1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Vi Cầm và ký ức về nàng công chúa Tuyết

Cha tôi là giảng viên violon tại nhạc viện, mẹ tôi ngày trước là nhân viên hóa trang, sau này làm việc tại cửa hàng sách. Gia đình tôi thường nói: Cả nhà này đều nhát, chả ai thích đứng trước đám đông, thế mà ở đâu ra con bé Cầm lại đi đóng phim.

Từ bé đến khi diễn vai Na (vai diễn đầu tiên) trong phim Hoa cỏ may, chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ có ngày làm diễn viên. Phim ảnh trước kia đối với tôi đơn thuần là một hình thức giải trí. Như bao bé gái khác, tôi thích những bộ phim có các cô công chúa xinh đẹp, các chàng hoàng tử mưu trí, can đảm với câu chuyện tình lãng mạn…

 

Ký ức về nàng công chúa Tuyết

 

Truyện của anh em Grim là cuốn sách gối đầu giường của tôi thời thơ ấu. Tôi hay đọc Nàng Bạch tuyết và 7 chú lùn và thích tưởng tượng ra những hình ảnh trong truyện. Lần đầu tiên được xem bộ phim hoạt hình này trên truyền hình, đó quả thật là một khám phá rất thú vị. Những hình ảnh từ trang sách bước ra, đi lại, nói cười, điều đó vừa lạ lẫm, vừa sống động. Một vài điểm trong phim không giống như tôi hình dung.

 

Nàng Bạch Tuyết trong phim có mái tóc ngắn, một hình ảnh rất hiếm thấy khi nghĩ về cô công chúa. Cô công chúa có mái tóc cũn cỡn này làm tôi bỡ ngỡ một lúc. Có thể chính sự khác lạ này làm Bạch Tuyết ấn tượng hơn và người xem cũng đã chấp nhận hình ảnh này.

 

Những chú lùn cũng rất thú vị, trên phim, họ được đặt tên theo từng tính cách: Doc (bác sĩ), Grumpy (cáu kỉnh), Happy (vui vẻ), Sneezy (hắt xì), Bashful (xấu hổ), Sleepy (Buồn ngủ), Dopey (ngốc nghếch).  Trong truyện của Grim không có những cái tên như vậy.

 

Bộ phim này được hãng Walt Disney làm năm 1939, lần đầu tiên tôi xem qua TV đen trắng, sau này xem lại phim màu mới thấy hết cái đẹp của nó. Màu sắc rực rỡ, hình ảnh sống động và có chiều sâu. Nếu những hình ảnh của phim đã làm tôi mê mẩn, thì các giai điệu của các bản nhạc trong phim còn làm tôi mê đắm hơn nữa.

 

Chàng hoàng tử cho dù không được khắc họa rõ nét như Bạch Tuyết và 7 chú lùn, nhưng vẫn đẹp trai và làm tròn sứ mệnh của mình là cứu công chúa và mang lại hạnh phúc cho cô.

 

Ngẫu nhiên vào vai công chúa

 

Không hiểu sao, những phim tạo dấu ấn cho người xem của tôi lại là những vai yểu điệu thục nữ. Vai Na trong Hoa cỏ may tuy tính cách mờ nhạt, nhưng từ bộ phim này người ta thường gọi tôi bằng cái tên cô gái có vẻ đẹp mong manh.

 

Vi Cầm và ký ức về nàng công chúa Tuyết  - 1
Vi Cầm trong phim "Chuyện phố phường"

 

Đến Hà trong Chuyện phố phường thì biệt danh “mong manh Hà Nội” chính thức thuộc về tôi. Thậm chí, ở một diễn đàn trên net, người ta còn lấy hình ảnh cô gái mù trong Chuyện phố phường để nói về hình mẫu con gái trầm lặng, nhàn nhạt, tẻ tẻ, ưa nhìn, biết chịu đựng mà con trai nên lấy làm vợ, để có được một cuộc sống chung lâu dài.

