Rủ nhau đi tìm... người đẹp

Kể từ khi người đẹp Ngô Phương Lan đăng quang Hoa hậu thế giới người Việt (2/9/2007), người dân cả nước đã "tiếp nhận" đến năm cuộc thi nhan sắc khác sau đó: người đẹp hoa đào, hoa hậu trái đất, hoa hậu thể thao, nữ hoàng trang sức, người đẹp Tây Đô.

Và khi mọi người chưa thể nhớ hết tên các người đẹp vừa đăng quang thì vòng chung kết hoa hậu các dân tộc, hoa hậu tài năng... lại sắp diễn ra.

 

Không có phụ nữ xấu, nhưng…

 

Cùng với sự phát triển của kinh tế và xã hội, sắc vóc người Việt nói chung và phụ nữ VN nói riêng cũng "dễ coi", cao ráo hơn xưa. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ai cũng đủ chuẩn để trở thành "biểu tượng của sắc đẹp, trí tuệ và lòng nhân ái" như các cuộc thi người đẹp thường đặt ra.

 

Khoan bàn đến trí tuệ, lòng nhân ái hay vẻ đẹp tâm hồn, chỉ nói đến vẻ đẹp hình thể thì đã có 1/3 các thí sinh (TS) đến với chung kết các cuộc đua nhan sắc chỉ đạt mức trung bình. Với quan niệm phụ nữ phải trắng trẻo mới đẹp, không ít TS đã tô son trét phấn quá tay khiến khuôn mặt trông như những mặt nạ vô hồn. Đó là chưa kể đến các khiếm khuyết.

 

Nhiều khán giả đùa rằng các TS ngày nay đã thấm nhuần câu nói: "không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ... không dám tin là mình đẹp". Các cuộc đua sắc diễn ra liên tục với một lô một lốc các giải thưởng giúp các "người đẹp can đảm" có nhiều cơ hội thắng giải, khẳng định vẻ đẹp hoặc sở trường của riêng mình. Không ít TS "thua keo này ta bày keo khác" và rồi cũng thành công.

 

Không ít người cho rằng các cuộc thi người đẹp đang trở nên lạm phát. Tuy vậy, bà Thúy Nga - giám đốc điều hành Công ty Elite - cho rằng việc thông thoáng trong cấp phép cho thi người đẹp hiện nay không có gì đáng lo ngại bởi người dân rất "nhạy".

 

Cuộc thi nào tổ chức không tốt tự nhiên sẽ không được công nhận, quan tâm nữa. Việc các "người không đẹp" mà đăng quang thì cũng chẳng ai nhớ đến. Và các TS tìm đến những ngôi vị sắc đẹp vì những mục đích không trong sáng cũng sẽ nhanh chóng thất vọng, vì phút đăng quang chưa hẳn là "phút đổi đời" theo chiều hướng tốt đẹp hơn nếu danh hiệu không có giá trị và người đội vương miện không xứng đáng.

 

Rủ nhau đi tìm... người đẹp - 1
Hoa hậu VN Mai Phương Thúy và siêu mẫu Thùy Dương - hai gương mặt đã từng xuất hiện ở trên đấu trường nhan sắc quốc tế.

 

Việc các người đẹp tham dự những cuộc thi quốc tế dẫu sao cũng mang tính "màu cờ sắc áo". Sau sáu năm hội nhập tại "đấu trường thế giới" (cuộc thi Hoa hậu thế giới đã bước sang năm thứ 58), VN cũng đạt thứ hạng kha khá: 52 trên hơn 100 nước có mặt tại cuộc thi.

 

VN cũng bắt đầu được chọn là nơi tổ chức các cuộc thi sắc đẹp mang tầm cỡ quốc tế như Hoa hậu trái đất 2007 và Hoa hậu hoàn vũ 2008. Còn với các cuộc thi trong nước, hiện chỉ có danh hiệu Hoa hậu VN là được công nhận và chú ý nhất với những trách nhiệm hẳn hoi. Còn các cuộc thi nhan sắc với vô vàn danh hiệu khác ắt cũng chỉ là bước đệm cho các TS thắng giải có tên trong đội ngũ người mẫu, thế thôi!

Về đâu các cuộc khoe sắc đua hương

 

"Người đẹp là quốc bảo" nên dĩ nhiên phải được trân trọng, tôn vinh. Đó là lý do vì sao bao năm qua, các cơ quan đoàn thể đã dành không ít công sức cho những cuộc thi tôn vinh cái đẹp. Và dẫu hoa hậu VN đã ra đời 20 năm thì "công nghệ thi sắc đẹp" ở VN cũng chỉ mới thật sự hình thành khoảng năm năm trở lại đây.

 

Còn nhớ năm 2004, khi "tháp tùng" người đẹp Ngân Hà đến với cuộc thi Hoa hậu du lịch quốc tế, chúng tôi đã thật sự cảm thương Hà. Một mình cô tự xoay xở mọi việc: tự lo trang phục, trang điểm, giao tiếp và PR bản thân... Trong khi phần lớn TS của những nước bạn đều được cả một đội ngũ đi theo chăm sóc đến... tận răng. Vậy mới nể khi cô vẫn lọt được vào top 5.

 

Trước đó, Hà cũng một mình "chinh chiến" tại Hoa hậu trái đất 2003 và thắng giải TS có mái tóc đẹp nhất. Và hàng chục người đẹp VN đến với những cuộc thi người đẹp quốc tế (kể cả Hoa hậu thế giới) cũng "tay không đánh giặc" như thế nên việc trở về "tay không" hoặc chỉ là những giải phụ, thứ hạng không cao là chuyện... phải chấp nhận.

 

Sau vài năm kiên trì gửi người đẹp thi thố vẫn không thấy "tương lai", hai "nhà thầu" VN chuyên cung cấp TS cho các cuộc thi nhan sắc thế giới là Công ty Elite và Công ty PL đã "lăn xả” vào các cuộc thi để tìm hiểu sự tình. Ông Thanh Long - giám đốc Công ty PL - trong vai người quản lý và chuyên viên trang điểm Nguyễn Hùng đã cùng người mẫu Thanh Hằng đến với cuộc thi Hoa hậu liên lục địa 2005.

 

Còn giám đốc chuyên môn của Công ty Elite, người mẫu Thúy Hạnh, cũng "xăm mình" làm TS tại Hoa hậu trái đất 2004. Kết quả: VN không kém nhiều ở sắc vóc nhưng thua xa ở công nghệ (phát hiện "ứng cử viên" từ bé, uốn nắn và đào tạo, tiếp thị "gà nhà”...). "Hữu xạ tự nhiên hương" là quan niệm đã lỗi thời.

 

Theo Tuổi Trẻ