Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Cuộc CMCN 4.0 mở ra cơ hội về sự làm ngược"

Lệ Thu

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nếu nói đến đột phá trong việc học đại học chung quy về một chữ: làm ngược. Cuộc CMCN 4.0 mở ra cơ hội về sự làm ngược...

Phát biểu tại Hội thảo "Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo" do Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh rằng, cuộc CMCN 4.0 mà chủ yếu là công nghệ số và chuyển đổi số, mở ra cơ hội cái mới thay cái cũ, đại học mới thay thế đại học cũ.

Mỗi cuộc CMCN sẽ tạo ra cơ hội chỉ cho một vài nước bứt phá vươn lên thành nước phát triển, tạo ra cơ hội cho một số đại học bứt phá vươn lên trở thành đại học hàng đầu. Số ít đó là các nước, các đại học dám đi đầu và đi nhanh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Cuộc CMCN 4.0 mở ra cơ hội về sự làm ngược - 1

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội thảo.

Theo Bộ trưởng Hùng, ba cuộc CMCN trước đây (cơ khí hóa, điện khí hóa và tự động hóa) thì thay đổi công cụ là chính, nó giải phóng lao động chân tay nhưng đầu tư cho những công cụ vật chất này lại phụ thuộc vào khả năng kinh tế của mỗi nước. Nó không phải câu chuyện muốn hay không mà nhiều hơn là câu chuyện có khả năng kinh tế hay không.

Nhưng cuộc CMCN 4.0 này, có thể gọi là thông minh hóa vì thay đổi phương thức, mô hình là chính. Nó giải phóng cách chúng ta nghĩ về công việc và cuộc sống, cách chúng ta sống và làm việc, nó là cuộc cách mạng về thể chế khi mà công nghệ đã sẵn sàng và đang đợi những thay đổi thế chế.

"Công nghệ số nếu tính chi phí trên đầu người thì rất rẻ, càng nhiều người dùng thì càng rẻ, gần như bằng 0. Vì câu chuyện chính của CMCN 4.0, của chuyển đổi số là chúng ta có muốn hay không, có dám hay không chứ không phải là chúng ta có khả năng hay không.

Nếu nói đến đột phá trong việc học đại học chung quy về một chữ: làm ngược. Cuộc CMCN 4.0 mở ra cơ hội về sự làm ngược. Làm ngược nhưng mang lại kết quả, hiệu quả bất ngờ, mở ra cơ hội của các đột phá, cơ hội cho những người đi sau, nhưng không phải cho người đi sau đi theo cách của cách người đi trước. Vì đi theo cách này sẽ mãi mãi là người đi sau. Các công nghệ 4.0 chủ yếu hỗ trợ cho sự làm khác, làm ngược. Và bằng cách này, chúng ta sẽ đi trước một cách vượt trội", ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Cuộc CMCN 4.0 mở ra cơ hội về sự làm ngược - 2

Toàn cảnh hội thảo.

Người có quá khứ hoành tráng sẽ không đủ can đảm để "phá hủy"

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, CMCN 4.0 đi liền với từ "destructive" tức là phá hủy, sự phá hủy mang tính sáng tạo. Người có quá nhiều quá khứ hoành tráng sẽ không có đủ can đảm để phá hủy và thực ra họ cũng không có nhu cầu thay đổi vì họ đang no ấm trong cái cũ.

Những ai không có gì hay có quá ít trong tay, nói cách khác là khó khăn thì cơ hội lại nhiều hơn, sự thúc đẩy lại mạnh mẽ hơn.

CMCN 4.0 và chuyển đổi số tạo ra cơ hội cho các nước đi sau, các nước nghèo, các nước đang phát triển như Việt Nam. Nhưng để tận dụng được cơ hội này thì lãnh đạo phải có quyết tâm chiến lược.

Trước đây đầu vào là quan trọng, cách học là quan trọng, dạy học là quan trọng… Bây giờ, đầu ra là quan trọng vì học thế nào thì sinh viên có thể tự lo. Có vẻ như dạy bằng cách không dạy, mà định hướng là chính.

