóa nên mất cơ bản", chị Oanh kể.

"Con ơi, thôi bỏ đội tuyển đi con"

Đưa ra quan điểm về quyết định có nên tham gia thi học sinh giỏi hay không, chị Nguyễn Tuyết (Hà Nội) cho biết: "Con tôi trước đây cấp 3 cũng học trường chuyên. Lực học của cháu cũng tốt, nhìn chung học đều các môn. Riêng môn tiếng Anh và toán thì giỏi trội hơn hẳn.

Được lựa chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của cả 2 môn nhưng cháu từ chối hết. Hỏi thì cháu bảo nếu vào đội tuyển thì thời gian sẽ tập trung quá nhiều vào một môn nên không thích".

Con ơi, thôi bỏ đội tuyển đi con - 2

Đứng trước quá nhiều áp lực, nhiều học sinh không còn thích thú với việc ôn thi học sinh giỏi, phụ huynh cũng thẳng thắn xin cho con ra khỏi đội tuyển luyện thi (Ảnh minh họa: D.T).

Lắng nghe theo nguyện vọng của con nên chị Tuyết cũng không hề ép buộc mà tôn trọng quyết định không tham gia thi học sinh giỏi của con.

Thay vì coi kỳ thi như một mục tiêu để con em chiến đấu, phụ huynh nên nhìn nhận nó ở một góc độ khách quan rằng, sau khi đạt được thành tích hoặc không may bị loại khỏi kỳ thi, thì các con học được gì, có được giá trị gì.

Vì suy cho cùng, tham gia kỳ thi là vì để học sinh được học hỏi và nhìn nhận. Nếu không, ngược lại ảnh hưởng không tốt đến tinh thần hoặc sức khỏe của con trẻ.

"Con ơi, thôi bỏ đội tuyển đi con", chị Dạ Thảo (Thanh Hóa) nói với con khi thấy sau một tháng tham gia ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi, tinh thần con chị không ổn định.

"Tôi muốn con tôi học một buổi, một buổi chơi, muốn học lại những bài thơ giản đơn nhưng dễ hiểu mà sâu lắng lòng người, muốn tính toán đơn giản vì đời đôi khi giản đơn lại giải quyết được vấn đề", chị Thảo bộc bạch.

Là một người mẹ, chị Thảo chia sẻ sự thấu hiểu với những bậc cha mẹ vì không đạt được cuộc sống như mong muốn nên đặt hết kỳ vọng vào con cái. Họ vì không lý giải được tâm lý một đứa trẻ mà vô tình gây ra tổn thương cho chúng.

Nhưng thay vì mong muốn con học giỏi, đạt được thành tích vẻ vang thì việc con trẻ học được học cách đối nhân xử thế, học đạo làm con, học nhân học nghĩa, học tình yêu thương chia sẻ thì sẽ có ý nghĩa hơn thay vì hình thành tâm lý ganh đua, áp lực nặng nề trong học tập.