Xem 20 thắng cảnh xứ Huế xưa qua tranh sơn mài

(Dân trí) - Chiều 9/6, tại Trường Lang, Đại Nội Huế, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã giới thiệu triển lãm 20 thắng cảnh Huế xưa (Thần kinh nhị thập cảnh) qua tranh sơn mài của nhà thư pháp Hải Trung, Giám đốc Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế thực hiện.

20 thắng cảnh Huế xưa hay còn gọi là Thần kinh nhị thập cảnh là tên chùm thơ của vua Thiệu Trị nhà Nguyễn viết nhằm xếp hạng và vịnh thơ 20 thắng cảnh của đất Huế. Chùm thơ gồm các bài thơ ca ngợi 20 thắng cảnh của đất Thần Kinh (Huế) gồm 7 thắng cảnh tự nhiên và 13 thắng cảnh nhân tạo hoặc là sự kết hợp giữa nhân tạo với tự nhiên. Tất cả được sắp xếp theo thứ tự sau:

1.Trung Minh Viễn Chiếu (cảnh lầu Minh Viễn trong Tử Cấm Thành Huế); 2.Vĩnh Thiệu Phương Văn (cảnh vườn Thiệu Phương trong Tử Cấm Thành Huế); 3.Tịnh Hồ Hạ Hứng (cảnh hồ Tịnh Tâm trong Kinh Thành Huế); 4.Thư Uyển Xuân Quang (cảnh vườn Thư Quang trong Kinh Thành Huế); 5.Ngự Viên Đắc Nguyệt (cảnh vườn Ngự trong Tử Cấm Thành Huế); 6.Cao Các Sinh Lương (cảnh hồ Nội Kim Thủy trong Hoàng Thành Huế); 7.Trường Ninh Thùy Điếu (cảnh cung Trường Ninh trong Hoàng Thành Huế); 8.Thường Mậu Quan Canh (cảnh vườn Thường Mậu trong Kinh Thành Huế); 9.Vân Sơn Thắng Tích (cảnh chùa Thánh Duyên trên núi Thúy Vân); 10.Thuận Hải Qui Phàm (cảnh biển Thuận An);

11.Hương Giang Hiểu Phiếm (cảnh sông Hương); 12.Bình Lãnh Đăng Cao (cảnh núi Ngự Bình); 13.Linh Quán Khánh Vận (cảnh quán Linh Hựu trong Kinh Thành Huế); 14.Thiên Mụ Chung Thanh (cảnh chùa Thiên Mụ); 15.Trạch Nguyên Tao Lộc (cảnh đầu nguồn sông Hương); 16.Hải Nhi Quan Ngư (cảnh phá Hà Trung); 17.Giác Hoàng Phạm Ngữ (cảnh chùa Giác Hoàng trong Kinh Thành Huế); 18.Huỳnh Tự Thư Thanh (cảnh trường Quốc Tử Giám); 19.Đông Lâm Dực Điểu (cảnh rừng Đông Lâm huyện Hương Thủy); 20.Tây Lãnh Thang Hoằng (cảnh suối nước nóng huyện Hương Trà).

Các bức họa Thần kinh nhị thập cảnh bằng sơn mài, trên có đề thơ của vua Thiệu Trị
Các bức họa Thần kinh nhị thập cảnh bằng sơn mài, trên có đề thơ của vua Thiệu Trị

Từ năm 1844-1845, vua Thiệu Trị chỉ dụ cho Nội Các “cố định hóa” chùm thơ này bằng cách: In ấn thành sách có tranh minh họa (nằm trong bộ sách Ngự đề Đồ Hội Thi Tập); Vẽ tranh gương treo tại các cung điện, vẽ trên một số đồ sứ ký kiểu từ Trung Hoa; Khắc chùm thơ Thần kinh nhị thập cảnh vào các bia đá cao 84,8cm, rộng 50,8cm, dày 17cm với đế bia dài 72cm, rộng 48cm, dày 25,4cm, và vào các bảng đồng dài 46,6cm, cao 60cm, dày 21cm một mặt khắc thơ và mặt kia khắc tiêu đề bài thơ và dựng tại các thắng cảnh.

