Trần Mạnh Tuấn: Dốc cả gia tài cho saxophone
Với Trần Mạnh Tuấn, cây kèn saxophone vừa là công cụ chơi nhạc, vừa là thú sưu tập số một, gắn bó như một người tình. Nghệ sĩ saxophone nổi tiếng nhất Việt Nam có 15 cây kèn, tưởng ít nhưng đó là cả một gia tài lớn mà anh chắt chiu dành dụm khi giá một cây kèn thấp nhất là 3.5000 USD.
Tự bộc bạch là không có nhu cầu rượu, bia, thuốc lá, Trần Mạnh Tuấn cho biết anh chỉ mê mỗi kèn. Nhiều lúc đùa, yêu kèn hơn cả vợ con. Nhưng nói vui vậy thôi, chứ anh biết vợ con là nền tảng của hạnh phúc gia đình. Người vợ hiền không hề ghen tị khị chồng sắm kèn đầy nhà, cả ngày vuốt ve mà không chán. Thậm chí, có khi vì mua kèn mà lâm vào cảnh túng thiếu, may mà bán album được nên mới xênh xang như bây giờ. Anh dự định khi nào có điều kiện mua nhà rộng hơn sẽ dành hẳn một phòng riêng để trưng bày.
15 cây kèn thì 6 cái của Pháp hiệu Selmer, hiệu kèn saxo nổi tiếng nhất thế giới, còn lại là kèn hiệu Conn và King của Mỹ, cũng thuộc loại nhất nhì. Ngoại trừ một chiếc kèn Pháp mua năm 2003 hiện đang sử dụng, còn lại tất cả đều là đồ cổ từ nửa thế kỷ trước. Xưa nhất là cây kèn Selmer Mark VI sản xuất từ 1900.
Ba cây kèn Selmer xưa nhất và đắt nhất được anh trưng bày trang trọng ở quán Sax n' Art. Ba cây anh thường sử dụng đặt ngay trên sàn diễn trong quán để biểu diễn hàng đêm, gồm hai Selmer giọng alto và soprano cùng một cây Conn tenor sản xuất 1928. Trần Mạnh Tuấn chỉ cho chúng tôi xem những nét hoa văn khắc trên thân kèn. Kèn Mỹ hoa văn phức tạp, tinh tế. Kèn Pháp hoa văn đơn giản nhưng lại thanh nhã, sang trọng.
Điều lạ là mê kèn như thế nhưng Trần Mạnh Tuấn lại không hề lau chùi kèn sáng bóng như nhiều người thường làm. Ngược lại, ba cây kèn biểu diễn của anh để trên sân khấu bám đầy bụi. Anh cho biết, những vua kèn thế giới như John Contrane, Charlie Parker, Kenny G... cũng toàn sử dụng kèn sax hiệu Selmer và để kèn cũ đi. "Sở dĩ như vậy vì đồ cổ mà cứ bóng loáng lên thì kỳ lắm. Hai là kèn cũ thường cho âm thanh độc đáo, tiếng kèn có thể vừa rất dữ vừa rất ấm, kèn mới chỉ có thể thổi được một giọng âm thanh", Trần Mạnh Tuấn giải thích.
Từ khi du học Mỹ vào năm 1995, tiếp xúc nhiều với âm nhạc thế giới, anh mới phân biệt được rõ ràng từng hiệu kèn hay, dở, đắt, rẻ và bắt đầu sưu tập. Anh cho biết: "Cần nhiều 'chân rết' lắm, họ săn lùng hàng độc rồi báo cho mình". Một lần, được tin ở xứ đạo Hố Nai (Biên Hoà, Đồng Nai) có một cây kèn cổ, anh chạy xe máy xuống ngay, thì ra là kèn của đoàn nhà thờ đã hư, vứt trong kho. Anh năn nỉ cha xứ đổi cây kèn hư lấy 2 chiếc Yamaha mới coóng rồi đem cây kèn cũ qua Mỹ sửa. Đó chính là cây Selmer Mark VI 1900 cổ nhất trong bộ sưu tập của anh.
Rồi những lần anh phóng xe máy xuống Bà Rịa Vũng Tàu trong tiết trời mưa gió, lặn lội ra Đà Nẵng đổi kèn. Nhiều người tưởng anh điên vì chịu mua cây kèn hư bằng giá tiền chiếc xe máy xịn, nhưng cái gì cũng có giá của nó. Kèn, với Trần Mạnh Tuấn, ngoài giá trị vật chất và sử dụng, còn là đam mê.
Có thể Trần Mạnh Tuấn không phải là người sở hữu nhiều kèn saxo nhất Việt Nam, nhưng về chất lượng kèn thì không ai bằng. Thậm chí, giá để kèn, anh cũng mua ở nước ngoài cho đồng bộ. Có dịp đi biểu diễn ở Pháp, Mỹ, anh dành phần lớn thời gian lùng kèn. Nhiều khi tìm được hàng hiếm, nhưng giá cả ngoài tầm, anh đành đứng ngắm nhìn tiếc nuối, cố dành dụm lần sau mua.
Chắc chắn, bộ sưu tập kèn saxophone của Mạnh Tuấn (không kể cả 3 cây clarinet cũ) sẽ không dừng lại ở con số 15, dù với nhiều nghệ sĩ saxo ta, sở hữu chừng ấy kèn cổ là chuyện nằm mơ cũng khó thấy.
Theo Thể thao Ngày nay