Trước đây đại học so với chính mình, bây giờ đại học lại so với đại học khác. Vì thế việc ban hành độ tiêu chí, đo đạc, đánh giá, công bố là quan trọng. Cái gì không đo được thì không quản lý được và không thúc đẩy được. Trước đây học cái có trong SGK, bây giờ học cả cái chưa có trong SGK.

Ngành Giáo dục đào tạo huy động được nhiều hơn những người không phải là giáo viên chính thức vào giảng dạy. Trước đây, giáo viên là thầy, bây giờ giáo viên là huấn luyện viên. Sinh viên làm là chính và kết quả là trò giỏi hơn thầy.

Trước đây học cách giải quyết vấn đề là chính, giờ đây học cách tìm ra vấn đề là chính. Vì thế, việc dạy và học cũng thú vị hơn, hữu ích cho cả người dạy và người học. Bây giờ việc học là cả đời, việc dạy học trong trường có thể rút ngắn đi…

Những thay đổi trên và nhiều thay đổi khác nữa có thể thực hiện rất nhanh thông qua chuyển đổi số. Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành đã đặt chuyển đổi số về giáo dục lên ưu tiên cao nhất.

Chuyển đổi số giáo dục và đào tạo, nhất là đại học và dạy nghề có lẽ là con đường đúng nhất, nhanh nhất để tạo ra sự đột phá cho ngành. Tiểu ban phát triển nhân lực thuộc Hội đồng quốc gia về phát triển nhân lực họp vào sáng ngày 3/12/2020 với sự tham gia của gần 50 đại biểu là các nhà chuyên môn và quản lý hàng đầu trong và ngoài nước của Việt Nam đã bàn bạc kỹ, thống nhất cao và đề xuất chọn chuyển đổi số là công cụ đột phá của ngành giáo dục đào tạo nhất là đại học và dạy nghề.

Ngành Giáo dục và đại học Việt Nam vươn lên, bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng vào nhóm hàng đầu, sánh vai cường quốc năm châu về giáo dục, đào tạo. Chuyển đối số thì đầu tiên và quan trọng nhất là quyết tâm chính trị của lãnh đạo cao nhất.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ngành Giáo dục, đào tạo có lẽ cần một nghị quyết của Ban cán sự Đảng bộ Bộ GD&ĐT và một đề án của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Tiếp theo là sự thay đổi một số thể chế, phương thức và mô hình đào tạo. Cơ sở để thực hiện chuyển đổi số là các nền tảng, các platform. Cái này thì các doanh nghiệp số ở Việt Nam có thể làm được.

Chuyển đổi số là tất cả lên online nhưng vì lên online nên nhiều cái cũ phải thay đổi cho phù hợp với môi trường mới, nhiều cái mới sẽ xuất hiện trên môi trường mới. Cái cũ nào phải thay đổi và cái mới nào sẽ xuất hiện sẽ là không gian sáng tạo vô cùng to lớn của người trong cuộc. Cơ hội chỉ đến cho những người tiên phong.

Ông cho rằng, ngành Giáo dục và đào tạo đã có nhiều chủ trương đổi mới nhưng thiếu một công cụ thực thi hiệu quả. Cuộc cách mạng số đã mang đến cho ngành một công cụ có tính cách mạng đó là các platform, không chỉ thực thi hiệu quả mà còn cho phép ngành có những cải cách mạnh mẽ và triệt để hơn nữa.

Mục tiêu của chuyển đổi số giáo dục là nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nhưng giảm tải cho giáo viên. Là đổi mới mô hình dạy và học, là hỗ trợ các công cụ giảng dạy mới cho giáo viên. Chuyển đổi số đại học là tập trung vào thay đổi mô hình đào tạo thông qua việc áp dụng công nghệ số. Giáo viên sẽ tập trung tạo giá trị tăng thêm trên các nền tảng số.