Hiện tại, trong số các loại hình trên, chỉ có 20 bức tranh vẽ trong tập Ngự đề Đồ Hội Thi Tập là còn tương đối nguyên vẹn. Các bảng đồng đã hoàn toàn biến mất, các bia đá thì tìm thấy 7/12 bia (là các bia Vân Sơn Thắng Tích, Bình Lãnh Đăng Cao, Hương Giang Hiểu Phiếm, Thiên Mụ Chung Thanh, Trạch Nguyên Tao Lộc, Huỳnh Tự Thư Thanh, Đông Lâm Dực Điểu). Tranh gương còn giữ được 5 bức: Trùng Minh Viễn Chiếu, Vĩnh Thiệu Phương Văn, Thiên Mụ Chung Thanh, Thường Mậu Quan Canh, Cao Các Sinh Lương. Các đồ ký kiểu sứ Trung Hoa hiện chỉ biết còn 1 chiếc dĩa sứ vẽ cảnh chùa Thánh Duyên trên núi Thúy Vân.

Đây là chùm thơ nổi tiếng của vua Thiệu Trị, mô tả và vịnh về 20 thắng cảnh nổi tiếng của Huế xưa, là những tư liệu lịch sử quý giá và các giá trị văn hóa lớn khi tìm hiểu về văn hóa nghệ thuật cũng như lịch sử Huế xưa vào thời Nguyễn. Đáng tiếc, một số thắng cảnh trong 20 thắng cảnh Huế xưa cũng đã bị thay đổi hay biến mất cho đến ngày nay.

Căn cứ vào tư liệu là 20 bản vẽ của Bộ Công triều Nguyễn, nhà thư pháp Hải Trung - Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã miệt mài trong 10 tháng trời (trung bình mỗi bức vẽ mất nửa tháng) thể hiện lại trên vóc sơn mài truyền thống và viết thư pháp các bài thơ này của vua Thiệu Trị theo dạng hành thảo.

Triển lãm được diễn ra kéo dài tại Trường Lang thuộc Tử Cấm Thành Huế nhằm cho du khách có một cái nhìn rõ hơn về những thắng cảnh đẹp đã từng được vua chọn lúc xưa để vinh danh.

Cảnh đẹp thứ nhất:

Cảnh đẹp thứ nhất: Trung Minh Viễn Chiếu (cảnh lầu Minh Viễn trong Tử Cấm Thành Huế). Đây là 1 công trình kiến trúc quan trọng trong Tử Cấm Thành hồi xưa, được xây dựng chỉ trong 1 tháng là xong dưới thời vua Minh Mạng năm 1827. Lầu tương tự như Hiển Lâm Các - ngôi nhà cao nhất trong Kinh thành Huế xưa khi còn các vua. Hiện lầu đã không còn nữa, chỉ còn lại dấu tích của phần nền móng xưa.
 
Theo thứ tự, các cảnh từ 2 đến 10 là:

Theo thứ tự, các cảnh từ 2 đến 10 là: Vĩnh Thiệu Phương Văn (cảnh vườn Thiệu Phương trong Tử Cấm Thành Huế). Vườn giờ đây chủ yếu chỉ còn ghi nhận qua khảo cổ học với một chiếc cổng ở phía Nam có dòng chữ lớn "Ngự chế THIỆU PHƯƠNG VIÊN MÔN" và một lạc khoản đề "Minh mạng cửu niên cát nhật tạo" (Cổng vườn Thiệu Phương xây dựng vào ngày tốt, năm Minh Mạng thứ 9 - tức năm 1828).
 
Tịnh Hồ Hạ Hứng

Tịnh Hồ Hạ Hứng (cảnh hồ Tịnh Tâm trong Kinh Thành Huế). Lúc xưa là nơi vua thường tới để yên tĩnh, thư thái tâm hồn. Hiện ở khu vực hồ Tịnh Tâm, các kiến trúc cổ hầu như chẳng còn gì đáng kể ngoài ngôi miếu Tịnh Tâm Thần Từ và hương sen hồ Tịnh. Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cũng vừa khai trương dịch vụ mua sắm quà lưu niệm Huế, uống trà cafe trên hồ vào tháng 4/2012.
 
