Đạo diễn Phạm Hoàng Nam kể nhiều ngày xuyên đêm vì "Dòng sông kể chuyện"

Hà Thanh

(Dân trí) - Tối 6/8, chương trình nghệ thuật nghệ thuật "Dòng sông kể chuyện"- Signature Show "The Story Of A River" thuộc sự kiện Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ Nhất 2023 đã diễn ra mãn nhãn, ấn tượng.

Lần đầu tiên, TPHCM có một đêm nghệ thuật được cho là táo bạo khi sân khấu được đặt một phần trên mặt sông Sài Gòn, một phần là bến Cảng. Chương trình có sự tham gia của hơn 700 diễn viên chuyên và không chuyên.

Dòng sông kể chuyện - The Story Of A River có thể coi là một "đại tiệc" về ánh sáng cùng những phần dàn dựng, công nghệ sân khấu thỏa mãn phần nhìn cho khán giả. Đồng thời, chương trình khắc sâu trong mỗi người xem những câu chuyện về lịch sử của tự nhiên, xã hội, văn hóa, con người qua các thời kỳ phát triển của Gia Định - Sài Gòn - TPHCM.

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam kể nhiều ngày xuyên đêm vì Dòng sông kể chuyện - 1

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam (ngoài cùng, bên phải) trong một buổi tập luyện, chuẩn bị chương trình (Ảnh: Ban Tổ chức).

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam trở về từ Canada để tham gia chương trình này với vai trò Cố vấn nghệ thuật - Đạo diễn ánh sáng bằng một tình cảm đặc biệt dành cho TP Hồ Chí Minh, nơi anh đã gắn bó hơn 20 năm trong đời mình.

Nhiều đêm dài gần như trắng đêm cùng Tổng đạo diễn Lê Hải Yến và các cộng sự thực hiện chương trình, đạo diễn Phạm Hoàng Nam tiết lộ nhiều câu chuyện hậu trường sau đêm diễn ấn tượng này.

Là tên tuổi đạo diễn bậc thầy, có rất nhiều học trò đã trưởng thành ở vị trí đạo diễn nổi tiếng, tại sao đối với "Dòng sông kể chuyện" anh lại nhận lời tham gia với vai trò Cố vấn nghệ thuật - Đạo diễn ánh sáng?

- Tôi có một nhóm nghệ sĩ chơi cùng nhau, đều có khát khao khai thác vẻ đẹp văn hóa Việt, làm những chương trình mang đẳng cấp quốc tế với mong muốn mang thế mạnh của Việt Nam ra thế giới.

Nếu người ta muốn mang thế giới về Việt Nam, thì chúng tôi lại mong đưa Việt Nam đến với thế giới. Tôi có duyên gặp Tổng đạo diễn Dòng sông kể chuyện - Lê Hải Yến cũng từ "tần sóng" đó.

Trước đó, tôi đã rất ấn tượng với chương trình Xòe Thái- Tinh hoa miền di sản vinh danh nghệ thuật Xòe Thái năm 2022. Chương trình đã có những nghiên cứu rất sâu sắc về văn hóa của cộng đồng người Thái và điệu Xòe, từ đó khéo léo để sân khấu hóa nó. Tôi ấn tượng bởi ý tưởng chương trình và biết đến Lê Hải Yến là một nữ đạo diễn trẻ đầy đam mê. Phụ nữ làm đạo diễn mà tâm huyết, đam mê như vậy không có nhiều.

Khi được Lê Hải Yến mời làm cố vấn nghệ thuật, đạo diễn ánh sáng cho chương trình nghệ thuật đặc biệt Dòng sông kể chuyện, tôi đọc kịch bản và rất thích. Tôi rất ấn tượng với cách chịu khó nghiên cứu lịch sử, khai thác bề dày văn hóa… của Lê Hải Yến để dựng kịch bản chương trình này.

Tôi cũng muốn được góp phần làm điều gì đó cho thành phố mình gắn bó nhiều năm, nên không có lý do gì để từ chối. Khi nhận lời, tôi cũng không đòi hỏi bất cứ một điều kiện gì hết. Tôi chỉ làm những thứ mà tôi thích và tôi yêu, khi đó thì không cần điều kiện gì cả.

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam kể nhiều ngày xuyên đêm vì Dòng sông kể chuyện - 2

Chương trình có sự tham gia của hơn 700 diễn viên chuyên và không chuyên (Ảnh: Ban Tổ chức).

