"Phù thủy" Lê Thế Song kể những khó khăn khi làm đạo diễn các lễ hội

Lạc Thành

(Dân trí) - Từng sáng tạo hơn 50 kịch bản sân khấu được dàn dựng tại nhiều nhà hát, tác giả Lê Thế Song còn được biết đến là "cha đẻ" của các lễ hội với nhiều điểm nhấn đặc biệt.

Nhiều người gọi tác giả Lê Thế Song là "phù thủy lễ hội" vì với gần 100 kịch bản anh viết, các lễ hội đều được đánh giá cao, nâng tầm cho các sự kiện anh "cầm trịch".

Phù thủy Lê Thế Song kể những khó khăn khi làm đạo diễn các lễ hội - 1

Đạo diễn Lê Thế Song (giữa) trao đổi kịch bản dẫn với MC Thụy Vân (trái) và Thế Cương trong một chương trình (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Theo đó, các chương trình lớn như Lễ hội Đền Trần Thái Bình 2025, Lễ hội Hoa Đà Lạt 2023; Lễ hội Cà phê Buôn Mê Thuột năm 2023; Lễ hội Hoa đào xứ Lạng 2022; Lễ hội Đền Hùng… đều có dấu ấn của Lê Thế Song.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, đạo diễn Lê Thế Song cho biết, anh và bà xã Xuân Hồng từng học Cao học tại khoa Kịch hát dân tộc, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Cả hai yêu say đắm kịch hát dân tộc nên có thời gian dài làm dự án cho các tổ chức phi chính phủ. Từ đó, anh trở thành người viết các kịch bản chèo, sân khấu.

Những năm gần đây, anh quyết định chuyển sang làm tổng đạo diễn các chương trình lễ hội là vì thấy đây là mảnh đất vô cùng thú vị. Ở lĩnh vực này, tổng đạo diễn phát huy được nhiều sở trường của một biên kịch, được thỏa sức sáng tạo với những ý tưởng riêng của mình.

"Tổng đạo diễn sẽ được thực hiện tư duy thiết kế sân khấu, tư duy âm nhạc, âm thanh, ánh sáng, múa, hình ảnh đồng thời lên ý tưởng cho tất cả hạng mục và tiến hành tổ chức sản xuất, tổ chức dàn dựng, biểu diễn trên sân khấu theo cách mình mong muốn", tác giả Lê Thế Song cho hay.

Nói về những khó khăn khi tổ chức các lễ hội, tác giả Lê Thế Song cho biết, người đạo diễn phải có năng lực thực tế về âm nhạc, hội họa, thiết kế sân khấu... Vì hiện nay, khán giả có trình độ thẩm mỹ rất cao, đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy sáng tạo của tác giả, đạo diễn và ê-kíp sáng tạo.

"Thời đại 4.0 khiến cho mọi thứ phát triển một cách chóng mặt, tư duy của người làm nghệ thuật cũng phải chuyển động không ngừng. Người viết kịch bản cần có cách viết mới, tiết tấu nhanh, ý đồ sắc nét, nội dung bám sát vào thực tiễn cuộc sống", nam đạo diễn bộc bạch.

Theo anh, để đáp ứng được sự mong đợi của nhà sản xuất và đông đảo khán giả, thời gian gần đây, anh luôn đưa ứng dụng trên nền tảng số vào các chương trình.

Như tại Lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2025 mới đây, anh đã đưa điệu xẩm vào hát trên nền nhạc điện tử, đồng thời cũng mời NSND Tự Long hát văn trong chương trình với một bản phối khí hoàn toàn mới lạ và bắt tai.

"Mỗi chương trình tôi phải tìm ra "chìa khóa" để dù về mặt hình thức thể hiện lễ hội giống nhau nhưng phải có tư duy khác biệt. Muốn thành công, để lại được dấu ấn, đạo diễn lễ hội phải có những sáng tạo mới mẻ và không được lặp lại chính mình", Lê Thế Song nói.

Phù thủy Lê Thế Song kể những khó khăn khi làm đạo diễn các lễ hội - 2

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông (giữa) chụp ảnh lưu niệm với vợ chồng tác giả Lê Thế Song - Xuân Hồng tại một sự kiện (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Theo nam đạo diễn, nhiều người được giao làm các chương trình lễ hội văn hóa, chương trình nghệ thuật truyền thống thường lúng túng vì sợ làm sai, làm hỏng nhưng anh lại tỏ ra khá tự tin với mảng lễ hội này.

"Tôi có nhiều năm tích lũy văn hóa truyền thống nên muốn thử sức mình ở nhiều chương trình lớn. Người ta hay nói "đường dài mới biết ngựa hay", tôi muốn làm các chương trình có chất lượng, đậm văn hóa Việt và dài lâu để khi nhắc đến đạo diễn lễ hội người ta nhớ đến Lê Thế Song", anh tâm sự.