Thư Uyển Xuân Quang

Thư Uyển Xuân Quang (cảnh vườn Thư Quang trong Kinh Thành Huế) là một trong số các vườn ngự nổi tiếng của các vua Nguyễn với hình dáng rất tráng lệ có chu vi hơn 1 dặm (hơn 540m), trong có nhiều điện, đình, hiên, ao hồ, cầu... Sau khi vườn được xây dựng xong, vua Minh Mạng đã mời thân mẫu là Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu đến dạo chơi và có làm 1 bài thơ ghi lại việc này. Năm 1838, vua Minh Mạng đã mời các tân khoa tiến sĩ vào đây dự yến, gọi là Yến Thư Quang rồi cho phép dạo vườn xem hoa. Vì vị trí của vườn quá gần cung Khánh Ninh của vua Minh Mạng nên toàn bộ vật liệu từ vườn vào thời vua Thiệu Trị đã được tháo dỡ đem vào xây vườn Cơ Hạ trong Hoàng Thành nên đến này cũng không còn gì.
Ngự Viên Đắc Nguyệt

Ngự Viên Đắc Nguyệt (cảnh vườn Ngự trong Tử Cấm Thành Huế) là khu vườn mà các vua Nguyễn thường xuyên dạo chơi, thưởng cảnh làm thơ. Tuy nhiên Ngự Viên chỉ rực rỡ vàng son dưới thời các vua Nguyễn đầu triều. Từ thời vua Thành Thái trở đi, nhiều công trình kiến trúc của vườn đã bị triệt giải. Khoảng đất phía Bắc Ngự Viên đã được sử dụng để xây tòa nhà lầu Ngự Tiền Văn Phòng (khoảng năm 1932 thời vua Bảo Đại). Dấu vết của vườn xưa có còn chăng chỉ còn lại một số hồ như Ngọc Dịch, Tiểu Ngự Hà và một số hòn giả sơn...
 
Cao Các Sinh Lương

Cao Các Sinh Lương (cảnh hồ Nội Kim Thủy trong Hoàng Thành Huế). Trên hồ lúc xưa có nhiều công trình kiến trúc được xây dựng khá dày đặc và cầu kỳ. Bây giờ chỉ còn lại các đảo cùng một số dấu tích mờ nhạt của nền móng kiến trúc xưa.
 
Trường Ninh Thùy Điếu

Trường Ninh Thùy Điếu (cảnh cung Trường Ninh trong Hoàng Thành Huế). Ban đầu, Cung được xây dựng như 1 hoa viên làm nơi vua tới dạo chơi tiêu khiển hoặc đưa thân mẫu (Hoàng Thái Hậu) đến thăm thú, nghỉ ngơi. Về sau nó trở thành nơi ăn ở, sinh hoạt của một số bà Hoàng hậu sau khi vua băng hà. Theo sử cũ, các bà Lệ Thiên (vua Tự Đức), Từ Minh (vợ vua Dục Đức), và Tiên Cung (vợ vua Đồng Khánh) đã sống tại cung này. Hiện cung đã được trùng tu, phục hồi vào năm 2008.
 
Thường Mậu Quan Canh

Thường Mậu Quan Canh (cảnh vườn Thường Mậu trong Kinh Thành Huế) là 1 trong những vườn thượng uyển nổi tiếng dưới thời các vị vua đầu triều Nguyễn. Trong vườn có hồ lớn, đảo, cổng, hành lang, gác, tháp, núi, giếng... Hiện cũng không còn gì từ khu vườn thượng uyển nổi tiếng dưới các vị vua đầu triều Nguyễn này.
 
Vân Sơn Thắng Tích

Vân Sơn Thắng Tích (cảnh chùa Thánh Duyên trên núi Thúy Vân) là ngôi chùa nổi tiếng được phong là 1 trong 4 quốc tự tại Huế thời xưa (cùng với Thiên Mụ, Diệu Đế, Báo Quốc). Hiện chùa vẫn còn đến bây giờ thuộc địa phận xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc.
Thuận Hải Qui Phàm

