"Vòng quay tham nhũng" và những tiết mục gây bão ở Táo quân

Hương Hồ

(Dân trí) - "Hoa Táo" (2009), "Vòng quay tham nhũng" (2016) hay "Hái hoa dân chủ" (2017), "Giành ghế" (2018) là những tiết mục từng gây bão mạng xã hội và để lại dấu ấn của Táo quân trong hơn 20 năm qua.

Táo quân ra đời từ năm 2003. Suốt hơn 20 năm qua, chương trình đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đông đảo khán giả truyền hình Việt Nam, vào mỗi thời khắc chia tay năm cũ, đón năm mới.

Những vấn đề nhức nhối, những câu chuyện thời sự được quan tâm đã trở thành "đặc sản" của chương trình.

Hành trình lên sóng hơn 20 năm của Táo quân không phải năm nào cũng được ngợi khen, yêu thích. Tuy nhiên, có những mùa Táo với những màn trình diễn gây sốt, để lại ấn tượng khó quên.

"Vòng quay tham nhũng" trong "Táo quân 2016" (Video: TVAd).

Cuộc thi "Hoa Táo" năm 2009

Táo quân 2009 được đánh giá là một trong những chương trình đặc sắc nhất trong lịch sử 16 năm lên sóng của Táo quân khi nêu bật được những vấn đề nổi cộm xảy ra ở thời điểm đó.

Nhắc tới chương trình Táo quân 2009, một điểm nhấn không thể bỏ qua là cuộc thi Hoa Táo với đầy những câu chuyện bi hài.

Kịch bản Hoa Táo được xây dựng dựa theo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2008. Đây cũng là năm bùng nổ các cuộc thi nhan sắc lớn nhỏ, tình trạng "loạn hoa hậu", "ra ngõ là gặp hoa hậu" trở thành tâm điểm của truyền thông và báo giới.

Táo quân 2009, các Táo thay vì vào chầu và báo cáo thành tích như mọi năm, đã tham gia trổ tài, thi tài năng, thi vẻ đẹp hình thể... để giành vương miện của Hoa Táo.

Dàn "Táo quân" khi lên Thiên đình đã có những màn thi tài năng đa dạng phong phú về thể loại và hình thức trình diễn, "Táo Điện lực" Minh Hằng hát xẩm, "Táo Giao thông" Chí Trung thi múa, "Táo Kinh tế" Quang Thắng trình diễn ảo thuật...

Trong đó, đặc sắc nhất là màn hát dân ca 3 miền của "Táo Thoát nước" Tự Long.

Sau 16 năm lên sóng, ca khúc Lụt từ ngã tư đường phố của Táo Thoát nước chế lời từ bài hát Từ một ngã tư đường phố đến bây giờ vẫn "hot" mỗi khi Hà Nội ngập.

"Táo Tiêu dùng" Vân Dung bị chất vấn về chuyện hàng thực phẩm nhiễm độc, thực phẩm bẩn bán tràn lan. Táo Giao thông là câu chuyện nhận mãi lộ và tắc đường triền miên không thể tìm được giải pháp.

Vòng quay tham nhũng và những tiết mục gây bão ở Táo quân - 1

Cuộc thi "Hoa Táo" trong chương trình "Táo quân 2009" với những tiết mục từng "gây bão" (Ảnh: VFC).

"Vòng quay tham nhũng" năm 2016

Táo quân 2016 thu thời lượng ngắn báo cáo của các Táo để tổ chức trò chơi Vòng quay tham nhũng dựa theo kịch bản của chương trình Chiếc nón kỳ diệu

Theo đó, Thiên đình cần tìm ra người tham nhũng để xử phạt khi vấn nạn tham nhũng ngày càng nhức nhối. Các Táo lần lượt lên tham gia trò chơi, nếu quay phải ô tham nhũng, sẽ bị xử phạt theo lệnh.

