“Tây du ký” vẫn là điều kỳ diệu của điện ảnh châu Á!
(Dân trí) - Đã trở thành thông lệ, khi kỳ nghỉ hè vừa bắt đầu là bộ phim truyền hình Trung Quốc “Tây du ký” lại xuất hiện trên màn ảnh nhỏ Việt Nam. Thậm chí, có những năm, nhiều kênh truyền hình của Việt Nam “đua nhau” phát sóng bộ phim này!
Đã hơn hai mươi năm kể từ khi bộ phim Tây du ký đóng máy và ra mắt lần đầu tiên trên sóng truyền hình trung ương Trung Quốc, hình ảnh thầy trò Đường Tam Tạng vẫn có sức sống bền bỉ, dai dẳng trong lòng khán giả. Hai mươi năm nay, thế hệ nào lớn lên cũng xem phim Tây du ký, thế hệ nào cũng kể về Tây du ký với đầy kỷ niệm ấu thơ.
Sự tài giỏi, thần thông của Tôn Ngộ Không; tính ham ăn, lười làm của Trư Bát Giới; sự điềm tĩnh, ôn tồn của Sa Tăng; sự hiền lành, độ lượng của Đường Tăng… từ bao giờ đã trở thành “bài học” nằm lòng của con trẻ. Không chỉ khán giả trẻ háo hức đón nhận, khán giả lớn tuổi cũng vẫn muốn xem lại, để “ôn cố tri tân” những kỷ niệm xưa, những cảm xúc xưa khi lần đầu tiên xem Tây du ký. Điều gì đã làm nên sức hút của bộ phim này?
quá đỗi thân thiết với khán giả nhí Việt Nam.
Vào thời điểm những năm 80, khi phim hành động còn là… “giấc mơ trưa”, phim sử dụng kỹ xảo còn là thứ “xa xỉ”, Tây du ký (bộ phim sử dụng kỹ xảo đầu tiên của Trung Quốc) ra mắt và ngay lập tức trở thành điều kỳ diệu của điện ảnh châu Á! Những màn võ thuật “đấm đá”, những kỹ xảo “thần thông biến hoá” khiến khán giả châu Á nói chung, khán giả Việt Nam nói riêng… “bàng hoàng”, “choáng váng”. Ngay từ khi ra đời, Tây du ký đã “làm mưa làm gió” khắp các màn ảnh nhỏ châu Á, kéo theo khối lượng khán giả tăng chóng mặt qua từng tập phim.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi công nghệ kỹ xảo trong điện ảnh đã có những bước tiến vượt bậc, đã có thể “biến những điều không thể thành có thể”, khi những người hùng trong các phim hành động bay nhảy vù vù qua các toà nhà cao tầng thì… quả thực, xem lại những màn võ thuật “đánh đấm” của ba đồ đệ Đường Tăng chỉ còn là trò… “trẻ con”. Nhưng câu chuyện cảm động về tình thầy trò, về con đường lấy Kinh gian nan và những triết lý Phật giáo nhẹ nhàng vẫn khiến số đông khán giả thuộc nhiều tầng lớp, lứa tuổi gật gù!
Thêm một lý do quan trọng khác lý giải tại sao phim Tây du ký luôn có sức hút mạnh mẽ trên màn ảnh nhỏ Việt Nam, đó chính là do đề tài dành cho phim thiếu nhi từ lâu đã bị bỏ trống trên thị trường phim Việt. Mười năm trở lại đây, những bộ phim Việt dành thiếu nhi có thể đếm trên đầu ngón tay như Đội biệt động nhà C21, 9X, Ngôi nhà cũ… Và thật đáng tiếc, những bộ phim này không thể vượt qua được cái bóng của Tây du ký!
Kịch bản phim Việt xưa nay vốn luôn ở trong tình trạng thiếu và yếu, kịch bản phim thiếu nhi lại càng… yếu và thiếu. Đặc biệt trên màn ảnh nhỏ, phim thiếu nhi dán “mác” Việt đã “biệt vô âm tín” từ lâu. Khán giả nhỏ tuổi luôn “khát” phim thiếu nhi Việt là vì thế. Bởi vậy, gần đây, bộ phim teen Nhật ký Vàng Anh tuy còn nhiều “điều tiếng” nhưng vừa phát sóng đã thu hút được số đông khán giả theo dõi và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình.
Với thực trạng sản xuất phim truyền hình nội còn nhiều thiếu thốn như hiện tại, có lẽ, một vài năm tới, trẻ em Việt Nam vẫn sẽ ngồi trước màn hình dõi theo bước chân thầy trò Đường Tăng từ Đông thổ Đại Đường sang Tây trúc thỉnh kinh, dù có thể đã thuộc nằm lòng từng “con” yêu quái…
L.L