Xu hướng dung tục và tệ nạn hóa những lễ hội truyền thống

(Dân trí) - Hiện nay, nhiều lễ hội đầu năm đang có xu hướng trở thành cơ hội để ban tổ chức, chính quyền địa phương tận thu và thương mại hóa, người dân đi lễ hội cũng chỉ vung tiền cầu lợi. Nhiều lễ hội đang dần “mất điểm” trong mắt du khách.

“Chướng tai gai mắt” với nhiều “hạt sạn” mùa lễ hội đầu năm

Đầu năm, bên cạnh những lễ hội lớn còn có hàng trăm lễ hội nhỏ được các địa phương tổ chức, chưa kể dòng người kéo nhau đi khắp đình chùa, đền phủ thắp hương, vái lạy tấp nập,... Và lễ hội, di tích, danh lam thắng cảnh nào cũng xảy ra những “hạt sạn” chướng tai gai mắt. 

Xu hướng dung tục và tệ nạn hóa những lễ hội truyền thống - 1
Các lễ hội đầu xuân đều thu hút hàng vạn du khách tấp nập đổ về trẩy hội.

Ở vùng núi cao, lễ hội thực sự là một cuộc vui của đồng bào dân tộc, có nhiều trò chơi sôi động nhưng ở đồng bằng và các đô thị, người dân kéo về các lễ hội như chùa Hương, Yên Tử, Phủ Giày, đền Bà Chúa Kho, đền Hùng, chùa Bái Đính… chỉ để cúng bái, cầu may rủi. Vì thế, người dân đã thi nhau đổ tiền của để mua sắm lễ, đốt vàng mã. Rồi thi nhau rải tiền lẻ khắp các ban bệ, tượng Phật, thậm chí ném cả xuống ao hồ, giếng trong di tích.

Ngay cả Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) không phải là một di tích tâm linh, nhưng đầu năm nay, cũng trở thành nơi người dân kéo vào lễ lạt, cúng bái mưu cầu học hành, danh vọng đỗ đạt. Ở đây cũng bắt đầu cảnh khói hương nghi ngút, tiền lẻ được nhét vào miệng những cụ rùa đá, ném lên mái nhà. Ở Phủ Tây Hồ cảnh cũng tương tự. 

Xu hướng dung tục và tệ nạn hóa những lễ hội truyền thống - 2
Xu hướng dung tục và tệ nạn hóa những lễ hội truyền thống - 3
Người dân đã thi nhau đổ tiền của mua sắm lễ, đốt vàng mã, rải tiền lẻ khắp nơi tại đền Bà chúa Kho - Bắc Ninh.

Trong khi đó, ở khu vực đền Bà Chúa Kho (TP Bắc Ninh) ùn tắc, chen chúc ngay từ đầu năm đến nay do người dân kéo về “vay lộc”. Người dân cho rằng, muốn có một năm làm ăn “vào cầu”, “trúng quả” thì phải “vay mượn vốn liếng” của đền Bà Chúa. Càng có lễ to càng thắng đậm, nên ai cũng cố sắm mâm lễ tới cả triệu đồng, có người hàng chục triệu đồng, đua nhau bỏ tiền thật để vay tiền ảo. Bắt được tâm lý “tham tài” của khách, hàng trăm chủ tiệm kinh doanh ngoài đền đua nhau “chặt chém” giá không thương tiếc. Mọi mặt hàng đều tăng giá nháo nhào cả lên.  

Đáng buồn là chính người dân đang làm dung tục hóa các lễ hội. Ở đền Bà Chúa Kho, có người còn bỏ cả đống tiền thật, khoảng 60-70 triệu đồng để mua một núi vàng mã đem đốt, trả lễ Bà Chúa Kho. Nhiều gia đình còn hóa cả... ô-sin cho người chết!

Xu hướng dung tục và tệ nạn hóa những lễ hội truyền thống - 4
Xu hướng dung tục và tệ nạn hóa những lễ hội truyền thống - 5
Bày bán thịt thú rừng và đốt vàng mã mịt mù ngay trước cổng chùa Thiên Trù tại lễ hội chùa Hương.