Với kịch bản Vòng quay tham nhũng, chương trình Táo quân 2016 chọn cách nói thẳng khi đề cập, cụ thể hóa những vấn đề gây nhức nhối với Đảng viên, với quần chúng nhân dân là tình trạng hối lộ, đút lót, tham nhũng.

Chuyện "con ông cháu cha" trẻ tuổi đã làm chức cao hay cán bộ đầu ngành xin để lại trách nhiệm cho người kế nhiệm được cài cắm khéo léo.

Những màn tung hứng, đối đáp của các Táo trước hoài nghi của Ngọc Hoàng về nạn hối lộ, đút lót, tham nhũng dưới hạ giới đã mang đến những tiếng cười đắt giá cho khán giả: Sảng khoái nhưng cũng rất thâm thúy.

Vòng quay tham nhũng và những tiết mục gây bão ở Táo quân - 2

Trò chơi "Vòng quay tham nhũng" trong "Táo quân 2016" chế từ gameshow "Chiếc nón kỳ diệu" để lại ấn tượng với khán giả (Ảnh: Chụp màn hình).

Vòng quay tham nhũng gây sốt với nhiều từ khóa "đắt" như: "Tỷ lệ tham nhũng giữ ở mức ổn định", "nghèo bền vững", "tham nhũng kỳ diệu", "đồng thuận nhất trí cao"...

Thời điểm đó, đoạn trích các Táo tham gia Vòng quay tham nhũng được phát trên YouTube đã thu hút tới hơn 1 triệu lượt xem chỉ trong vòng chưa đầy 48 tiếng sau khi đăng tải.

Chương trình thu hút nhiều bình luận trên mạng xã hội Facebook hay Zalo, đồng thời gây bão mạng với loạt lời thoại đầy sức nặng như: "Nước trong thì không có cá, người tốt quá thì không ai chơi", "Giàu thì nó ghét, đói rét thì nó khinh mà thông minh nó tìm cách tiêu diệt"...

"Hái hoa dân chủ" năm 2017 và "Giành ghế" năm 2018

Nếu như Táo quân 2016Vòng quay tham nhũng để truy tìm cán bộ Thiên đình tham nhũng thì năm 2017, Ngọc Hoàng đã tổ chức trò chơi đặc biệt Hái hoa dân chủ để trực tiếp chất vấn các Táo.

Phần thi này đề cập đến vấn đề nhức nhối lâu nay là bổ nhiệm quan chức trên Thiên đình theo cách "thứ nhất hậu duệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba quan hệ, thứ tư mới đến trí tuệ".

Vòng quay tham nhũng và những tiết mục gây bão ở Táo quân - 3

Các Táo chơi trò "Giành ghế" trong "Táo Quân 2018" (Ảnh: VFC).

Táo quân 2018 nổi bật là trò chơi Giành ghế. Với khả năng "tung hứng" nhịp nhàng và nét diễn dí dỏm của các nghệ sĩ, trò chơi đã biến thành một "cuộc đua" giành ghế thực sự.

Trò chơi này gây được ấn tượng mạnh và tạo ra tiếng cười nhất trong chương trình khi nói lên thực trạng nhức nhối của xã hội trong năm qua và nhiều năm nay. Khi đi liền với lợi ích, chiếc ghế trở thành đối tượng để nhiều người tranh giành.

Qua trò chơi Giành ghế, những màn trình diễn với loạt tình tiết mang tính đả kích và lời thoại châm biếm như: "Ghế không có ta, ghế vẫn là ghế, ta không có ghế thì đời ta hóa hư vô". Chuyện phải kê khai tài sản của các Táo cũng tạo nên tình huống kịch đầy bi hài.

Thông điệp mà trò chơi này gửi đến là mong muốn mỗi quan chức làm việc tận tâm, có trách nhiệm, gần dân, lo cho dân, tạo ra một xã hội kỷ cương, liêm chính.