Nhiều học sinh giỏi chọn học trường nghề
(Dân trí) - Đạt điểm thi tốt nghiệp THPT khá, giỏi nhưng nhiều bạn trẻ vẫn quyết định đăng ký học cao đẳng, trung cấp ở các trường nghề.
Học giỏi vẫn chọn học nghề
Nhân dịp chào mừng tân sinh viên năm học 2022-2023, Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn (BKC) đã tổ chức trao tặng học bổng cho những học sinh giỏi nhập học tại trường.
Thầy Nguyễn Văn Minh Tiến, Phó hiệu trưởng trường BKC, cho biết: "Năm học mới này trường BKC có 57 học sinh xếp loại Giỏi cấp học THPT nhập học hệ cao đẳng, trong đó có 3 em đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh ở Đồng Tháp, Bạc Liêu và Đồng Nai".
Tại trường Cao đẳng Viễn Đông năm nay cũng có hàng loạt thí sinh thi tốt nghiệp THPT đạt gần 24 điểm (3 môn) đăng ký học cao đẳng như em Đỗ Minh Phúc (23,6 điểm), Đinh Tấn Lộc (23,5 điểm), Phan Quốc Huy (23,8 điểm), Nguyễn Hoàng Huy (23,15 điểm)…
Tại trường Cao đẳng Xây dựng TPHCM, các em học sinh đạt điểm thi tốt nghiệp THPT từ 21 đến 24 điểm vào học rất nhiều. Kết quả tuyển sinh bằng cách xét tuyển học bạ còn cao hơn, nhiều em đạt hơn 26 điểm như em Khúc Thừa Đức Duy (26,7); Nguyễn Quốc Huy (26,6); Võ Thị Kim Cương (26,3); Cao Nguyễn Thúy Vy (26,3); Tô Đình Trung (27,6); Nguyễn Ngọc Thiện (26,7)…
Kết quả tuyển sinh tại Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng càng nổi bật hơn khi điểm chuẩn tuyển sinh cao đẳng ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô của trường này là 31 điểm.
Ngành này xét tuyển các tổ hợp môn A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh), môn toán tính hệ số 2. Như vậy, thí sinh đậu ngành này có điểm thấp nhất là 7,75 điểm/môn.
Em Đinh Tiến Hùng (ngụ tỉnh Bình Phước) thi tốt nghiệp THPT đạt 24 điểm, đủ đậu vào nhiều trường đại học nhưng Hùng lại đăng ký học hệ trung cấp tại trường Trung cấp Việt Giao.
Hùng chia sẻ: "Học phí đại học quá cao. Còn học trung cấp, cả khóa học em chỉ tốn học phí 20 triệu đồng mà được đảm bảo ra trường là có việc làm thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng".
Trước đó, Bộ Giáo dục thống kê cho thấy có hơn 320.000 thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm nay không đăng ký nguyện vọng vào đại học.
Theo các nhà quản lý trường nghề, hiện xu hướng học sinh chọn học nghề đang phát triển mạnh, nhiều em bỏ đại học ngay từ đầu để đi học nghề chứ không phải "lọt sàng xuống nia", không đủ điểm vào đại học mới lùi xuống học trường nghề như trước.
Thầy Nguyễn Văn Minh Tiến cho rằng: "Hiện học sinh rất tiến bộ trong việc chọn nghề, chọn trường. Các em có nhiều thông tin và lựa chọn rất rõ ràng nghề gì, cấp học nào, trường nào… phù hợp với bản thân mình".
Quan trọng là được làm công việc mình yêu thích
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, xu hướng chọn học nghề là điều bình thường, phù hợp với sự phân công lao động của xã hội, có thầy thì phải có thợ, có kỹ sư, bác sĩ thì phải có nhân viên kỹ thuật, điều dưỡng…
Xu hướng này phát triển mạnh vì gần đây tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" ngày càng nghiêm trọng, cử nhân đại học khó tìm việc làm, trong khi doanh nghiệp khó tuyển được thợ lành nghề. Đồng thời, Chính phủ có chính sách khuyến khích nên học nghề có nhiều lợi thế như thời gian học ngắn, được hỗ trợ học phí, ra trường có việc làm ngay…
Anh Võ Văn Phụng hiện là kỹ sư bảo trì của Công ty Samsung tại Khu Công nghệ cao TPHCM. 10 năm trước, khi tốt nghiệp THPT, Phụng không vào đại học như các bạn cùng lứa mà chọn học trung cấp ngành Điện công nghiệp và dân dụng tại trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (TDC).
Theo Phụng, vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên anh chọn học trung cấp để tiết kiệm chi phí và mau ra trường làm việc. Điều may mắn là anh chọn được nghề phù hợp với sở thích mày mò, sửa chữa đồ điện của mình.
Vì theo nghề mình yêu thích, Phụng say mê học tập và sáng tạo, liên tiếp đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi tay nghề như giải Ba Hội thi Học sinh, sinh viên giỏi nghề cấp trường; giải Nhất Hội thi Học sinh, sinh viên giỏi nghề TPHCM…
Sau khi ra trường tìm được việc đúng nghề đã học, Phụng sớm ổn định kinh tế, học lên cao hơn để đáp ứng nhu cầu công việc và phát triển đến vị trí hiện nay.
Từ trải nghiệm của mình, Phụng chia sẻ: "Điều quan trọng nhất là chọn được ngành học theo đúng đam mê của mình. Khi ra trường, mình sẽ được làm công việc mà mình yêu thích".
Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, hiện đại học không còn là con đường duy nhất để thành công như ngày xưa. Thanh niên ngày nay có thể gia nhập thị trường lao động ở bất kỳ cấp bậc nghề nào, miễn là có kỹ năng đáp ứng nhu cầu việc làm; còn việc học là suốt đời, có thể bổ túc kỹ năng cần thiết để phát triển sự nghiệp.