1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Triển lãm tranh chào xuân 2024 về tình yêu quê hương đất nước

Hồng Anh

(Dân trí) - Nhân dịp đón chào năm mới 2024 và tết cổ truyền Giáp Thìn, Trung tâm UNESCO Mỹ thuật Hà Nội tổ chức triển lãm tranh của 28 tác giả.

Triển lãm tập hợp 80 tác phẩm với các chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa, acrylic, điêu khắc và sắp đặt.

Họa sĩ Phan Thị Thanh Mai tham gia triển lãm với 5 tác phẩm sơn mài thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam và tình mẫu tử qua bút pháp mang đậm nét truyền thống và nhiều biểu cảm. Tranh của nữ họa sĩ về tình mẫu tử đã đạt giải thưởng đặc biệt trong triển lãm nghệ thuật quốc tế của Hội Mỹ thuật Seoul Hàn Quốc năm 2019.

Chất liệu sơn dầu và acrylic chiếm số lượng đáng kể trong các tác phẩm trong triển lãm lần này. Nếu cảnh miền núi mơ mộng êm đềm thể hiện trong tranh của họa sĩ Nguyễn Lâm, Lê Tuyết Nhung và Nguyễn Bích Hồng thì không khí lễ hội tưng bừng rộn rã lại được phác họa trong tranh của Trần Thị Thanh Hòa.

Triển lãm tranh chào xuân 2024 về tình yêu quê hương đất nước - 1

Tác phẩm "Thời gian biếc" (Ảnh: BTC).

 Họa sĩ Trần Hữu Dũng, Nguyễn Tuấn Thịnh thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ và hình ảnh thiếu nữ mặc áo dài trong vườn hoa đầy sắc hương.

Họa sĩ Phạm Hoài và Vũ Minh đem đến tranh hoa sen và đức Phật. Ngoài ra, công chúng còn được chiêm ngưỡng nét vẽ nhiều năng lượng qua loạt tranh trừu tượng của họa sĩ Tấn Đạt.

Xem tranh của các họa sĩ trẻ như Khánh Hạnh, Hữu Minh, Lê Thu Huyền, công chúng sẽ có cảm giác như các họa sĩ đang dạo chơi trong khu vườn đầy màu sắc của nghệ thuật hội họa.

Triển lãm tranh chào xuân 2024 về tình yêu quê hương đất nước - 2

Tác phẩm Chuẩn bị ra khơi của họa sĩ Phan Thị Thanh Mai (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tranh sơn mài là một chất liệu truyền thống với độ bóng trong sâu thẳm của màu. Tranh sơn mài với đề tài quen thuộc bình dị của họa sĩ Phạm Hồng Phương, Trần Ngọc Ánh, Nguyễn Hải Nam, Phạm Thanh Nga, Vũ Lê Tùng và Nguyễn Văn Sỹ có cách thể hiện mang đậm dấu ấn cá nhân của từng tác giả.

Họa sĩ Hoàng Trung Dũng đem đến các tác phẩm tranh tĩnh vật với những tông màu khác nhau. Họa sĩ Nguyễn Thị Nhàn tạo ấn tượng với tranh phong cảnh nông thôn ấm áp, giản dị, sâu lắng.

Tác giả Phạm Thanh Long với các tác phẩm gỗ và gốm thể hiện vẻ đẹp mộc mạc tự nhiên của người phụ nữ Việt. Tượng gốm của Nguyễn Quốc Hưng lại mang đậm hơi thở của điêu khắc đình làng với "Vọng nguyệt", "Giấc ngủ" hay "Vũ điệu ngày xuân".

Các tác phẩm trong triển lãm toát lên tình yêu quê hương đất nước, yêu con người và cuộc sống. Triển lãm được tổ chức tại số 29 Hàng Bài, Hà Nội từ ngày 19 đến 23/1.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm