1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

NSƯT Xuân Bắc: “nếu cha mẹ là vách, là tường thì không thể gồng mình làm tấm gương cho con”

Trường Thịnh Thiên Thiên

(Dân trí) - Chia sẻ ví von nhưng sâu sắc của NSƯT Xuân Bắc khi được hỏi về câu chuyện làm gương cho con, nhân dịp video “Hãy làm tấm gương sáng cho con” trong chuỗi tiểu phẩm giáo dục cộng đồng “Sinh Con, Sinh Cha” ra mắt và được cộng đồng đón nhận tích cực.

Đây là chủ đề được đề cập trong tập 6 của chuỗi tiểu phẩm chương trình “Sinh Con Sinh Cha” - dự án cộng đồng được xây dựng bởi Generali Việt Nam và Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam (BTTEVN) với tài liệu tham khảo từ Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF). NSƯT Xuân Bắc tham gia dàn dựng và diễn xuất với vai trò Đại sứ Thiện chí của Quỹ BTTEVN. Chuỗi videos có nội dung xoay quanh ba chủ đề về phát triển trí tuệ (Cùng con lớn khôn); hành vi (Cùng con hành xử) và sức khỏe (Cùng con sống khỏe) của trẻ từ 0 - 6 tuổi.

Bên lề sự thành công của chuỗi videos, NSƯT Xuân Bắc đã dành thời gian chia sẻ với báo điện tử Dân Trí về các vấn đề thường gặp của cha mẹ hiện đại, đặc biệt là câu chuyện làm tấm gương tốt cho con trẻ - điều mà ông bố này cũng thừa nhận vẫn đang điều chỉnh và cải thiện hằng ngày.

NSƯT Xuân Bắc: “nếu cha mẹ là vách, là tường thì không thể gồng mình làm tấm gương cho con” - 1
NSƯT Xuân Bắc - Đại sứ Thiện chí của Quỹ BTTEVN

PV: Làm gương cho con là câu nói “kinh điển” ở mọi nhà nhưng rất khó để thực hiện một cách xuyên suốt, nhất quán. Là một ông bố khá “mẫu mực”, anh có thể chia sẻ kinh nghiệm để luôn là tấm gương tốt để các con noi theo?

NSƯT Xuân Bắc: Làm gương không phải là chuyện… cố mà được. Bản thân mình phải là cái gương sáng sẵn rồi, con cái mới có thể soi vào. Chứ cha mẹ là vách, là tường, là cánh cửa…, thì cố mấy cũng khó có thể làm một tấm gương. Có nghĩa cha mẹ nếu muốn con học theo những điều tốt thì chính mình phải tu dưỡng những điều tốt đẹp cái đã, để lúc vô thức bộc lộ ra thì vẫn trong như gương, sáng như gương. Như trong video clip, bản thân người bố phải là đứa con hiếu thảo, chăm sóc ông bằng cả tấm lòng thì đứa con trai nhìn vào mới học theo và bắt chước bằng hành động chăm sóc tận tình cho gấu bông. Nếu người bố giả vờ hiếu thảo cho con xem, chỉ có thể giả vờ ngày một ngày hai, sớm muộn cũng “bị lộ”, không những không thể là tấm gương hiếu thuận cho con cái mà còn có thể vô tình “dạy” con thói giả tạo, dối trá.

Dĩ nhiên ở đây khi nói chuyện làm gương, chúng ta đang nói về làm gương tốt. Trên thực tế, không ít thời điểm cha mẹ vô tình là tấm gương xấu cho con. Trong video cũng có đoạn một ông bố khác đi tiểu vào gốc cây, đứa con trai thấy vậy cũng tiểu vào chậu kiểng của bố. Đó là tình huống điển hình phản ánh thực tế: con trẻ chưa có khả năng nhận thức đâu là hành vi phù hợp, nên sẽ có khuynh hướng bắt chước các hành vi con nhìn thấy. Một ông bố hiếu thảo sẽ có nhiều cơ hội nuôi lớn một đứa con hiếu thảo. Một ông bố kém văn minh sẽ dễ tạo ra một công dân nhí kém văn minh. Hiển nhiên không phải tỉ lệ 100%, vì con trẻ không chỉ học ở cha mẹ mà còn học ở trường lớp, ở môi trường xung quanh và bản tính mỗi trẻ mỗi khác. Nhưng ít nhất trong 6 năm đầu đời, cha mẹ là đối tượng mà con tiếp xúc và chịu ảnh hưởng nhiều nhất, cũng như đây là giai đoạn não bộ của con đang học hỏi, ghi nhận mọi thứ nhanh nhất, nên hành vi và cảm xúc của cha mẹ vẫn góp phần quan trọng nhất vào việc hình thành nhân cách của con.

Bản thân tôi cũng chưa bao giờ nghĩ mình phải “gồng mình” sáng để con soi. Tôi chỉ luôn tâm niệm mình cần làm điều đúng đắn, theo nhận thức của mình, và luôn có ý thức mình như thế nào thì con sẽ có khuynh hướng trở nên như vậy để làm động lực tự tu chỉnh mỗi ngày.