Tinh hoa nhân loại, tinh hoa Việt Nam, tinh hoa đại học, tinh hoa ngành giáo dục đào tạo, tinh hoa công nghệ sẽ được đưa vào nền tảng. Đây cũng là nền tảng mở để liên tục cập nhật và tốt lên từng ngày.

Đại học sẽ như một công ty công nghệ

Bộ trưởng Hùng chia sẻ: "Đại học nằm trong các nền tảng chuyển đổi số thì mặt bằng đại học sẽ ngay lập tức được nâng lên một cách đáng kể. Chuyển đổi số đại học thì việc đầu tiên cần làm là chuyển đổi toàn bộ trường đại học thành một quốc gia số thu nhỏ. Và hoạt động của đại học, giáo viên, sinh viên sẽ chuyển lên môi trường số.

Mỗi người trong đại học sẽ có một định danh số. Đại học là một xã hội thu nhỏ, sinh viên là những người trẻ năng động về công nghệ, rất thuận lợi để xây dựng một xã hội học tập số".

Hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội thảo Chuyển đổi số trong Giáo dục và đào tạo.

Ông nhấn mạnh, cách đào tạo kỹ năng số tốt nhất là cho nhân lực sống, học tập, làm việc trong môi trường số.

Trong xã hội tương lai, việc học là nhu cầu cả đời của con người và đại học phải giải quyết nhu cầu này. Đây là một thị trường lớn hơn thị trường học đại học. Mỗi một nhu cầu mới sẽ được giải quyết bởi một nền tảng số và nếu nhìn dưới góc nhìn này thì đại học ngày càng giống một công ty công nghệ hơn là một đại học truyền thống.

Và thực sự, đại học sẽ là một công ty công nghệ, phát triển công nghệ và nội dung để dạy học nhưng đại học sẽ là một công ty công nghệ bằng cách hợp tác với các công ty công nghệ để đưa tri thức dạy học của mình lên các nền tảng. Một đại học số có lẽ đã đủ điều kiện để cho thí điểm tại Việt Nam.

"Chiến lược nhiều khi chỉ là một góc nhìn khác, một cách tiếp cận khác, một mô hình vận hành khác. Làm tốt, làm xuất sắc một cái, một số cái thì có thể đã có một đại học xuất sắc, với điều kiện cái đó phải là khác biệt đúng. Những góc nhìn ngày hôm nay là gợi mở cho đại học, cho ngành giáo dục và đào tạo nhưng phải dễ làm.

Một chiến lược tốt đầu tiên phải khả thi dễ làm nhưng lại có một yêu cầu rất cao là phải có niềm tin, vì chỉ có niềm tin mới giúp chúng ta đi đến nơi, đi đến cùng và cũng chỉ có như thế mới có thể thành công".

Bộ trưởng Bộ TT&TT gửi gắm: "Chúng ta hãy cùng suy nghĩ thấu đáo, chọn cho mình niềm tin đúng và đi đến tận cùng để xây dựng nên những đại học xuất sắc thông qua chuyển đổi số. Vì đại học xuất sắc, vì giáo dục và đào tạo xuất sắc là nền tảng quan trọng để Việt Nam bứt phá vươn lên hùng cường, thịnh vượng".

Bộ TT&TT cam kết đồng hành với Bộ GD&ĐT trong hành trình đầy thách thức và vinh quang này, vì chuyển đổi số đầu tiên là nhắm vào giới trẻ để từ đó thúc đẩy toàn xã hội. Những điểm về công nghệ số, xây dựng nền tảng cho chuyển đổi số ngành GD&ĐT đề nghị giao cho Bộ TT&TT chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam.

"Việc 5 năm thì hãy giao chúng tôi trong 1 năm vì bây giờ việc khó thì dễ làm hơn vì có nhiều giải pháp mới đột phá, việc dễ lại khó làm vì làm theo cách cũ", Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nói.