Cô thủ khoa yêu môn Sử

(Dân trí) -“Đa số các bạn học sinh đều nghĩ môn Sử khô khan, cứng nhắc, không có gì hứng thú để học, thậm chí có bạn sợ môn này. Khi là giáo viên, em sẽ tìm cách để cho HS hứng thú, không sợ môn Sử nữa…” -cô thủ khoa khối C ĐH Quy Nhơn chia sẻ.

Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua, em Nguyễn Thị Hoàng Oanh, học sinh Trường THPT Phạm Văn Đồng đã xuất sắc đỗ thủ khoa khối C kiêm á khoa của Trường ĐH Quy Nhơn với 26 điểm (trong đó Địa Lý 10; Lịch Sử 9,5; Ngữ Văn 6,5 điểm).

Món quà tặng ba mẹ

Lúc thầy giáo dạy môn Lịch Sử gọi điện thông báo điểm thi đại học, chúc mừng thủ khoa, Oanh như bật khóc trong điện thoại, rồi ôm chầm lấy người mẹ đang lụi hụi làm việc dưới bếp. Người mà Hoàng Oanh chia sẻ niềm vui tiếp theo là người cha đang làm thuê với thợ xây ở Sài Gòn.

Hoàng Oanh sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở xã Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa, Phú Yên). Cả nhà có vài sào đất rẫy trồng nông sản, năm nào được mùa thì mất giá, được giá lại mất mùa. Làm nông nghiệp không đủ sống, may mắn mẹ em xin được một chân làm nhân viên hợp đồng ở trường tiểu học gần nhà. Đồng lương mỗi tháng cũng chỉ đắp đổi qua ngày các chi phí sinh hoạt trong nhà một cách tằn tiện. Con càng lúc càng lớn, bao nhiêu chi phí, rồi tiền ăn học, sau nhiều đêm suy tính rồi ông Nguyễn Văn Chương - ba em quyết định vào Sài Gòn làm mướn. Từ lúc Oanh vào lớp 10, ông Chương đã phải xa quê vào TPHCM làm thợ hồ, kiếm tiền nuôi ba chị em Oanh ăn học.
Danh hiệu thủ khoa chính là món quà ý nghĩa mà Hoàng Oanh muốn dành tặng ba mẹ.
Danh hiệu thủ khoa chính là món quà ý nghĩa mà Hoàng Oanh dành tặng ba mẹ.

Hiểu được hoàn cảnh khó khăn của gia đình và nỗi vất vả của ba mẹ, từ nhỏ, Oanh đã chăm chỉ học tập. Với sự phấn đấu không ngừng trong học tập, suốt nhiều năm liền em đều là học sinh giỏi. Năm lớp 9, Oanh đoạt giải Nhì môn Lịch Sử kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Năm lớp 12, em tiếp tục đoạt giải nhì môn Lịch Sử kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa rồi, Oanh trở thành thủ khoa khối C của Trường Đại học Quy Nhơn với tổng số điểm 26, trong đó môn Lịch Sử suýt đạt điểm tuyệt đối với 9,5 điểm.

Tâm sự với chúng tôi, cô thủ khoa cho biết, ước mơ trở thành cô giáo dạy Lịch Sử của em được thầy giáo Tống Ngọc Phúc - giáo viên Trường THPT Phạm Văn Đồng ươm mầm. Với kiến thức sâu rộng, thầy đã truyền cảm hứng yêu thích tìm hiểu Lịch Sử trong Oanh. Chị gái Oanh là Nguyễn Thị Trúc Loan cũng đang theo học năm 2 ngành Sư phạm Lịch sử Trường ĐH Quy Nhơn, nên em muốn tiếp bước chị trở thành cô giáo.

Chia sẻ niềm vui khi trở thành tân thủ khoa khối C Trường ĐH Quy Nhơn, Oanh thổ lộ: “Lúc thi xong, em không nghĩ mình điểm cao đến vậy. Đến khi thầy Phúc xem điểm công bố trên mạng, gọi điện báo em là thủ khoa khối C của trường với 26 điểm, em vui và bất ngờ lắm. Em gọi điện thoại báo cho ba đang làm thợ hồ ở Sài Gòn. Ba em nghe xong, mừng đến phát khóc… Đây là món quà ý nghĩa nhất mà em xin dành tặng ba, mẹ đã bao năm vất vả nuôi em ăn học”.

