Xu hướng tăng giá của Chanel và những thương hiệu đình đám

Mi Vân

(Dân trí) - Nhiều thương hiệu cao cấp như Chanel, Rolex, Hermès, Dior, Prada, Louis Vuitton, Gucci tăng mạnh giá bán để duy trì hình ảnh đắt đỏ và xa xỉ của mình. Điều này làm ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Mới đây, Chanel thông báo tăng giá các sản phẩm túi xách, đồ trang sức và quần áo tại thị trường Hàn Quốc 5-12% kể từ ngày 2/11. Theo Korea Herald, đây là lần tăng giá thứ 4 của hãng thời trang xa xỉ Pháp tại Hàn Quốc trong năm nay. 

Theo đó, giá của chiếc túi Chanel Mini Flap Bag tăng 7%, từ 5,94 triệu won (104 triệu đồng) lên 6,37 triệu won (117 triệu đồng), trong khi giá của chiếc Chanel Classic Large Flap Bag tăng 6%, từ 13,35 triệu won (246 triệu đồng) lên 14,2 triệu won (261 triệu đồng). Các phụ kiện của Chanel cũng tăng giá từ 7 đến 8%, trong đó giá của ví cổ điển Classic Wallet tăng 8,3%, từ 3,99 triệu won (73 triệu đồng) lên 4,32 triệu won (79 triệu đồng).

Xu hướng tăng giá của Chanel và những thương hiệu đình đám - 1

Chanel liên tục thông báo tăng giá trong năm nay (Ảnh: The Fashion Law).

Chanel không phải là thương hiệu xa xỉ duy nhất tăng giá gần đây. Các hãng như Louis Vuitton và Fendi cũng đã tăng giá bán ở Hàn Quốc trong nửa cuối năm 2022, do việc tăng giá nguyên vật liệu và tỷ giá hối đoái tăng.

Hồi tháng 10, hãng Louis Vuitton công bố mức giá tăng 3%, trong khi Fendi và Hermes tăng lần lượt là 6% và 4%. Đây là lần tăng giá thứ hai trong năm của Louis Vuitton, trong khi Fendi có ba lần thông báo tăng giá bán.

Giám đốc tài chính của Hermès tiết lộ với giới truyền thông rằng, hãng sẽ điều chỉnh giá trên diện rộng vào năm 2023. Các sản phẩm sẽ tăng từ 5% đến 10%.

Trong tháng 10, một số sản phẩm của Saint Laurent cũng được điều chỉnh giá tại thị trường Trung Quốc. Từ đầu tháng 11, giá sản phẩm của Saint Laurent tại Anh cũng tăng trên diện rộng. Giá của dòng Niki đã tăng khoảng 20%. Niki Baby ban đầu có giá 2.500 USD đã tăng gần 3.000 USD. 

Tăng giá liên tục sẽ dẫn đến việc mất khách hàng nhưng các công ty này dường như ít quan tâm đến điều đó. Các nhãn hàng mong muốn bảo vệ hình ảnh cao cấp của mình để thu hút những khách hàng giàu có, trung thành thay vì chạy theo xu hướng "mua sắm trả thù" hậu đại dịch. 

Xu hướng tăng giá của Chanel và những thương hiệu đình đám - 2

Những chiếc túi Hermès có giá bán cao, chỉ nhắm vào khách hàng giàu có (Ảnh: Reuters).

Việc tăng giá sản phẩm cũng là một cách để các nhãn hàng cao cấp bù đắp khoản thu nhập sụt giảm do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Doanh số bán hàng của họ bắt đầu giảm vào năm 2020 do lệnh cấm du lịch và sự thiếu hụt nguồn cung toàn cầu.

Năm 2020, Chanel báo cáo doanh thu giảm 18% so với năm 2019, xuống còn 10,1 tỷ USD và lợi nhuận giảm 41%, xuống còn 2 tỷ USD. LVMH - tập đoàn sở hữu khoảng 70 thương hiệu bao gồm Louis Vuitton, Dior và Kering - tập đoàn sở hữu Gucci và Saint Laurent đều giảm 16% doanh số bán hàng trong năm 2020.

Năm 2021, các công ty nhanh chóng bù đắp khoản lỗ bằng cách tăng giá sản phẩm khi thị trường bắt đầu phục hồi và nhu cầu mua sắm tăng trở lại ở Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Trung Quốc là một thị trường rất tiềm năng mà các nhãn hàng cao cấp hướng tới. Theo công ty tư vấn Knight Frank, Mỹ đang có số lượng người siêu giàu với tài sản trị giá hơn 30 triệu USD nhiều nhất thế giới nhưng Trung Quốc lại là nơi có nhiều triệu phú, tỷ phú mới nổi hơn. 

Giới siêu giàu ở Trung Quốc ước tính sẽ vượt quá 100.000 người vào năm 2025. Do vậy, Bain & Company nhận định, Trung Quốc sẽ chiếm một nửa tổng lượng tiêu thụ hàng xa xỉ trên toàn thế giới vào năm 2025.

Xu hướng tăng giá của Chanel và những thương hiệu đình đám - 3

Jennie của Blackpink là gương mặt đại diện cho Chanel tại Hàn Quốc (Ảnh: Elle).

Tuy nhiên, việc các nhãn hàng thời trang liên tục tăng giá có thể khiến nhiều người tiêu dùng không còn hào hứng với việc sở hữu những món đồ thời trang đắt tiền. 

"Dù giá cả tăng cao, tâm lý người dùng hiện nay có những thay đổi tinh tế. Họ lý trí hơn và không còn mù quáng chạy theo xu hướng. Nói cách khác, mọi người ngày càng trở nên bình tĩnh hơn", một chuyên gia bình luận.

Ngoài ra, một yếu tố khiến những chiếc túi hàng hiệu đắt tiền không còn món đồ thời trang buộc phải có với người tiêu dùng bởi chúng ngày càng trở nên giống nhau. 

Mẫu mã những chiếc túi thuộc những nhãn hàng khác nhau trông tương tự nhau do các nhãn học hỏi lẫn nhau. Cách phân biệt duy nhất là thông qua logo. Do vậy, việc không ngừng tăng giá túi đã khiến sức hút của những chiếc túi hàng hiệu không còn được như trước. 

Bên cạnh đó, xu hướng mua lại những món hàng hiệu cũ để tiết kiệm cũng ngày càng thịnh hành. Giá các món đồ xa xỉ được bán lại chỉ bằng khoảng 30-70% so với giá gốc. 

Theo các cuộc khảo sát năm 2020 và 2022, giá trị của thị trường đồ cũ đã chiếm từ 3% đến 5% trong toàn ngành quần áo. Nhiều chuyên gia dự đoán các sản phẩm bán lại sẽ chiếm 27% tủ quần áo của người tiêu dùng vào năm 2023. 

Alex Goat - một chuyên gia về văn hóa thanh thiếu niên chia sẻ về xu hướng mua bán đồ cũ: "Mọi người đang dần nhận thức được tác hại của thời trang nhanh. Vì vậy, họ cũng muốn góp phần bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, việc này còn giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc".

Theo Purseblog/The Fashionlaw