Thí sinh Hoa hậu trả lời Doraemon là "nhân vật Disney": Có đáng bị ném đá?
(Dân trí) - Nhiều ý kiến cho rằng không biết về hoạt hình Disney cũng không phải là vấn đề nghiêm trọng nhưng phản ứng thái quá xoay quanh câu chuyện này mới là điều đáng bàn.
Không biết về Disney có phải vấn đề lớn?
Đại diện Việt Nam tại Miss Supranational 2022 - Nguyễn Huỳnh Kim Duyên đang trở thành tâm điểm chú ý sau khi mắc lỗi ứng xử trong một phần thi.
Cụ thể, khi được hỏi về nhân vật Disney yêu thích, Á hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019 "hồn nhiên" nhắc đến Doraemon, thậm chí còn hỏi lại MC: "Bạn có biết không, nhân vật đến từ Nhật Bản ấy?".
Tất nhiên, nam MC tại Miss Supranational 2022 đủ khôn khéo để đáp lại Kim Duyên rằng Doraemon không phải là nhân vật Disney, nhưng mỗi người đều có quyền yêu thích một hình tượng của riêng mình.
Đoạn video này nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội, cùng với đó là hàng ngàn bình luận tiêu cực dành cho người đẹp gốc Cần Thơ.
Nhiều ý kiến cho rằng câu trả lời của Kim Duyên thực sự "gây sốc", "ngớ ngẩn", thể hiện "sự thiếu hiểu biết trầm trọng" bởi đó là kiến thức văn hóa, điện ảnh khá phổ biến.
"Doraemon là nhân vật quá nổi tiếng, không thể nào lại nhầm lẫn chú mèo máy huyền thoại này có xuất thân từ Disney", một bình luận trên Facebook.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, không ít khán giả bày tỏ sự cảm thông với nàng Á hậu. Trên trang cá nhân, chân dài sinh năm 1995 cũng giải thích rằng vì cô nghe không rõ câu hỏi, nên mới mắc lỗi ứng xử này.
Nhiều người hâm mộ cho rằng kể cả trong trường hợp Kim Duyên nhầm lẫn Doraemon là nhân vật Disney thì cũng không đáng bị "ném đá" như vậy.
"Trên thực tế, không phải người Việt Nam nào cũng quen thuộc với thế giới hoạt hình Disney. Không xem Disney, không biết về Disney, không phải là vấn đề quá lớn. Đây cũng khó được gọi là "kiến thức cơ bản", không thể yêu cầu mọi người đều biết về nó một cách rộng rãi", một ý kiến bày tỏ.
"Vẻ ngoài là chưa đủ, cần luyện cả... bộ não"
Trước sự việc ồn ào của Kim Duyên, người đẹp Vũ Hoàng My đã để lại bình luận gây chú ý: "Chị chỉ đến rạp chiếu phim lần đầu tiên lúc 18 tuổi và cũng không biết Disney, hoạt hình Nhật là gì nếu không học điện ảnh. Không có gì to tát đâu".
Quan điểm "không học điện ảnh thì không biết về Disney, không biết về hoạt hình Nhật" của Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010 nhanh chóng vấp phải sự phản đối của dân mạng. Nhiều ý kiến cho rằng Hoàng My đang bênh vực một cách "bất chấp", gây tác dụng ngược.
Việc Kim Duyên mắc lỗi và nhận lỗi, khán giả có thể cảm thông nhưng cách bênh vực của Hoàng My lại khiến nhiều người khó chấp nhận. Một số người để lại bình luận trên Facebook: "Vậy là phải học điện ảnh mới biết nhân vật nào là của Disney luôn hả?", "Không biết thì trả lời không biết. Trả lời sai rồi còn biện hộ", "Mình người ở quê chính hiệu nhưng xem hoạt hình hồi bé đã biết về Disney rồi. Trả lời sai rồi còn bênh vớ vẩn"…
Cũng từ đây, dân mạng lại đặt câu hỏi về trình độ các người đẹp thi Hoa hậu. Từ trước đến nay đã có không ít trường hợp ứng xử ngô nghê, mắc lỗi kiến thức khiến câu trả lời của thí sinh trở thành trò cười tại các cuộc thi sắc đẹp.
Điển hình như những câu nói "cười ra nước mắt" tại chương trình truyền hình thực tế "Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019". Một thí sinh được hỏi "Huyện đảo nào có giống tỏi thơm ngon, được mệnh danh là vua của các loại tỏi tại Việt Nam" (Lý Sơn). Tưởng rằng đây là một kiến thức phổ biến, nhưng thí sinh lại không trả lời được vì cho rằng câu này "cần độ chính xác cao".
Một thí sinh khác được hỏi về "nhà văn hiện thực phê phán hàng đầu thế kỷ 20, tạo ra nhân vật Xuân Tóc Đỏ", đã trả lời là Nam Cao, thay vì đáp án đúng Vũ Trọng Phụng.
Một chuyên gia truyền thông chia sẻ với Dân trí rằng, các người đẹp thi Hoa hậu không chỉ cần sắc đẹp, vóc dáng, mà còn phải có nền tảng tri thức, trí tuệ. Một khi mắc lỗi về kiến thức, họ rất dễ trở thành tâm điểm trước dư luận. "Đành rằng ở các cuộc thi sắc đẹp thì ngoại hình là yếu tố quan trọng, nhưng cũng cần nhớ rằng luyện vẻ ngoài là chưa đủ, còn cần luyện cả... bộ não", người này nói.
Theo Missosology, tại Venezuela và Philippines - những "cường quốc sắc đẹp" nổi tiếng, các thí sinh thi Hoa hậu đa phần đều trải qua những lò đào tạo cực kỳ khắc nghiệt. Quá trình tìm ra chủ nhân vương miện được xem xét kỹ lưỡng, không chỉ về ngoại hình, vóc dáng, mà còn yêu cầu cả về kiến thức xã hội, lịch sử...
Trong một chương trình năm 2017, người đẹp Philippines Margie Moran - Hoa hậu Hoàn vũ 1973 - cho rằng thí sinh Hoa hậu cần không ngừng "trau dồi bản thân" và yếu tố quan trọng là "bạn phải có chiều sâu kiến thức".
Ở các "lò đào tạo Hoa hậu" của Philippines, các cô gái đều được dạy cách trả lời ứng xử, "làm bài tập" về các chương trình thời sự, tin tức sự kiện... Nhờ quy trình đào tạo chuyên nghiệp, người đẹp vừa thể hiện được kỹ năng giao tiếp, vừa có vốn hiểu biết, nhờ đó hiếm khi mắc lỗi kiến thức cơ bản.