Các nước lớn trên thế giới thu hút và trọng dụng nhân tài như thế nào?

(Dân trí) - Hiện Việt Nam vẫn đã và đang thực hiện các chính sách nhằm thu hút cũng như trọng dụng những người có tài năng để góp phần phát triển đất nước. Vậy còn trên thế giới? Hãy cùng tìm hiểu những chính sách thu hút nhân tài tại một số nước có nền kinh tế phát triển.

Các nước lớn trên thế giới thu hút và trọng dụng nhân tài như thế nào? - 1

1. Đức

Một phần chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài của Đức đến từ việc nước này đã chủ động tạo ra một hệ thống đào tạo và bồi dưỡng những người tài ngay từ trong các trường Đại học. Nhận thức được vai trò của giáo dục đại học, chính phủ nước này đã sử dụng hệ thống giáo dục để liên tục tạo ra những thế hệ tự phát triển tài năng. Tổng ngân sách đầu tư cho giáo dục hàng năm của Đức chiếm khoảng 5% GDP, trong đó giáo dục đại học chiếm tới 24%.

Những điểm nổi bật của hệ thống đại học tại Đức chính là những yếu tố giúp nước này luôn sản sinh ra những nhân tài.

Thứ nhất, sự thống nhất giữa giáo dục và đào tạo với nghiên cứu khoa học khi những nhà khoa học lớn đều tham gia vào việc giảng dạy và bồi dưỡng cho các thế hệ trẻ tài năng.

Thứ hai, các sinh viên được lựa chọn tự do về trường, các giảng viên, ngành học, cách học và thời gian học. Qua đó, những sinh viên được đối xử như một người trưởng thành, độc lập và có trách nhiệm với công việc học tập của mình.

Thứ ba, chính phủ luôn đặt ra những tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong việc tuyển chọn nhân sự cho các trường đại học và có thể can thiệp nếu thấy cần thiết trong một số trường hợp nhất định.

Ngoài ra, Đức cũng có một chính sách thu hút người tài cũng như những người có trình độ cao tới từ khắp nơi trên thế giới. Theo đó, vào năm 2012, nước này đã giới thiệu một chương trình dạy nghề tại 6 quốc gia châu Âu là Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Italy, Slovakia và Latvia. Những người trẻ tuổi tại các quốc gia này sẽ được đào tạo tại các trường Đại học và nhận vào làm việc tại các công ty và doanh nghiệp của Đức ngay trong thời gian đào tạo để tích lũy kinh nghiệm và có khả năng được tuyển dụng chính thức ngay sau khi chương trình đào tạo kết thúc.

Các nước lớn trên thế giới thu hút và trọng dụng nhân tài như thế nào? - 2

2. Nhật Bản

Giống như Đức, chính sách thu hút người tài của chính phủ Nhật Bản cũng thông qua việc sẵn sàng đổ tiền vào những chương trình liên kết đào tạo và dạy nghề tại nhiều nơi trên thế giới, qua đó, tìm ra và tuyển dụng những người giỏi nhất làm việc tại các công ty của nước này.

Tuy nhiên điểm khác biệt lớn nhất trong chính sách này của Nhật Bản chính là tạo điều kiện tốt nhất cho những người được lựa chọn từ các chương trình đào tạo này.

Theo đó, những người này khi vừa mới được tuyển dụng sẽ chỉ bắt đầu với những công việc đơn giản và không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng chuyên môn và sau đó mới được phân về những nơi phù hợp với năng lực sau khi khóa đào tạo kết thúc.

Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người nước ngoài có tài năng đang làm việc tại nước này. Từ năm 2014, Nhật Bản đã nới lỏng các hạn chế liên quan tới visa lao động cho người nước ngoài để thu hút tài năng.

Tuy nhiên, nếu nói về chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài của Nhật Bản, không thể không kể đến quá trình tuyển chọn nghiêm ngặt và có chọn lựa của nước này; đặc biệt là trong cuộc tuyển chọn các tài năng quản lý. Theo đó, hàng năm Viện Nhân sự Nhật Bản, một cơ quan nhà nước độc lập với các Bộ sẽ mở 3 kỳ thi tuyển chọn công chức gồm loại I (cấp cao) và II, III (cấp thấp).

Những người trúng tuyển kỳ thi loại I sẽ được đào tạo để trở thành cán bộ lãnh đạo trong tương lai và được tự do lựa chọn nơi làm việc. Còn những người trúng tuyển các kỳ thi loại II, loại III sẽ làm các công việc chuyên môn nghiệp vụ cụ thể. Đáng chú ý, số người tham gia thi tuyển thường là các sinh viên ưu tú tại các trường đại học lớn.

Các nước lớn trên thế giới thu hút và trọng dụng nhân tài như thế nào? - 3

3. Mỹ

Với vị thế là nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, Mỹ luôn là một điểm đến lý tưởng cho những người tài cũng như những người có trình độ chuyên môn cao.

Tuy nhiên, để thu hút hơn nữa lực lượng lao động tiềm năng này, chính phủ của Tổng thống Barack Obama trong những năm gần đây đã không ngừng nới lỏng chính sách nhập cư, đặc biệt là đối với những người có trình độ cao để thu hút người tài.