Vì sân khấu một phần được dựng nổi trên sông và một phần là bến cảng vô cùng đồ sộ với nhiều yếu tố kỹ thuật, công nghệ hiện đại, lượng người tham gia lên đến hàng ngàn. Anh cùng ê-kíp đã gặp những khó khăn, thách thức gì khi thực hiện chương trình?

- Khi bắt tay vào thực hiện, chúng tôi nhận thấy chương trình có quá nhiều thách thức bởi sân khấu hẹp. Hàng ngày người ta vẫn đang khai thác thương mại, không được block để dành riêng cho tập luyện nên cũng gặp cản trở, đặc biệt là con nước của sông Sài Gòn rất "đỏng đảnh".

Nước sông lên xuống ngày hai lần, nhiều khi nước xiết khiến sân khấu trên chiếc sà lan nổi trên mặt sông bị lệch tâm, xê dịch, lại phải điều chỉnh lại…

Khó không có nghĩa là bỏ cuộc. Tôi cùng ê-kíp cố gắng nghĩ ra những phương án khắc phục. Chương trình đồ sộ, nhiều chi tiết, hạng mục… nên càng nhiều vấn đề phải giải quyết. Nhiều hơn rất nhiều so với các show bình thường. Những ngày gần ngày diễn, chúng tôi thường xuyên thức xuyên đêm ở sân khấu để hoàn thiện các hạng mục làm sao cho tốt nhất.

Anh luôn mong muốn làm chương trình đậm chất văn hóa Việt, đưa Việt Nam ra thế giới. Đây cũng là yếu tố khiến anh nhận lời tham gia "Dòng sông kể chuyện"- Signature Show "The Story Of A River". Ở góc độ của anh, anh đánh giá chương trình đã chuyển tải được tốt những thông điệp về lịch sử, văn hóa, bản sắc của TP Hồ Chí Minh như mong muốn chưa? Có đủ sức hấp dẫn du khách khi muốn tìm hiểu về TPHCM không?

- Bởi vì đến thời điểm hiện tại chương trình chỉ diễn ra một đêm nên rất khó để đo lường về sức hấp dẫn với yếu tố du lịch. Nếu diễn nhiều đêm thì sẽ dễ nhìn nhận hơn.

Ở góc độ cá nhân, tôi chỉ nghĩ tại sao đến giờ TPHCM mới có chương trình như vậy và thấy đây là điều đáng mừng. Mừng bởi hiện giờ đã có chương trình rồi, sẽ đặt nền móng cho những chương trình tiếp theo.

Điều quan trọng nhất của một lễ hội là sự độc đáo, thu hút du khách, lễ hội phải kích cầu du lịch. Điều quan trọng nhất của du lịch chính là điểm đến, lễ hội có tạo thành điểm đến hay không chính là kết quả đo lường.

Có 4 yếu tố làm cho địa phương trở nên khác biệt, đó là: văn hóa, thiên nhiên, lịch sử và tôn giáo. Điểm đến cần ít nhất hai yếu tố, giống như "Dòng sông kể chuyện"- Signature Show "The Story Of A River" sở hữu hai yếu tố lịch sử và văn hóa. Và không phải đạo diễn nào cũng chịu khó đào sâu khai thác những giá trị lịch sử, tìm kiếm bản sắc của địa phương như Lê Hải Yến.

Lịch sử TPHCM luôn có trong sách, ảnh từ lâu, nay được sân khấu hóa, hình tượng hóa đem đến một hướng tiếp cận mới hấp dẫn thông qua đêm nghệ thuật cho khán giả, du khách, giúp họ hiểu và thêm yêu thành phố hoa lệ này.

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam kể nhiều ngày xuyên đêm vì Dòng sông kể chuyện - 3

Hình ảnh của chương trình "Dòng sông kể chuyện" (Ảnh: Ban Tổ chức).

Sau chương trình này anh có dự án nào đặc biệt có thể chia sẻ không?

- Tôi vẫn muốn thực hiện các chương trình đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới. Trước vẫn thích, hiện giờ càng rõ nét hơn. Mình mang văn hóa Việt Nam ra thế giới hoặc thu hút thế giới về Việt Nam thưởng thức, đều có ý nghĩa như vậy.

Đồng thời, tôi muốn đem những công nghệ biểu diễn mới mẻ trên thế giới về với Việt Nam. Xu hướng thế giới hiện giờ xóa nhòa ranh giới của điện ảnh, sân khấu, ca nhạc, hội họa… Tôi muốn bắt đầu từ những việc nhỏ, hướng tới những ý nghĩa lớn lao.

Cảm ơn anh đã chia sẻ!