Thành cổ Quảng Trị và khúc ca bi tráng

Bài ca không quên của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn mở đầu chương trình “Khúc tráng ca về một dòng sông” diễn ra đêm 30-4, tại Thành cổ Quảng Trị và bờ sông Thạch Hãn là một gửi gắm đầy ý nghĩa...

Hình như những bộn bề cuộc sống, dòng đời bon chen đã khiến con người đôi khi sao nhãng những điều rất thiêng liêng. Và bài hát ấy vang lên trong đêm Thành cổ, mảnh đất khốc liệt ngày xưa, có giá trị như một nhắc nhở, một thức tỉnh với những người đang sống: “Tôi không thể nào quên!”.

 

Địa danh Thành cổ Quảng Trị từng vang lên thường trực trong các bản tin chiến sự của tất cả hãng thông tấn trên thế giới tròn 35 năm trước - mùa hè đỏ lửa 1972. Và bây giờ, 35 năm sau, kể từ ngày Quảng Trị giải phóng, đêm nay hàng vạn người đã về lại đây, về cùng những ký ức bi tráng.

 

Dưới những hàng ghế khán giả, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người lính già cúi xuống lau vội những giọt nước mắt, có người úp mặt khóc rưng rức. Hàng ngàn bài báo, hàng vạn trang sách, hàng ngàn thước phim đã làm về Thành cổ, nhưng chắc chắn không thể diễn đạt hết sự khốc liệt và bi tráng của 81 ngày đêm lịch sử ấy.

 

Nhà báo Lại Văn Sâm dẫn chương trình nghẹn ngào khi nói rằng Quảng Trị có hàng chục nghĩa trang, trong đó có hai nghĩa trang quốc gia là nghĩa trang Trường Sơn và Đường 9; và có hai nghĩa trang không bia mộ là Thành cổ Quảng Trị và dòng sông Thạch Hãn.

 

Ngày đó, hàng vạn người lính bơi qua sông Thạch Hãn vào Thành cổ và nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại với dòng sông, để rồi cựu chiến binh Lê Bá Dương ngày hòa bình trở về chất đầy một thuyền hoa huệ trắng thả xuống sông viếng bạn bè, và từ tim anh, những câu thơ yêu thương ứa máu dành cho đồng đội: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ, Đáy sông còn đó bạn tôi nằm, Có tuổi hai mươi thành sóng nước, Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm...”.

 

Và Thành cổ Quảng Trị, 35 năm sau ngày im tiếng súng bom, chưa ai biết đích xác có bao nhiêu người lính đã nằm lại đây, có số liệu bảo hơn một vạn, có tài liệu bảo hơn một vạn rưỡi, nhưng tại nghĩa trang Thành cổ chỉ chưa đến một ngàn nấm mộ, hầu hết là vô danh, bao nhiêu nữa những chiến sĩ trẻ vừa rời giảng đường vào Thành cổ ngày ấy đã vĩnh viễn không thể tìm thấy thân xác. Chỉ vừa mấy tuần trước đây thôi, những người thợ đào móng xây tháp chuông Thành cổ đã tìm thấy sáu hài cốt, chỉ một hài cốt chắc chắn là liệt sĩ nhờ những di vật kèm theo, còn năm hài cốt khác không ai dám chắc, nhưng chắc chắn họ đã nằm lại đất này vào mùa hè khốc liệt ấy.

 

Họ, những cựu chiến binh Thành cổ, về lại đêm nay có người đang giữ những trọng trách như ông Nguyễn Quốc Triệu - chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Đinh Thế Huynh - tổng biên tập báo Nhân Dân... nhưng bao nhiêu người lính cùng thế hệ ấy nếu không có chiến tranh hẳn đã là những hiền tài của đất nước.

 

Ông Nguyễn Trọng Bường, một cựu chiến binh Thành cổ, bằng chất giọng Quảng Trị mộc mạc kể về những người lính sinh viên ấy: “Hồi đó, thấy mấy anh từ Bắc vào anh nào cũng trắng trẻo, thư sinh đẹp trai, nhìn mấy anh ấy tụi tui thấy tiếc, cứ nghĩ những người như mấy anh phải đi học, phải làm bác sĩ, kỹ sư để xây dựng đất nước chứ răng lại vào đây cầm súng chiến đấu?”. Và chính lớp chiến sĩ - sinh viên Thành cổ ấy đã tạo thêm một nét hào hoa trong trang sử bi tráng của mảnh đất này.

 

Buổi chiều trước khi diễn ra đêm truyền hình trực tiếp, chúng tôi đến trước tượng đài Chiến sĩ - sinh viên Thành cổ, bài hát Nga Khi đàn sếu bay qua của Ian Frenkel vang lên, bài hát của một thế hệ lính trẻ ra trận nhưng trong balô luôn có những tập thơ, giữa những phút lặng im của bom đạn họ đã viết những dòng nhật ký chiến trường để bây giờ còn lay động trái tim bao người như Nguyễn Văn Thạc, Nguyễn Kỳ Sơn… Các anh cũng đã nằm lại trên chiến trường Thành cổ này.

 

Hàng vạn hoa đăng đèn nến đã thắp sáng dòng sông, ánh sáng những hoa đăng ấy mang linh hồn những người lính nhắc nhở rằng ngày hôm qua bi tráng không chỉ ở Thành cổ, ở sông Thạch Hãn mà cả bao miền đất nước thắm máu đào người lính, luôn là sự thức tỉnh cho những người đang sống.

 

Máu xương của hơn một vạn người lính nằm xuống Thành cổ ngày ấy đã góp phần vào thắng lợi của Hiệp định Paris 1973, góp cho mùa xuân đại thắng 1975. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khi nhắc đến những người lính Thành cổ đã viết: “Những người chết không phải vì để trở thành anh hùng mà chính là để đằng sau họ những người khác được tiếp tục sống trong tự do và hòa bình, chết cho nhân loại sống còn và thức tỉnh”.

 

Theo Lê Đức Dục

Tuổi Trẻ