Tự truyện của Lê Vân bị in lậu ở Hà Nội

(Dân trí) - Nhìn những bản lậu của cuốn “Lê Vân yêu và sống” đang tràn ngập trên thị trường là nỗi đau lòng của tác giả, khi bó tay đứng nhìn lợi nhuận rơi vào túi những kẻ vô lương tâm, còn độc giả thì phải xài một món ngon trong… cái bát mẻ.

Bắt đầu từ ngày 22/10, một số độc giả ở Hà Nội đã mua được cuốn “Lê Vân yêu và sống”… rởm tại các quầy sách trên phố Nguyễn Xí. Chỉ cần cầm cuốn sách trên tay, có thể khẳng định ngay đây là sách lậu, bởi chiếc bìa cứng được dập theo bản chính khá ghồ ghề, lồi lõm với chất lượng giấy xấu, mỏng hơn, màu xỉn vì tách màu không chính xác.

 

Toàn bộ 363 trang đã được sao y bản chính, khá rõ nét, in trên giấy Bãi Bằng màu trắng, không tránh khỏi tình trạng nhiều trang mờ, xấu, bị gấp nếp lung tung. Đó là căn cứ rõ rệt nhất để xác định thật giả, bởi cuốn sách nguyên bản thì toàn bộ phần ruột được thực hiện trên giấy couché mỏng.

 

Đợt tái bản đầu tiên của cuốn sách, Công ty cổ phần Phát hành sách TPHCM (Fahasa) cũng in 362 trang ruột trên giấy thường màu trắng, nhưng là giấy Ford 80, bìa đã được đổi thành bìa mềm (Couché 220). Đợt hai của cuốn sách phát hành cùng ngày với sách lậu (22/10) đã được dán tem chống hàng giả của Fahasa để độc giả có thể dễ dàng phân biệt và lựa chọn.

 

Ngay cả khi dán tem rồi, không phải độc giả nào cũng chú ý tới điều đó. Và chỉ khi ít nhất một lần mua phải sách lậu, họ mới tự “rút kinh nghiệm” cho lần sau. Vì thế, nếu như đến cái tem cũng không có nốt và chỉ nhìn thoáng qua thì rất khó phân định thật giả. Khi không nghĩ đến điều này, NXB Hội Nhà Văn đã tự “chặt cụt” một cánh tay để bảo vệ sản phẩm của chính mình.

 

Những sản phẩm in lậu không mang lại chút gì về quyền lợi đối với người đọc, bởi dưới bàn tay thương mại của các chủ quầy sách thì giá của hai loại sách này không hề thay đổi. Cuốn bìa cứng đề giá 52.000đ, bìa mềm 45.000đ, độc giả được trích một số phần trăm nho nhỏ phát hành phí nên giá bán thực của cả hai loại đều là 40.000đ/cuốn. Nhiều người bỏ tiền ra, mua phải sách rởm, quay lại đổi, chủ cửa hàng… chấp nhận.

 

Trao đổi với nhà văn Tạ Duy Anh - biên tập viên của NXB Hội Nhà Văn, người đọc và biên tập cuốn sách - anh cũng đã khẳng định là một số độc giả quá bức xúc đã gửi tới NXB những ấn bản lậu mà họ trót mua phải.

 

Theo thông tin từ Fahasa, khá nhiều nhà sách ở Hà Nội đăng ký rồi nay lại không lấy sách nữa. Phải chăng, họ được cung cấp sách rởm từ một (hay nhiều) nguồn khác? Có cơ quan ban ngành nào đến kiểm tra, xét hỏi, thu giữ sách rởm của họ đâu? Với giá rẻ hơn (Fahasa trích 22%, còn sách lậu có thể trừ 50-55% giá bìa cho phát hành phí), các cửa hàng dại gì mà không bán?  

T.N