1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Tại sao cường quốc nhan sắc không còn quan tâm tới các cuộc thi hoa hậu?

Mi Vân

(Dân trí) - Ấn Độ, Venezuela vốn được xem là cường quốc sắc đẹp thế giới khi sở hữu nhiều vương miện Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, nhưng giờ đây họ cũng không còn mặn mà với những cuộc thi nhan sắc.

Người Ấn Độ ngày càng thờ ơ với các danh xưng hoa hậu

Thập niên 1990, 2000 được xem là quãng thời gian nở rộ của nhan sắc Ấn Độ tại các cuộc thi nhan sắc quốc tế. Những người đẹp làm rạng danh Ấn Độ tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế có thể kể đến như Aishwarya Rai, Sushmita Sen, Diana Hayden, Yukta Mookhey, Lara Dutta, Priyanka Chopra… 

Họ chính là những cái tên chiến thắng tại hai đấu trường nhan sắc quốc tế đình đám nhất thế giới là Hoa hậu Hoàn vũ và Hoa hậu Thế giới. Bước ra khỏi cuộc thi nhan sắc này, họ có cơ hội đóng phim, lập nghiệp tại Hollywood. Hình mẫu đăng quang tại các cuộc thi nhan sắc rồi bước chân vào showbiz, trở thành những cái tên vang danh thế giới từng là ước mơ của nhiều cô gái Ấn Độ.  

Tại sao cường quốc nhan sắc không còn quan tâm tới các cuộc thi hoa hậu? - 1

Nhiều người đẹp là niềm tự hào của Ấn Độ tại các cuộc thi nhan sắc quốc tế (Ảnh: OutlookIndia).

Theo DNA India, sau thời đỉnh cao, quốc gia Nam Á này dần tụt hạng trên bảng xếp hạng toàn cầu. Gần đây, chiến thắng của người đẹp Harnaaz Sandhu tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2021 mới giúp các cuộc thi nhan sắc ở Ấn Độ được "hâm nóng" trở lại.

Theo truyền thông Ấn Độ, 10 năm qua, sự quan tâm của công chúng Ấn Độ với các cuộc thi sắc đẹp và sức hút của các đấu trường sắc đẹp không còn mạnh mẽ như trước. Anoop Chauhan - người đẹp tham gia cuộc thi Miss North India Princess, một cuộc thi nhan sắc địa phương của Ấn Độ cho biết: "Tinh thần chiến đấu của các thí sinh không hề giảm đi nhưng số lượng người đăng ký thi hoa hậu đã giảm 10 - 15%. Ngoài ra, chất lượng của các ứng viên cũng giảm".

Nói về lý do các cuộc thi sắc đẹp ngày càng mất đi sự hấp dẫn, một cây bút nổi tiếng của Ấn Độ - Kiran Manral nêu ý kiến: "Tôi nghĩ phần lớn liên quan đến thực tế là các cuộc thi hoa hậu đánh giá phụ nữ qua vẻ đẹp bên ngoài của họ. Thế hệ này có thể sẽ thấy không ổn với việc mọi người đánh giá, xếp hạng vẻ đẹp của ai đó. Bên cạnh đó, chiến thắng cuộc thi nhan sắc được xem là bước đầu giúp họ tiến vào nền công nghiệp điện ảnh Ấn Độ. Do vậy, việc tham gia các cuộc thi nhan sắc chỉ còn tạo hứng thú với những người muốn bước chân vào Bollywood". 

Tại sao cường quốc nhan sắc không còn quan tâm tới các cuộc thi hoa hậu? - 2

Priyanka Chopra của Ấn Độ đăng quang Hoa hậu Thế giới 2000 (Ảnh: Getty Images).

Tình trạng "bội thực" hoa hậu cũng khiến các cuộc thi giảm chất lượng, thí sinh giảm nhiệt huyết. Năm 2019, cuộc thi Hoa hậu Ấn Độ từng bị dư luận nước này nhận chỉ trích vì 30 thí sinh vào chung kết giống nhau như được tạo ra từ một khuôn.

Hoa hậu Ấn Độ 2001 - Celina Jaitly cho rằng, việc công chúng thờ ơ với các cuộc thi nhan sắc hiện nay bởi nhiều lý do. "Sự xuất hiện của mạng xã hội, toàn cầu hóa và tôi ghét phải nói điều này nhưng chất lượng và sự đầu tư, chỉn chu của các thí sinh đã giảm. Việc lựa chọn thí sinh cũng thiếu sự đa dạng và ở hầu hết các cô gái, niềm đam mê và khát vọng đại diện cho Ấn Độ đã không còn bùng cháy như xưa", cô nói. 

Sushmita Sen - Hoa hậu Hoàn vũ 1994 thì tin rằng, những cô gái ngày nay dường như không hiểu những điều cần để trở thành hoa hậu. Với họ, tham gia các cuộc thi nhan sắc đồng nghĩa với việc muốn vẻ đẹp của mình được tôn vinh và đặc biệt là tìm cơ hội đổi đời. 

Tại sao cường quốc nhan sắc không còn quan tâm tới các cuộc thi hoa hậu? - 3

Harnaaz Sandhu của Ấn Độ đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ 2021 (Ảnh: MU).

Sự thoái trào của thi hoa hậu tại cường quốc nhan sắc Venezuela

Venezuela được xem là cường quốc nhan sắc quốc tế với chiến thắng đáng nể như 6 danh hiệu Hoa hậu Thế giới, 7 vương miện Hoa hậu Hoàn vũ, 8 lần đăng quang tại Hoa hậu Quốc tế…

Cũng như Ấn Độ, người dân Venezuela cũng từng phát cuồng với các cuộc thi nhan sắc. Đây cũng là cơ hội đổi đời cho các cô gái. Sức hấp dẫn của vương miện hoa hậu khiến những lò đào tạo hoa hậu mọc lên như nấm tại Venezuela. Quốc gia này cũng được xem là cái nôi đào tạo bài bản và thành công những hoa hậu tương lai. 

Tuy nhiên, chục năm gần đây, Venezuela mất đi vị thế độc tôn trong các cuộc thi nhan sắc khi những thí sinh đến từ quốc gia Nam Mỹ này dần yếu thế so với các đồng nghiệp. Họ vướng phải sự cạnh tranh khủng khiếp từ các quốc gia châu Á, đặc biệt là Philippines, Thái Lan và cả Việt Nam trong các cuộc thi nhan sắc quốc tế.

Sự tụt hạng đồng nghĩa với việc sức hút của các cuộc thi nhan sắc tại Venezuela cũng giảm sút. Cuộc thi Hoa hậu Venezuela đánh mất vị thế đáng tự hào của nó. Năm 2018, cuộc thi gây xôn xao dư luận vì các cáo buộc mại dâm liên quan đến các thí sinh. Nhiều thí sinh bị tố đổi tình lấy xe sang, những chuyến du lịch đẳng cấp, nhận tài trợ trang phục dự thi, chi phí phẫu thuật thẩm mỹ hay các phần thưởng giá trị khác từ các quan chức. 

Tại sao cường quốc nhan sắc không còn quan tâm tới các cuộc thi hoa hậu? - 4

Dayana Mendoza của Venezuela đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ 2008 tổ chức tại Việt Nam (Ảnh: MU).

Sau đó, một trung tâm chuyên đào tạo thí sinh thi hoa hậu tại Caracas, Venezuela đã bị đóng cửa. Bê bối này đã khiến công ty đứng sau cuộc thi phải dừng hoạt động và đình chỉ các cuộc tuyển chọn. Sau scandal, danh tiếng của cuộc thi Hoa hậu Venezuela đã giảm sút đáng kể. 

Năm 2019, các cuộc thi hoa hậu tại Venezuela lại chao đảo vì cuộc khủng hoảng chính trị, lạm phát tăng cao… Hàng loạt cuộc thi, lò đào tạo thí sinh thi hoa hậu phải đóng cửa vì không thể duy trì hoạt động. Ngay cả cuộc thi có truyền thống Hoa hậu Venezuela cũng bị chê trách vì điều kiện tổ chức thiếu thốn, sức ảnh hưởng giảm sút. 

Năm 2022, cuộc thi Hoa hậu Venezuela được hứa hẹn tổ chức lại với quy mô hoành tráng hơn. Chung kết cuộc thi Hoa hậu Venezuela 2022 dự kiến diễn ra tại Poliedro de Caracas, Venezuela thời gian tới. 

Tại sao cường quốc nhan sắc không còn quan tâm tới các cuộc thi hoa hậu? - 5

Hình ảnh tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2021 tổ chức tại Israel (Ảnh: MU).

Sự giảm sút của danh xưng hoa hậu tại châu Á

Trong khi tại Thái Lan, Philippines, các cuộc thi hoa hậu vẫn có sức hút mạnh mẽ thì tại Trung Quốc, danh xưng hoa hậu giờ không còn là điều mà các cô gái trẻ khát khao. Trung Quốc cũng là một quốc gia châu Á có thành tích tại các cuộc thi nhan sắc quốc tế không "phải dạng vừa". 

Trung Quốc từng có Lý Băng lọt top 5 Hoa hậu Thế giới 2001, Ngô Anh Na lọt top 10 Hoa hậu Thế giới 2002, Quan Kỳ giành Á hậu 2 tại Hoa hậu Thế giới 2003, Trương Tử Lâm sở hữu vương miện Hoa hậu Thế giới 2007, Vu Văn Hà giành vương miện Hoa hậu Thế giới 2012. Đây cũng là thời điểm mà các cuộc thi nhan sắc tại Trung Quốc rất thịnh hành. 

Tại sao cường quốc nhan sắc không còn quan tâm tới các cuộc thi hoa hậu? - 6

Trương Tử Lâm là người đẹp đầu tiên của Trung Quốc giành danh hiệu Hoa hậu Thế giới vào năm 2007 (Ảnh: Weibo).

Tuy nhiên, sau giai đoạn thành công rực rỡ, các thí sinh của Trung Quốc không còn gây ấn tượng tại các đấu trường nhan sắc quốc tế. Chất lượng thí sinh Hoa hậu Trung Quốc bị đánh giá giảm sút trong những năm qua vì sức hấp dẫn của các cuộc thi không còn. 

Thập niên 1990, các cuộc thi hoa hậu bùng nổ tại Trung Quốc, việc xem thi hoa hậu cũng là niềm đam mê của khán giả quốc gia tỷ dân. Tuy nhiên, hiện tại, các cuộc thi nhan sắc không còn là mối quan tâm của khán giả Trung Quốc, phải xếp sau các sự kiện âm nhạc, điện ảnh, thông tin giải trí… 

Lý giải sự sụt giảm sức hút của thi hoa hậu tại Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng, chất lượng thí sinh, công tác tổ chức và sự tràn lan các danh xưng hoa hậu chính là nguyên nhân. Hầu hết các người đẹp tham dự các cuộc thi nhan sắc để tìm bệ phóng bước vào giới showbiz. Với năng lực hạn chế, dù có cơ hội gia nhập showbiz, họ cũng nhanh chóng bị đào thải. 

Hoa hậu Hồng Kông từng là một cuộc thi nhan sắc có tiếng tại châu Á trong thập niên 90. Đây cũng là cái nôi phát hiện những ngôi sao tài năng của xứ hương cảng như Lý Gia Hân, Viên Vịnh Nghi, Thái Thiếu Phân, Trương Mạn Ngọc, Quách Thiện Ni, Trần Pháp Dung, Xa Thi Mạn, Hồ Hạnh Nhi… Tuy nhiên, chất lượng cuộc thi nhan sắc này trở thành tâm điểm chê trách những năm gần đây khi chất lượng thí sinh giảm sút. Nhan sắc của các tân hoa hậu cũng không ngừng gây tranh cãi. 

Tại sao cường quốc nhan sắc không còn quan tâm tới các cuộc thi hoa hậu? - 7

Top 20 thí sinh tham gia vòng chung kết Hoa hậu Hồng Kông 2022 (Ảnh: HK01).

Theo Korea Times, khoảng 10 năm gần đây, cuộc thi Hoa hậu Hàn Quốc đánh mất giá trị sau bê bối mua giải, thí sinh mặc phản cảm, tiêu chuẩn ngoại hình quá cao, phi thực tế. Năm 2019, đấu trường sắc đẹp này vấp tranh cãi khi để thí sinh mặc quốc phục cách tân hở hang phản cảm trong chung kết.

