1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Phạm Hoài Nam: "Thế mạnh của tôi là tình cảm"

Phạm Hoài Nam, cái tên gắn liền với không ít những tấm hình chụp mẫu thời trang ngoài đời trông khá trầm tĩnh nhưng cũng rất hài hước và trẻ trung khi tự bạch về mình: “Không đủ già để lên chức lão, không còn đủ trẻ để gọi thanh niên. Ham làm việc, nhưng cũng thích lê la và luôn phải tìm cách tự kìm chế để khỏi sa đà...”.

Cái khó của nghề nhiếp ảnh thời trang, quảng cáo đối với anh là gì?

Đầu tiên là con người. Cảm xúc của con người không thể điều khiển. Do đó để bắt được những khoảnh khắc xuất thần cần phải nhạy cảm và kỹ thuật tốt. Tôi coi mình là người có kỹ thuật vừa phải, nhưng tình cảm đặt vào tình huống chụp khá nhiều, may mắn là truyền tải được gần hết những gì mình muốn thể hiện vào ảnh với kỹ thuật bắt kịp thời đại.

Thêm một cái khó nữa là hiện nay các báo, tạp chí vẫn cứ hay đặt tất cả vào tay nhiếp ảnh gia quyền chọn phong cách thể hiện bộ sưu tập. Làm thế đúng là tạo đất cho chúng tôi, nhưng cũng e là tất cả bìa báo đều giống nhau ở phần hình ảnh mà không cá tính. Nếu nhìn ra thế giới, mỗi tờ tạp chí thời trang luôn có cá tính của từng nhóm người mà họ nhắm tới. Ví dụ như sự khác biệt của ảnh thời trang đăng trên Vouge và iD.

Để có những bức ảnh ưng ý, anh đã muốn mình học cách "có tình" với người mẫu, với cảnh. Cụ thể cái tình ấy như thế nào?

Thật ra để tạo ấn tượng tốt với tôi thì người mẫu chỉ cần có cá tính, bỏ quên máy ảnh sang một bên và là chính mình khi làm mẫu. Tôi sợ những manơcanh di động, vô hồn. Chỉ cần sự sinh động, tôi sẽ dễ dàng cảm nhận cái đẹp từ bên trong và nắm bắt cái tinh thần ấy vào ảnh.

Phạm Hoài Nam: "Thế mạnh của tôi là tình cảm"  - 1

Người mẫu Ngô Thanh Vân. Ảnh: Phạm Hoài Nam

Người ta sẽ nghĩ, làm việc với các người đẹp hẳn là một diễm phúc. Với anh thì sao?

Rắc rối là khi ở giữa đám đông tôi thường được bu xung quanh bởi các cô vừa cao vừa đẹp nên không nhìn thấy chuyện gì xảy ra (cười). Nhìn các "cháu" thôi cũng đủ hết ngày rồi, mặc kệ sự đời.

Nói thế chứ cũng không ít lần tôi nhìn thấy những ánh mắt mang nhiều dấu hỏi: “Thằng cha vừa lùn vừa xấu kia là ai mà sao mấy con bé xinh tươi cứ bu xung quanh thế nhỉ?”. Cũng vui. Cũng có khi nhận được cả những lời đề nghị giới thiệu cô này cô nọ cho người ta làm quen. Tôi thì bó tay với những chuyện ấy.

Người ta vẫn nói, thế mạnh của anh chính là bố cục ánh sáng và hình khối, anh thấy sao?

Tôi thì bảo thế mạnh của tôi là tình cảm.

Nhiều người trong giới nghệ thích xài đồ hiệu, còn anh?

Tôi vẫn xài đồ hiệu. Không chỉ quần áo mà giày, nón, vớ, túi, nước hoa và dầu tắm... Trong tủ quần áo của tôi nhiều nhãn hiệu, chỉ không có Louis Vuitton vì tôi chưa cần phải xuất hiện ở những nơi người ta dùng nhãn hiệu ấy. Cũng không có nghĩa là tôi từ chối thương hiệu Louis Vuitton. Một khi cần tôi sẽ sắm, còn bây giờ thì chưa. Phong cách thường thấy hiện nay ở tôi là quần jean, áo pull, đội nón kết. Ưu tiên Levi’s.

Anh đang dùng máy ảnh hiệu gì?

Thông thường tôi vẫn dùng Nikon D2X, năm vừa rồi tôi cắn răng mua một cái máy kỹ thuật số hiệu Phase One, giá bằng... một chiếc xe hơi. Nhưng theo tôi, máy móc ai có tiền cũng có thể mua được, chỉ khác là ai sẽ là người dùng chúng.

Đến với nghề nhiếp ảnh như một duyên số, anh được và mất những gì?

Tôi đang đi trên con đường mình lựa chọn. Lựa chọn này đầu tiên cũng khiến tôi gặp nhiều sự cố, từ sức ì trong chính những suy nghĩ của bản thân, đến rất nhiều phản đối của gia đình. Tôi có niềm tin ở công việc mình đang làm và không hối tiếc.

Mất gì được gì không quan trọng bằng việc mình được sống đúng là mình. Rất may là gia đình sau khi nhìn thấy hiệu quả công việc tôi theo đuổi đã quay ra ủng hộ hết lòng. Thậm chí vợ tôi đã xếp sắp lại công việc riêng để chuyên tâm làm quản lý cho tôi. Đấy là một hậu thuẫn tin tưởng khó tìm thấy ở nơi nào khác.

Những trăn trở về nghề mà anh muốn nói?

Tôi mong có thêm môi trường thuận lợi không chỉ cho riêng tôi mà cho nhiếp ảnh nói chung, cái nhìn thoáng và tư tưởng cởi mở cho một nền nhiếp ảnh hiện đại. Dù sao cho đến giờ những người như tôi vẫn không dược coi là nhiếp ảnh gia thực thụ, vẫn như đứa con rơi của nhiếp ảnh báo chí.

Dù ảnh của chúng tôi có xuất hiện nhiều hơn hàng nghìn lần những tay máy chụp nội dung khác, được chọn in nhiều lần hơn ảnh những người trong Hội cả năm gặp lại, thì Hội Nhiếp ảnh cũng chẳng bao giờ để mắt tới dù chỉ tí ti những người như tôi trong đó. Người ta hình như không thiết tha, và cũng không biết xếp chúng tôi, những người chuyên tâm đến nhiếp ảnh thời trang, vào nhóm người nào.

Theo Phong Cách Việt