Ở lễ hội chùa Hương, mặc dù dư luận đã bài xích từ nhiều năm nhưng hiện nay đủ loại thịt thú rừng, thịt cầy giả thịt thú rừng vẫn vô tư treo lủng lẳng khắp khu Hương Sơn, Bến Đục, thậm chí tấn công lên tận cổng chùa Thiên Trù, làm ô tục cõi Phật. Khách đông, chủ các nhà hàng tha hồ “chặt chém”: một bát phở, mì tôm giá 40.000 đồng, trứng gà, trứng vịt 8.000 đồng/quả…

Còn tại các lễ hội như hội Lim (Bắc Ninh), Đền Trần, chợ Viềng (Nam Định)… thì nổi lên là hội cờ bạc bịp, trò chơi may rủi trá hình. Năm nào, các hình thức như tôm cua cá, ném vòng, ném đĩa, phi tiêu… trúng thưởng cũng tái diễn, ngang nhiên hoạt động, làm nhiều du khách bị mất tiền oan. Thậm chí ngay cả lễ hội chọi trâu Hải Lựu (Lập Thạch-Vĩnh Phúc) tổ chức vào ngày 17 tháng giêng hàng năm thì hiện nay cũng hóa thành một “sòng bạc” khi giới cá độ kéo về lôi kéo cả người dân chơi cá cược.

Xu hướng dung tục và tệ nạn hóa những lễ hội truyền thống - 6
Xu hướng dung tục và tệ nạn hóa những lễ hội truyền thống - 7
Cảnh chen lấn xô đẩy đến hỗn loạn tại các lễ hội khiến du khách kinh hãi.

GS.Trần Lâm Biền, một người nghiên cứu sâu về lễ hội và văn hóa dân gian bày tỏ sự không hài lòng về cách tổ chức lễ hội cũng như quan niệm về đi lễ hội của người dân như hiện nay. Theo ông, ngày xưa lễ hội tổ chức là để hòa nhập và tạo sức mạnh cộng đồng, còn bây giờ người dân đến lễ hội, đình chùa chỉ là để cầu xin cho chính mình.
 
Thậm chí còn có tư tưởng mâm cao cỗ đầy, lễ lạt nặng quả thì được lộc nhiều, theo kiểu “tốt lễ dễ kêu”. Đáng buồn là các lễ hội bị thương mại hoá, dung tục hoá. Hòm công đức trá hình, những trò mê tín dị đoan, cờ bạc, móc túi tràn lan... Mục đích thực dụng, trần sao âm vậy tràn vào lễ hội, đình chùa. Người ta rải tiền vào chốn linh thiêng như “hối lộ thánh thần”, cầu xin tiền tài lộc lá sỗ sàng, không còn nét thảnh thơi, chiêm bái như trước nữa.

Cơ hội “vàng” để tận thu lễ hội

Lễ hội truyền thống ngày càng trở nên bát nháo, trong khi nhiều nơi lại lợi dụng lễ hội để tận thu ngân sách, việc cải thiện các mặt tiêu cực, bất cập vẫn chưa được bao nhiêu. Nhiều nơi tổ chức lễ hội nhưng đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, làm cho bản sắc lễ hội bị tha hóa, biến tướng.

Hiện nay, hầu như các di tích đều tràn lan các ban thờ, hòm công đức, đĩa đặt tiền giọt dầu, thậm chí một gốc cây với vài nén nhang cũng đặt hòm công đức, dẫn đến việc đặt tiền vung vãi, gây phản cảm. Ở khu đền Bà Chúa Kho, chùa Bái Đính và nhiều nơi khác, dường như mỗi năm lại “mọc” thêm các ban thờ mới. Trước đây, dư luận đã từng lo ngại hiện tượng tượng giả, chùa giả, “gia đình hóa” di tích…

Xu hướng dung tục và tệ nạn hóa những lễ hội truyền thống - 8
Xu hướng dung tục và tệ nạn hóa những lễ hội truyền thống - 9
Hòm công đức "nở rộ" ở khắp các lễ hội đầu năm.