Năm 2013, mẹ của một thí sinh từng dự thi Hoa hậu Hàn Quốc 2012 gây chấn động mạng xã hội và truyền thông khi tố cáo hành vi lừa đảo của ban tổ chức. Theo người này, ban tổ chức đã chủ động liên lạc với bà và đề nghị mua bán giải. Sau đó, ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hàn Quốc 2012 giải thích rằng đây là vấn đề cá nhân và nhân viên nhận tiền đã bị sa thải.

Bên cạnh những bê bối về khâu tổ chức hay nghi vấn mua giải, cuộc thi Hoa hậu Hàn Quốc còn giảm sức hút vì chất lượng thí sinh. Nhiều người đẹp vướng nghi vấn phẫu thuật thẩm mỹ, kỹ năng trình diễn hạn chế. Nhan sắc của các tân hoa hậu cũng là chủ đề bàn tán của cộng đồng mạng.

Tại sao cường quốc nhan sắc không còn quan tâm tới các cuộc thi hoa hậu? - 8

Thí sinh đăng quang tại Hoa hậu Hàn Quốc 2021 (Ảnh: KoreaTimes).

Nguyên nhân khiến thi hoa hậu không còn hấp dẫn

Khi có quá nhiều hoa hậu được vinh danh trong một năm, chất lượng cuộc thi giảm sút, các thí sinh đăng quang cũng không còn trở nên hấp dẫn. Nếu mục đích của các cuộc thi nhan sắc là tôn vinh các cá nhân xuất sắc, đại diện cho một thế hệ phụ nữ, nói lên suy nghĩ, khát khao của nữ giới, thì ngày nay, mục đích thi hoa hậu dường như chỉ là cơ hội đổi đời cho chính người đăng quang.  

Ngoài ra, việc trình diễn áo tắm, trình diễn các trang phục gợi cảm trong các cuộc thi nhan sắc cũng tạo nên một cuộc tranh cãi trên nhiều diễn đàn sắc đẹp. Có ý kiến cho rằng, thi hoa hậu không thể nâng cao vai trò của người phụ nữ, thậm chí xem phái nữ chỉ như những món hàng trưng bày, mang tính giải trí. Vì điều này, từ năm 2015, ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới đã loại bỏ phần thi áo tắm khỏi cuộc thi, nâng cao giá trị của phụ nữ thông qua những hoạt động như tranh tài hùng biện, ứng xử, thuyết trình ý tưởng nhân ái…

Tại sao cường quốc nhan sắc không còn quan tâm tới các cuộc thi hoa hậu? - 9

Thùy Tiên của Việt Nam đang sở hữu danh hiệu Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2021 (Ảnh: Missosology).

Thập niên 1990 và đầu những năm 2000 là thời điểm mà hầu hết các thiếu nữ đều khao khát trở thành hoa hậu. Các hoa hậu được ngợi ca là "đại sứ thương hiệu" cho đất nước, được ngưỡng mộ, tung hô. Tuy nhiên, theo Youth Inc, các cuộc thi sắc đẹp dường như đang trở thành nơi kiếm bộn tiền cho ban tổ chức. 

"Nếu các cuộc thi sắc đẹp chấp nhận những người ở mọi tầng lớp, với mọi hình dáng cơ thể, đó sẽ là một thay đổi mang tính cách mạng và thật sự tạo nên một xã hội hạnh phúc lành mạnh", tờ Youth Inc khẳng định vai trò của các cuộc thi nhan sắc trong xã hội hiện đại.  

Sự chuyển mình trong công tác tổ chức, yêu cầu với các thí sinh tham dự các cuộc thi nhan sắc đang nói lên xu hướng này. Vài năm nay, các cuộc thi nhan sắc tại các quốc gia và thế giới không còn giới hạn về tuổi tác, giới tính, việc đã kết hôn, sinh con, kích cỡ hình thể của thí sinh với mong muốn tìm kiếm một vẻ đẹp đa dạng. 

Theo Outlookindia/NBCNews