Trao đổi qua điện thoại ông Chương - ba của Hoàng Oanh chia sẻ: “Tôi quanh năm đi làm xa, mọi việc trong nhà đều do vợ và các con cáng đáng. Khi biết tin con gái đỗ thủ khoa, tôi và mẹ nó mừng đến rơi nước mắt. Oanh và chị gái sẽ cùng học ở Quy Nhơn, nên có thể tiết kiệm chi tiêu và bảo ban nhau học tốt hơn. Dù hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, nhưng vợ chồng tôi sẽ cố gắng nuôi cháu ăn học đến chốn”.

Quyết tâm học môn Lịch Sử

Động lực lớn để em học Lịch Sử và cố gắng học giỏi là vì nhiều năm học phổ thông thấy người ta nói nhiều về việc học sinh “quá dốt” môn Lịch Sử  nên em quyết tâm không để mang tiếng xấu ấy. Càng học Hoàng Oanh càng thấy Lịch Sử thật tuyệt vời, cuốn hút, học Sử là để biết thêm tự hào dân tộc, thêm yêu đất nước, quê hương. Hoàng Oanh, tâm sự: “Trong lúc nhiều bạn bè em không mặn mà với khối C đặc biệt là môn Lịch Sử, em lại càng thấy thích thú, muốn chinh phục nó để chứng tỏ với mọi người suy nghĩ đó là lệch lạc. Với em, được theo đuổi ngành học mình yêu thích là một niềm hạnh phúc lớn, còn đoạt được danh hiệu thủ khoa là một sự may mắn. Đây là động lực để em phấn đấu thực hiện ước mơ làm cô giáo dạy Sử để tiếp tục truyền lửa cho lớp đàn em thêm yêu thích môn Lịch Sử”.

Thủ khoa Hoàng Oanh (bên
Thủ khoa Hoàng Oanh (bên trái) và người bạn. Oanh tâm niệm: "Học Sử để biết thêm tự hào dân tộc, thêm yêu đất nước".

Theo Oanh, sở dĩ em đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh vừa qua, một phần do tâm lý em thoải mái, không bị áp lực. Nhiều thí sinh đi thi đại học tự gây áp lực bằng suy nghĩ: Phải đậu cho bằng được. Trong khi Oanh có cách nghĩ khá lạc quan: “Đó cũng chỉ là một kỳ kiểm tra, một thử thách mà em cần vượt qua. Nếu không may thi rớt là do kiến thức em còn mỏng, em cần thời gian để ôn luyện, tích lũy thêm. Còn đậu, xem như một bước ngoặt để em nỗ lực hơn nữa trong hành trình thực hiện ước mơ”.

Chia sẻ về “bí quyết” để thi đạt điểm cao, cô thủ khoa tự tin cho biết: “Thi khối C khối lượng kiến thức cần nhớ rất lớn, tuy nhiên, học khối C không có nghĩa là học thuộc lòng tất cả những gì có trong sách vở. Quan trọng là phải có phương pháp ghi chép, học tập một cách khoa học và nhất là sự sáng tạo trong cách làm bài thi. Hầu như trong các đề thi khối C hiện nay, đều có những câu hỏi mở, đòi hỏi kiến thức xã hội và mang tính thời sự. Vì thế, trong quá trình ôn thi, không nên chăm bẵm sách giáo khoa thôi, mà cần thường xuyên xem các chương trình thời sự trên tivi, cập nhật các tin tức mới trên báo, đài. Ngoài ra, khi làm bài thi, cần đọc kỹ đề bài, gạch chân dưới những từ ngữ quan trọng để không bị lạc đề”.

Thầy Châu Lợt - Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Văn Đồng, rất tự hào về cô học trò yêu môn Sử: “Trong bối cảnh các bạn trẻ ít quan tâm đến Lịch Sử, không thích học khối C và ngành khoa học nhân văn thì cách suy nghĩ, thành tích học tập, thi cử của Oanh là rất đáng ngợi khen. Trường THPT Phạm Văn Đồng là một trường mới thành lập tại một vùng còn nhiều khó khăn, nên việc Oanh đoạt thủ khoa không chỉ là niềm vui của em và gia đình mà còn ghi nhận, khích lệ thầy trò của trường cùng cố gắng hơn nữa trong việc dạy và học”.

N.Sơn - D.Công