Thuận Hải Qui Phàm (cảnh biển Thuận An) là 1 vị trí chiến lược xung yếu về mặt quốc phòng và giao thông vận tải bằng đường biển của Kinh Đô Huế. Năm 1813, triều đình đã cho xây dựng bên cạnh cửa biển 1 pháo đài rất lớn có tên là Trấn Hải Đài, sau được đặt tên là Trấn Hải Thành, trong có kho quân nhu, đạn dược và một số binh xá, quanh bố trí 99 ụ súng, ngoài chân thành đào hệ thống hào rộng 9m, sâu 2,4 m để phòng thủ. Trong thế kỷ XIX, các vua Nguyễn thường về đây duyệt khán những cuộc tập trận của thủy quân. Vua Minh Mạng còn xây dựng hành cung Thuận An gần thành Trấn Hải để về đây nghỉ mát trong những ngày hè. Nay là bãi biển Thuận An nổi tiếng trong du lịch biển của Huế với nhiều đồ hải sản phong phú, giá rẻ, bãi biển ôn hòa, sóng biển vừa phải để tắm.
Thuận Hải Qui Phàm

Bên trong dãy Trường lang thuộc Tử Cấm Thành treo 10 bức tranh phong cảnh Huế xưa cho du khách thưởng ngoạn
 
Các cảnh từ 11 đến 20, bắt đầu là cảnh

Các cảnh từ 11 đến 20, bắt đầu là cảnh Hương Giang Hiểu Phiếm (cảnh sông Hương). Sông là yếu tố Minh Đường cho Kinh Thành Huế đồng thời là chiếc hào tự nhiên che chắn cho tòa thành ấy. Dòng sông quyến rũ này là nơi các vua thường dạo thuyền đi thưởng lãm các nơi và hiện là con sông Hương thơ mộng bắt qua giữa thành phố Huế.
 
Bình Lãnh Đăng Cao

Bình Lãnh Đăng Cao (cảnh núi Ngự Bình). Núi Ngự đến nay vẫn là bức bình phong che chắn thành phố Huế, gắn liền với sông Hương như là 2 yếu tố không thể tách rời của cố đô.
 
Linh Quán Khánh Vận

Linh Quán Khánh Vận (cảnh quán Linh Hựu trong Kinh Thành Huế). Có thể nói Linh Hựu là một đền thờ hiếm hoi của đạo Lão. Điều đáng chú ý là các pháp sư, đạo sĩ bấy giờ đều được triều đình bổ nhiệm và cấp bổng lộc. Về sau, triều đình đã cho triệt giải quán, nhưng hiện nay ở đường Nguyễn Chí Thanh (TP Huế) cũng có 1 ngôi đền nhỏ mang tên quán không rõ dựng từ bao giờ. Có người cho rằng đây chính là quán Linh Hựu xưa chuyển về, tuy nhiên chưa có bằng chứng cụ thể nào để xác nhận ý kiến này.
 
Thiên Mụ Chung Thanh

Thiên Mụ Chung Thanh (cảnh chùa Thiên Mụ) vẫn còn đến bây giờ, là điểm tham quan không thể thiếu của du khách lúc đến Huế. Vào năm 2008, chùa được trùng tu một cách tổng thể.
Trạch Nguyên Tao Lộc

Trạch Nguyên Tao Lộc (cảnh đầu nguồn sông Hương) là nơi thú rừng và chim chóc tụ tập sinh sôi vô cùng phong phú. Hàng năm các vua Nguyễn thường ngự thuyền rồng ngược sông Hương, sau khi thăm viếng lăng tẩm của tổ tiên thì lên các khu rừng đầu nguồn để săn bắn. Trạch Nguyên Tao Lộc của vua Thiệu Trị là bài thơ ra đời sau 1 chuyến săn bắn như vậy.
 
Hải Nhi Quan Ngư

Hải Nhi Quan Ngư (cảnh phá Hà Trung). Vùng quanh phá này rất trù phú, phong quang, bên bờ phá có núi Linh Thái, núi Thúy Vân nổi tiếng nên phá là các vua Nguyễn thường dong thuyền về chơi, các tao nhân mặc khách cũng hay tụ hội về đây thưởng cảnh làm thơ. Địa danh này vẫn tồn tại cho đến nay.
 