Tính thương mại hóa, tận thu lễ hội thể hiện ở việc nhiều lễ hội đua nhau tổ chức đấu thầu các điểm bán hàng, kinh doanh dịch vụ, dẫn đến chủ hàng đẩy giá cả lên để thu lợi nhuận và ban tổ chức không thể kiểm soát được giá cả, tiêu biểu như hội Lim (Bắc Ninh), Đền Hùng (Phú Thọ), Phủ Tây Hồ (Hà Nội)…

Tại hội Lim, nơi có đặc sản dân ca Quan họ, từ nhiều năm nay người dân đã bức xúc vì bị biến thành “hội chợ” mỗi năm mở hội vào ngày 13 và 14 tháng giêng âm lịch. Gần đây, hội Lim đang dần vãn khách hoặc du khách chỉ tìm về nghe Quan họ trong các làng chứ không lên khu vực “hội chợ” nữa. 

Xu hướng dung tục và tệ nạn hóa những lễ hội truyền thống - 10
Xu hướng dung tục và tệ nạn hóa những lễ hội truyền thống - 11
Du khách bị "móc túi" từ các dịch vụ...ăn xin đến các dịch vụ vận chuyển.

Lễ hội chùa Hương hiện nay cũng đang khai thác theo kiểu tận thu. Trong khi từ đầu tháng 1/2012, giá vé tham qua di tích chùa Hương được tăng từ 30.000 đồng lên 50.000 đồng, tức là tăng đột ngột tới 20.000 đồng/người chỉ sau một mùa lễ hội thì các dịch vụ đi kèm như phí thuê đò, giá vé cáp treo lên động Hương Tích đều cùng tăng theo. Trong đó, tiền phí đi đò đã tăng thêm 10.000 đồng lên mức 25.000-35.000 đồng/người và giá vé đi cáp treo lên động Hương Tích là 120.000 đồng/khách (khứ hồi).

Nhiều người cho rằng, trong khi di tích Yên Tử (Quảng Ninh) vẫn không thu phí tham quan thắng cảnh thì việc chùa Hương bắt buộc mua vé thắng cảnh trong nhiều năm qua là tận thu, chưa kể tới việc liên tục tăng phí và đây là nơi tổ chức cho nhiều chủ hộ, doanh nghiệp tư nhân nhảy vào thuê, đấu thầu địa điểm kinh doanh, buôn bán dịch vụ nhiều nhất hiện nay.

Xu hướng dung tục và tệ nạn hóa những lễ hội truyền thống - 12
Xu hướng dung tục và tệ nạn hóa những lễ hội truyền thống - 13
Những hành động không đẹp của du khách cũng khiến các lễ hội trở nên nhếch nhác, lộn xộn.

Đành rằng trong những năm qua, lễ hội chùa Hương đã được cải thiện so với trước kia, như có mạng lưới thu gom rác thải, dòng suối Yến được khơi thông nạo vét nhưng rõ ràng sự đầu tư vẫn chưa tương xứng khi mỗi năm vào mùa lễ hội vẫn làm du khách bức xúc. Theo UBND TP Hà Nội, mùa lễ hội năm 2011, chùa Hương đã bán được 1,38 triệu lượt vé tham quan thắng cảnh, thu về 41 tỷ đồng. Năm nay do nâng giá vé nên nguồn thu sẽ tăng lên 69 tỷ đồng. Đó là chưa tính tới khoản thu khổng lồ từ tiền công đức và phí đấu thầu địa điểm kinh doanh, phí hoạt động của chủ đò, tiền bãi gửi xe… 

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Trưởng ban Di sản Văn hóa phi vật thể (Hội Di sản Việt Nam) cho rằng, nước ta có gần 9.000 lễ hội nhưng cứ với kiểu tổ chức tận thu và thương mại hóa hiện nay, các lễ hội sẽ không còn thực sự là lễ hội truyền thống nữa.

Anh Thế  - Quốc Đô