Nữ đạo diễn Hải Yến được lựa chọn thực hiện lễ hội sông nước TPHCM
(Dân trí) - Nữ đạo diễn Lê Hải Yến chia sẻ rằng, cô mất một năm để nghiên cứu, xây dựng kịch bản lễ hội sông nước TPHCM.
Lễ hội diễn ra từ ngày 4/8 đến ngày 6/8 (thời điểm TPHCM đang trong mùa mưa), do Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao cùng các sở, ngành tại địa phương triển khai thực hiện.
Đây là chuỗi hoạt động văn hóa - giải trí - nghệ thuật đặc sắc bên dòng sông Sài Gòn, kết hợp với các hoạt động trải nghiệm, mua sắm, kích cầu đa dạng do nữ đạo diễn Lê Hải Yến làm tổng đạo diễn.
Theo đạo diễn Hải Yến, điểm nhấn của sự kiện là chương trình nghệ thuật với chủ đề Sài Gòn - dòng sông kể chuyện vào 20h ngày 6/8 tại cảng Sài Gòn - cảng hành khách tàu biển. Đây là chương trình thực cảnh đồ sộ với quy mô hơn 600 diễn viên, lần đầu tiên được diễn ra trên chính mặt sông Sài Gòn.
Chương trình dự kiến sẽ gồm 5 chương lần lượt với các tên gọi: Khẩn hoang, Mở cõi, Trên bến dưới thuyền, Hòn ngọc Viễn Đông, Rực rỡ thành phố bên sông... Qua mỗi chương, lịch sử hình thành, phát triển của Sài Gòn sẽ được hiện dần lên một cách rõ nét như những thước phim điện ảnh sống động, tinh tế và đặc sắc.
Đây là chương trình nghệ thuật thực cảnh được đầu tư công phu, cùng sự tham gia của ê-kíp các đạo diễn, chuyên gia, cố vấn, nghệ sĩ như: Tổng đạo diễn Lê Hải Yến, cố vấn kỹ thuật - đạo diễn ánh sáng Phạm Hoàng Nam, tổng biên đạo múa: NSƯT Thanh Hằng, đạo diễn âm nhạc - nhạc sĩ Mạnh Tiến, cố vấn trang phục - NTK Việt Hùng, cố vấn văn học - nhà báo Phạm Công Luận…
Chương trình nghệ thuật thực cảnh Sài Gòn - dòng sông kể chuyện sẽ gói trọn cả dòng chảy lịch sử vắt qua nhiều thế kỷ lẫn mạch nguồn văn hóa nghệ thuật truyền thống. Chương trình vừa tác động đến mọi giác quan của người xem vừa đưa những "hạt vàng ròng" tinh hoa bản nguyên, độc đáo của mảnh đất Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Chia sẻ về chương trình, Tổng đạo diễn Lê Hải Yến cho biết cô đã dành hẳn một năm trời để nghiên cứu về lịch sử của thành phố Hồ Chí Minh qua rất nhiều cuốn sách lịch sử, khảo cứu và tìm gặp các chuyên gia, các nhà sử học nổi tiếng của thành phố như: PGS. TS - nhà sử học Nguyễn Mạnh Hùng - Nguyên hiệu trưởng trường Đại học Hồng Bàng, nhà báo Phạm Công Luận (được mệnh danh là người lưu giữ ký ức phố thị của Sài Gòn - với hàng chục đầu sách viết về mảnh đất này) cùng hội đồng chuyên gia là các Trưởng/ phó khoa của các trường Đại học Văn hóa, Xã hội Nhân văn được Sở Du lịch mời để tham vấn cho chương trình.
"Tôi đã dành gần một năm trời chỉ để nghiên cứu, tìm hiểu, du khảo trong các không gian lịch sử, chìm đắm trong những ký ức rực rỡ của Gia Định - Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh và xưa hơn nữa, cũng như để thấu hiểu được tận tường về mạch nguồn của dòng chảy và con nước tại sông Sài Gòn.
Tôi muốn đây không chỉ là một chương trình nghệ thuật, mà là một thước phim sống động được kể trên một dòng sông thật, với bến cảng thật, con người thật, tàu thuyền thật và những câu chuyện chân thật đầy cảm xúc được nâng tầm thành nghệ thuật.
Tôi muốn để dòng sông tự kể nên câu chuyện của mình, về những dòng ký ức chuyển lưu qua nhiều thế hệ, nhiều cuộc tiếp biến văn hóa; về câu chuyện của một dòng sông đã góp phần giúp cho Sài Gòn từ một vùng đầm lầy chiêm trũng, trở thành một thương cảng quốc tế sầm uất nhất khu vực.
Một dòng sông đã kết nối thành phố này với các nền văn hóa trên khắp các châu lục để tạo nên một bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng mà không nơi nào trên dải đất hình chữ S này có được.
Tôi muốn mỗi người dân Sài Gòn sẽ thấy mình trong câu chuyện, sẽ thấy bóng dáng của cha ông và thế hệ tiền nhân trong câu chuyện, sẽ du ngoạn bằng mọi giác quan cùng câu chuyện...", tổng đạo diễn Lê Hải Yến nói.
Theo bà Lê Hải Yến, lễ hội sông nước TPHCM lần thứ 1 cùng chương trình nghệ thuật thực cảnh sông nước lần đầu được tổ chức tại Việt Nam sẽ tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo.
Sự kiện đem lại nguồn cảm hứng và những khám phá trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách về bản sắc văn hóa, về những điều đặc biệt nhất của TPHCM qua các thời kỳ...