Giác Hoàng Phạm Ngữ

Giác Hoàng Phạm Ngữ (cảnh chùa Giác Hoàng trong Kinh Thành Huế). Dưới thời vua Gia Long, nơi này là tiềm để của hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm (về sau là vua Minh Mạng). Chùa được xây dựng khá công phu, lại nằm cạnh Hoàng Thành nên được các vua Nguyễn quan tâm thăm viếng nhiều. Sau khi bài thơ vịnh 20 cảnh đẹp đất Thần Kinh ra đời thì chùa càng nổi tiếng. Năm 1885, sau khi Kinh Đô Huế thất thủ, một bộ phận lính Pháp đã vào chiếm đóng khu vực chùa, các Pháp tượng, Pháp khí được chuyển qua chùa Diệu Đế. Từ đó chùa bị bỏ hoang. Đến thời vua Thành Thái, nhà vua cho triệt giải chùa và xây dựng trong khuôn viên này 3 tòa nhà mới gọi là Tam Tòa là nơi làm việc chính của viện Cơ Mật, Bảo tàng Kinh tế và nơi các hộ lý của các bộ làm việc. Hiện là trụ sở của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế. Ngày nay ở khu vực này còn dấu tích sót lại của chùa là 1 cái giếng nhỏ được xây bằng đá và tương đối nguyên vẹn.
 
Huỳnh Tự Thư Thanh

Huỳnh Tự Thư Thanh (cảnh trường Quốc Tử Giám). Đầu năm 1803, vua Gia Long đã cho xây dựng 1 trường học mang tính quốc gia có tên Quốc Học Đường. Tháng 3/1820, vua Minh Mạng cho đổi tên là Quốc Tử Giám. Vị trí trước đây của trường nằm bên cạnh Văn Miếu, hướng ra sông Hương nên cảnh vật rất hữu tình, trường tồn tại suốt 100 năm từ 1808 đến 1908. Sau đó trường được dời về bên trong Kinh Thành, sát phía đông Hoàng Thành. Hiện là trụ sở của Bảo tàng Lịch sử Cách mạng tỉnh TT-Huế. Trường Quốc Tử Giám trong bài thơ chính là ngôi trường sát Văn Miếu suốt 100 năm như trên.
 
Đông Lâm Dực Điểu

Đông Lâm Dực Điểu (cảnh rừng Đông Lâm huyện Hương Thủy). Rừng nằm ở làng Thần Phù, Thị xã Hương Thủy hiện nay. Trước đây tại đây có 1 khu rừng không rộng lắm, do địa thế trũng thấp, đất đai sình lầy nên thực vật trong rừng chủ yếu các loại cây như mưng, sung, vả...phát triển rất mạnh, chim chóc quy tụ về đây nhiều vô kể. Rừng là một địa điểm săn bắn lý tường mà các vua Nguyễn thường lui tới. Vua Minh Mạng cũng đã cho xây 1 tòa hành cung để làm nơi dừng chân nghỉ ngơi khi đi săn. Hiện tấm bia khắc bài thơ Đông Lâm Dực Điểu của vua Thiệu Trị đến nay vẫn còn gần như nguyên vẹn nằm bên bờ sông Lợi Nông, làng Thần Phù.
 
Tây Lãnh Thang Hoằng

Tây Lãnh Thang Hoằng (cảnh suối nước nóng huyện Hương Trà). Vũng nước nóng này có chu vi khoảng 4m, nước đen và trong, sâu chừng 30cm. Nguồn nước từ trong lòng đất phun ra, sôi sùng sục, khói trắng bốc lên, nóng đến mức không thể tới gần được. Có người thử đem tôm cá còn sống thả xuống nước thì chúng chết ngay, bỏ gà vịt xuống thì bị trút hết lông. Vua sai đào sâu xuống mặt nước thì bùn càng cuồn cuộn phun lên, nhưng khi dừng lại để đo thì mực nước vẫn sâu khoảng 30cm như cũ. Hiện suối nước nóng này thuộc địa phận thị xã Hương Thủy, nằm trong vùng lòng hồ Tả Trạch đang chuẩn bị tích nước để phát điện nên khả năng xóa sổ suối nước nóng này là điều không sớm thì muộn.
 
Tây Lãnh Thang Hoằng
Dãy Trường Lang vừa được khôi phục lại nối các tòa nhà kiến trúc trong Tử Cấm Thành Huế trở nên có giá trị hơn với 20 bức Thần Kinh nhị thập cảnh.

Đại Dương