Thấy mình chơi vơi khi xem phim… “Chơi vơi”

(Dân trí) - Dẫu sao thì tận cho đến khi ngồi trước máy, gõ những dòng này, tôi vẫn còn thấy trong lòng chơi vơi. Một sự chơi vơi ẩn náu đâu đó trong mình mà phim “Chơi vơi” đã đánh thức dậy…


Thấy mình chơi vơi khi xem phim… “Chơi vơi” - 1

Poster phim
 
Đầu tháng 10, đại sứ quán Canada có tổ chức chiếu bộ phim Chơi vơi. Ngay trên dòng đầu của giấy mời, nổi bật dòng chữ: “Để chào mừng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên trở về Việt Nam từ sau chuyến thăm Canada để tham gia các Liên hoan phim Toronto và Vancouver”. Giấy mời cũng còn ghi rõ: ” Sau buổi chiếu phim sẽ có tiệc chiêu đãi. Đạo diễn phim sẽ có mặt trong cả hai sự kiện này”.

 

Riêng các chi tiết này cũng đã cho thấy Canada nói riêng và dư luận quốc tế nói chung đã có những cảm tình đối với bộ phim Chơi vơi và đặc biệt là đối với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. 

Báo chí cũng đã đưa rất nhiều tin về bộ phim này. Từ việc đạo diễn mở một blog riêng để tìm diễn viên. Rồi là hai diễn viên Việt kiều nổi tiếng là Phạm Linh Đan và Johnny Trí Nguyễn cũng tham gia. Trong đó Linh Đan tuyên bố không nhận cát sê cho đến khi nào bộ phim thu hồi được vốn. Rồi cả những chuyện lùm xùm về các cảnh nóng, về mối tình đồng tính của hai nữ minh tinh vốn đã nổi tiếng từ khi còn rất trẻ trong các phim Đông Dương Người Mỹ trầm lặng. Về việc lại cùng đóng phim của Linh Đan và Như Quỳnh sau bao nhiêu năm trời, kể từ khi cùng vào các vai trong phim Đông Dương trên Vịnh Hạ Long…

 
Thấy mình chơi vơi khi xem phim… “Chơi vơi” - 2
Đạo diễn phim Bùi Thạc Chuyên (ngoài cùng, trái) phát biểu trước buổi chiếu phim tại Canada hồi đầu tháng 10 vừa rồi

 

Và rồi những ngày gần đây, liên tiếp xuất hiện các tin về những thành công bước đầu của phim Chơi vơi tại các liên hoan phim quốc tế tại Venice, Toronto, Bankok và sắp tới đây sẽ là Vancouver, Pusan, London cũng sẽ rộng cửa chào đón.

 

Vì thế khi ngồi vào rạp, tôi thấy hơi bị ức chế. Liệu rằng mình có khách quan, gạt bỏ được những ấn tượng đã có này ra khỏi đầu hay không, để mà  thưởng thức, để mà tỉnh táo thẩm định cái hay cái dở của bộ phim này. 

 

Thế rồi sau những câu giới thiệu nồng nhiệt của bà đại sứ, sau những lời đáp lễ vừa xã giao vừa tự nhiên chân tình của đạo diễn. Đèn tắt và những thước phim đầu tiên đã được chiếu lên màn ảnh.

 

Cảm giác đầu tiên là chưa thấy gì đặc biệt. Các cảnh diễn ra chầm chậm, khuôn hình không thật chặt chẽ, ánh sáng hơi uể oải chứ không trau chuốt cầu kỳ. Các tình tiết lại càng rời rạc, không rõ mạch chuyện, và nhất là không hiểu tác giả định nói cái gì và dẫn đi đâu.

 

Cứ thế, các tuyến nhân vật lỏng lẻo, chuyển cảnh không có lý do, và đối thoại không thấy hàm nhiều ẩn ý.

 

Thế nhưng không chỉ  mình tôi, mọi người đều bị màn ảnh thu hút. Người ta thấy không bị kích thích, không bị rạo rực, nhưng mắt vẫn không thể rời khỏi các khuôn hình đang chầm chậm nhẩn nha kể lể bên trên màn ảnh. 

 

Và rồi từ lúc nào không biết, tôi như bị cuốn theo, hòa một phần mình vào với các căn phòng thiếu sáng, đồ đạc chểnh mảng lộn xộn, với các khúc cầu thang xộc xệch, với giường chiếu xô xệch mà ta như ngửi  được cả những mùi âm ẩm mông mốc, lẫn lộn với mùi mồ hôi người ốm, mùi ngái lạnh của nhêm nhếp nước trên mặt gạch mòn lõm, bên dưới vòi nước chung trong góc xó của những căn nhà phố cổ.
 

Thấy mình chơi vơi khi xem phim… “Chơi vơi” - 3
Trí Nguyễn và Đỗ Hải Yến trong cảnh phimChơi vơi

 

Thi thoảng vừa nhè nhẹ thả mình đi theo nhân vật, lại vừa ngắc ngoải chờ đợi một cảnh nude, hay một phân đoạn ướt át... Nhưng rồi lại giữ lấy nhịp thở ra bên trong lồng ngực, bởi vì nó chưa xảy ra. Hoặc giả nó lướt qua đi, như là bàn tay cô gái nhè nhẹ trườn trốn ra khỏi bàn tay của người đàn ông do dự đợi chờ.