Theo đó, những người đã chứng minh được khả năng của mình tại các công ty và doanh nghiệp của nước này sẽ được cấp visa lao động diện tạm thời (temporary work visa – H-1B visa). Và nếu không tìm được những người Mỹ có khả năng tốt hơn, những nơi này có thể bảo trợ cho nhân viên người nước ngoài của mình nhận được quyền nhập cư và trở thành công dân Mỹ (hay còn gọi là thẻ xanh).

Tuy nhiên, chính phủ Mỹ hiện vẫn đang muốn nới lỏng hơn nữa chính sách nhập cư bằng các dự luật đang chờ Quốc hội thông qua. Trước đó, trong thời gian chờ xét duyệt đơn đăng ký thẻ xanh thì những người này sẽ bị bó buộc vào vị trí làm việc hiện tại song những thay đổi gần đây của chính phủ Mỹ đã giúp những người này được thoải mái hơn trong công việc khi có thể được đề bạt lên vị trí cao hơn, chuyển chỗ làm việc hoặc thành lập công ty mới.

Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng mong muốn tăng cường thu hút lực lượng lao động là những sinh viên ưu tú người nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và toán học thông qua dự luật cho phép gia tăng thời gian mà những sinh viên đã tốt nghiệp này được làm việc tại Mỹ trước khi hết hạn visa và trở về nước.

Trong khi đó, việc tuyển chọn quan chức của Mỹ cũng cho thấy những nhân tài của nước này đều được tuyển chọn kỹ càng song hoàn toàn được trọng dụng và đãi ngộ tốt nếu có năng lực tốt.

Trong đó, điểm đổi mới nhất phải kể đến là việc thành lập ra một nhóm 8.000 nhà quản lý cao cấp trong đội ngũ quan chức. Những người này được giao nhiệm vụ khác nhau, phải luân chuyển nhiều vị trí làm việc, nhưng đổi lại được hưởng lương rất cao nếu hoàn thành xuất sắc công việc.

Các nước lớn trên thế giới thu hút và trọng dụng nhân tài như thế nào? - 4

4. Singapore

Singapore được đánh giá là quốc gia có chính sách thu hút tài năng từ nước ngoài bài bản nhất thế giới. Ngay từ khi mới lên cầm quyền, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã xác định rõ người có tài năng là yếu tố then chốt quyết định khả năng cạnh tranh và phát triển của nền kinh tế. Chính vì thế, trong suốt những năm qua, thu hút người có tài năng, đặc biệt là tài năng từ nước ngoài đã trở thành chiến lược ưu tiên hàng đầu của Singapore.

Năm 1998, Singapore thành lập Ủy ban tuyển dụng tài năng Singapore. Chính sách chính của Singapore là chào đón người có tài năng từ nước ngoài vào bộ máy nhà nước.

Chính phủ Singapore tuyển chọn người có tài năng dựa trên năng lực, khả năng đóng góp chứ không phân biệt quốc tịch của người nhập cư. Trong số 4,5 triệu lao động Singapore có tới 25% là người nước ngoài.

Nội các đầu tiên của Singapore cũng chỉ có duy nhất 2 người bản địa. Singapore có quy định rõ lương của lao động bình thường ở Singapore chỉ khoảng 2.000 USD/tháng hoặc cao hơn chút ít.

Còn với lao động nước ngoài có kỹ năng, tay nghề, ngoài việc được hưởng lương theo mức của tài năng, họ còn được phép đưa người thân sang sống cùng. Họ được cấp giấy phép định cư và nhập tịch lâu dài tại Singapore chỉ trong vài ngày.

Cùng với việc chào đón tài năng ngoại vào bộ máy nhà nước, Singapore có những chính sách ưu đãi nhằm trọng dụng người có tài năng như có hẳn một chính sách về trả lương cao cho người tài.

Các Bộ trưởng Singapore có mức lương cao hơn tất cả các Bộ trưởng ở những quốc gia phát triển. Một phần chính sách này muốn hạn chế nạn tham nhũng, minh bạch hóa chính phủ, đồng thời tạo đà cho các Bộ trưởng dành hết tâm sức cho công việc quản lý hoạch định chính sách.

Bên cạnh đó, Singapore tăng cường đầu tư, trợ cấp cho giáo dục. Singapore có đội ngũ lao động cấp cao hàng đầu thế giới, họ tạo ra năng suất vô cùng lớn, thành thạo về chuyên môn, kĩ thuật và có thái độ làm việc tích cực. Nhưng để có được điều này, Singapore đã phải liên tục đầu tư vào việc đào tạo cả một thế hệ thông qua con đường giáo dục.

Singapore có chính sách nhằm tạo được niềm tin rằng người tài luôn đứng ở vị trí cao. Biệt đãi người tài không chưa đủ, mà cần tạo niềm tin ở nơi họ. Những người tài ngoài thu nhập, nhu cầu được cống hiến, được tôn trọng và được vinh danh là rất lớn.

Ninh Nhật (Tổng hợp)

(Email: vuhonghanh@dantri.com.vn)