 

Lần đóng trong Chuyện phố phường, trang phục tôi tự nghĩ ra cho vai Hà cũng đã hứng chịu sự phản đối. Có người cho rằng tôi quá điệu đà khi cho Hà luôn mặc những bộ váy dài tha thướt, họ nghĩ người mù thường ăn mặt xuềnh xoàng. Thực tế, tôi đã thử cho nhân vật này mặc quần Âu, nhưng thấy như vậy nhân vật có vẻ nhanh nhẹn quá, mặc váy sẽ làm tăng cảm giác chậm rãi, phù hợp với tính cách của Hà và hoạt động của người mù. Giản dị không có nghĩa là ăn mặc xấu.

 

Mọi người nhìn ngoại hình đều nghĩ tôi có vẻ tiểu thư, hiền dịu, nhưng ngoài đời tôi là một người sôi nổi, dễ hòa nhập, thẳng thắn và khi cần hoàn toàn có thể… đáo để. Trong một số bộ phim khác, tôi cũng vào các vai cá tính như Trang trong Chiếc lá sim, một cô gái làng chơi có số phận éo le, vai Hà trong Hắn và tôi (sẽ chiếu trong Điện ảnh chiều thứ 7) - một cô gái hiện đại và mạnh mẽ.

 

Vai người vợ thời trẻ - Mùi của tướng Đào trong Năm ngày trong đời của vị tướng cũng là một cô gái hồn nhiên, dám sống hết mình cho tình yêu và đặc biệt vai chính mới nhất - phóng viên Hồng Quyên trong bộ phim Phóng viên tập sự (sắp chiếu trong Văn nghệ chủ nhật) - một thử nghiệm mới nhất với hình ảnh hoàn toàn khác lạ với tôi.

 

Những hoàng tử trên màn ảnh và chàng hoàng tử của cuộc đời

 

Hùng trong Hoa cỏ may là chàng hoàng tử lãng mạn nhất. Cuộc tình của Na và Hùng vừa đậm chất sinh viên và chỉ đúng với câu tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở. Nhà văn Quang trong Chiếc thẻ sim là hoàng tử nhân ái.

 

Khi biết hoàn cảnh đã xô đẩy một cô gái xinh đẹp, có tâm hồn vào con đường lầm lạc, cô bị nhiễm HIV và rời bỏ anh để chôn vùi tình yêu của mình, Quang đã ra sức tìm cô và bằng tình yêu chân thật đã thuyết phục được cô trở lại. Câu nói để đời của Quang trong phim là: “Dù chỉ gặp nhau mấy ngày, nhưng với anh như thế là quá đủ cho một cuộc đời”.

 

Vi Cầm và ký ức về nàng công chúa Tuyết  - 2
 

Còn Long trong Hắn và tôi lại là chàng hoàng tử bao bọc. Chàng hoàng tử này được công chúa thương thầm nhớ trộm, cảnh sát ủng hộ chàng hết mình, cho dù chàng đang có… một công chúa khác.

 

Với tôi, chàng hoàng tử do Võ Hoài Nam đóng trong Chuyện phố phường là hoàng tử gây shock nhất. Một cô gái mù, tưởng rằng may mắn có hạnh phúc vì tìm được tình yêu, bỗng chốc nhận ra chàng hoàng tử của mình chỉ là một tên “đồ tể”, đến với cô không hề chân thành.

 

Trong phim này tôi phải diễn cảnh Hà đang chơi piano trong tâm trạng lâng lâng, rồi tình cờ nghe được phòng bên sự thật phũ phàng về người mình yêu, những nốt nhạc tuôn trào bỗng ngưng bặt dưới bàn tay và tôi bật khóc. Chàng hoàng tử của cuộc đời tôi sẽ phải là một người chung thủy, từng trải, để biết giá trị của hạnh phúc gia đình và đủ thông minh “dắt mũi’ được tôi.

 

Theo Thúy Phương

Thế Giới Điện Ảnh