 

Các tình tiết thường đều là các chuyện riêng của giữa hai người với nhau. Khi thì là cô dâu mới với anh chồng trẻ, khi thì giữa hai người bạn gái quá hiểu lẫn nhau, khi thì lần lượt các cuộc gần gũi của anh chàng hướng dẫn du lịch với một trong hai cô gái. Các không gian tiếp xúc đều là cảnh nội. Trong góc phòng hẹp, đầu cầu thang, bên giường ngủ, góc sofa. Hầu như tất cả đều trong tranh tối tranh sáng, khó thở và ít đi lại, không có vung chân múa tay.

 

Lâu lâu mới có được một khuôn hình thật đẹp. Đắt nhất là hai cảnh của Linh Đan ngồi cùng Hải Yến. Một là bên ghế sofa, một nữa là ở bên trong tấm chăn trùm lên trên nồi nước lá xông. 

 

Tóm lại thì chẳng có được gì nhiều, để mà kể lại cho ai!

 

Nhưng mà đang xem đã thấy trong lòng chơi vơi khó tả. Rồi lại chơi vơi khi phim khép lại, khắc khoải ngắc ngư giai điệu lạ lùng trùm lên các dòng générique (giới thiệu tên những người thực hiện phim) từ từ dâng lên, thật dài thật lâu, như níu người xem ngồi nán thêm lại để mà gặm nhấm cảm giác chơi vơi.

 

Sau năm sáu năm ôm ấp kịch bản, có lẽ cuối cùng chọn được tên phim “Chơi vơi” cũng là một thành công không nhỏ. Bởi vì người xem sẽ thấy chơi vơi một cách rõ ràng. Nếu lấy tên cũ “Đi mãi rồi cũng quay về”, phim sẽ mất hay đi đến mấy phần. Tiếc rằng, tên phim trong bản tiếng Anh, gọi là “Adrift” không thích được bằng nguyên gốc “Chơi vơi”. 
 
Thấy mình chơi vơi khi xem phim… “Chơi vơi” - 4
Phạm Linh Đan - diễn viên chính trong phim Chơi vơi

 


***

 

Tôi tranh thủ đi  dạo la cà quanh các góc phòng sau buổi chiếu Chơi vơi kết thúc. Chào hỏi xã giao, nhìn vào mắt nhau mà cười thân mật, rồi là gợi hỏi. Để mà lắng nghe, càng nhiều càng tốt, để mà đọc được ý nghĩ của những người lạ và những người quen, người trong nước và người nước ngoài, người là chính khách, người là nghệ sĩ. Vừa là tò mò tìm hiểu, vừa là tìm cách giải mã cho cái cảm giác “chơi vơi” dai dẳng bên trong lòng mình…

 

Thu thập ý kiến của khá nhiều người xung quanh, tôi sắp xếp lại và thấy thế này. Thích nhất là những Việt kiều và những người nước ngoài đã từng làm việc giữa lòng Hà Nội. Thứ nhì là đến các người nước ngoài mà có liên quan ít nhiều đến văn hóa và nghệ thuật. Rồi là mới đến những người ba phải như tôi. Còn ai khó tính, ít nhiều bảo thủ, thì khó lòng mà có thể thích được cái tạng phim này…

 

Dẫu sao thì tận cho đến khi ngồi trước máy, gõ những dòng này, tôi vẫn còn thấy trong lòng chơi vơi. Một sự chơi vơi ẩn náu đâu đó trong mình mà phim đã đánh thức dậy, chứ còn có lẽ không hẳn là bị chơi vơi vì những thân phận trong phim. Giống như khi mới nghe xong lần đầu một bản sonate xa lạ, giai điệu thì đã quên đi mất rồi, nhưng mà cảm xúc dư âm thì lại vẫn còn dai dẳng.

 

 

“Sau khi làm xong bộ  phim, anh có thấy tiếc điều gì đó không?” - tôi hỏi. Một vài phim trước thì có, nhưng với phim này, có lẽ là không. Thạc Chuyên đã trả lời ngay như thế. “Ngay như là Phạm Linh Đan, đã từng nổi tiếng trong giới điện ảnh châu Âu, vậy mà những ngày chúng tôi ở Venice, Linh Đan rất là mãn nguyện khi xem bộ phim mình đóng”, Bùi Thạc Chuyên nói.

 

Đúng là như thế. Dấu ấn tác giả xuyên suốt từ đầu cho đến cuối phim. Anh đã được thả sức mình làm theo những điều mình muốn và anh đã có thể làm được. Với một đạo diễn làm phim chỉ vì say mê, đó là hạnh phúc lớn nhất. 
 
Thấy mình chơi vơi khi xem phim… “Chơi vơi” - 5

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (áo đỏ) đang chỉ đạo một cảnh diễn

 

Anh ít phải nghĩ đến chuyện lỗ lãi. Chuyện ấy đã có người khác lo rồi. Mặc dù như thế, phim ra lại được vỗ tay nồng nhiệt, trước mắt là ở nước ngoài. Lại đã có khách quốc tế tìm đến hỏi mua. Hạnh phúc đang được nhân đôi nhân ba, nếu mà anh không thấy mình đang lâng lâng mới là chuyện lạ.

 

 

 Phạm Hoàng Hải