PV: Như anh chia sẻ, dù ngày thường làm gương tốt đến đâu, vẫn khó tránh khỏi những lúc cha mẹ vô thức “xả vai”. Anh có từng gặp phải tình huống đó và cách “chữa cháy” như thế nào?

NSƯT Xuân Bắc: Là diễn viên thì có lúc nhập vai – xả vai, khái niệm này dành cho diễn xuất. Còn làm cha mẹ thì từ lúc con mở mắt chào đời đến lúc mình nhắm mắt xuôi tay, không có lúc nào mình “xả vai” làm cha mẹ cả. Chính vì vậy bản thân mình phải là người tốt thì mới có thể làm cha mẹ tốt, chứ không ai có thể “nhập vai” cha mẹ gương mẫu suốt 24/7 trong cả cuộc đời được.

Đã là con người, cha mẹ cũng có những sai lầm con người. Có thể lúc bình thường, mình không hành xử như vậy nhưng sẽ có những thời điểm mình hành xử không giống… mình bình thường. Bản thân tôi cũng mắc phải không ít sai lầm. Sau đó, tôi sẽ nói với con – bằng thái độ chân thành, thẳng thắn, không lấp liếm – rằng bố ân hận về hành động đó, bố đã không kiểm soát được, và bố không muốn con mắc phải lỗi lầm như bố. Tôi muốn con hiểu rằng tôi ý thức được hành động đó là sai, và con không nên làm điều tương tự.

NSƯT Xuân Bắc: “nếu cha mẹ là vách, là tường thì không thể gồng mình làm tấm gương cho con” - 2
Cha mẹ nếu muốn con học theo những điều tốt thì chính mình phải tu dưỡng những điều tốt đẹp trước, để lúc vô thức bộc lộ ra thì vẫn trong như gương, sáng như gương.

PV: Theo quan sát của anh, đâu là thiếu sót/sai lầm cha mẹ Việt thường xuyên mắc phải nhưng lại khó giải quyết nhất?

NSƯT Xuân Bắc: Theo tôi, đó là “thiếu chân thành” và “gồng lên” – choàng cho mình cái vỏ bọc cha mẹ gương mẫu. Nhiều ông bố bà mẹ dạy con bằng những lý lẽ có phần ngụy biện, sáo rỗng, khi con hỏi lại thì… chịu, vì bản thân mình có trải qua, có thực hành những bài học đó đâu. Đến lúc “bí” lại dùng uy lực ba mẹ để đàn áp: “Con nít biết cái gì mà nói!” Một mối quan hệ được xây dựng trên nền tảng thiếu sự chân thành chắc chắn không thể là mối quan hệ lành mạnh và đáng tin cậy.

Nên tôi tâm niệm, làm cha mẹ, trước tiên nên chân thành và thiện chí với con, dạy con bằng những phẩm chất mình thực sự có. Nếu có những phẩm chất mình muốn con có mà bản thân mình không có – như hành xử văn minh nơi công cộng, hiếu thảo, kiên trì… - thì hãy tự học, tự rèn cho có cái đã. Sau đó con trẻ sẽ tự noi theo, cha mẹ sẽ không phải tốn công dạy dỗ hay nhắc nhở.

PV: Trong chuỗi tiểu phẩm của chương trình “Sinh Con, Sinh Cha”, đâu là nội dung anh tâm đắc nhất,vì sao?

NSƯT Xuân Bắc: Tôi không tâm đắc nhất video nào, vì đáng lý nên làm được… một trăm video mới tạm đủ. Để nuôi dưỡng một đứa trẻ, kiến thức – kỹ năng nào cũng quan trọng, từ dinh dưỡng, vệ sinh, bồi dưỡng tâm hồn, thể chất… nên khó chọn được nội dung nào khiến mình tâm đắc nhất.

Tôi chỉ xin chia sẻ thêm về mục tiêu của chuỗi videos. Ví dụ video clip đầu tiên “Dành thời gian chất lượng cho con” , ai cũng biết là nên dành thời gian cho con nhưng đâu phải ai cũng làm được, và thời gian chất lượng lại càng khó. Như nhà tôi chẳng hạn, có những Chủ nhật rất muốn dành thời gian cho con nhưng tôi vẫn phải đi làm. Chia sẻ để các cha mẹ hiểu rằng chúng tôi không kỳ vọng cha mẹ xem hết 12 videos là có thể thực hành theo răm rắp, vì mỗi nhà có điều kiện và hoàn cảnh khác nhau. Quan trọng là, với video đầu tiên, chúng tôi mong muốn vận động cha mẹ cố gắng dành thời gian chất lượng cho con khi có thể. 1 tiếng buổi tối, 15 phút mỗi sáng hoặc bất cứ khi nào bạn sắp xếp được. Quan trọng là thiện chí của bạn, bạn hiểu tầm quan trọng và thật sự muốn dành thời gian chất lượng cho con trong khả năng của mình, chứ không phải nhất định phải dành trọn vẹn cả ngày Chủ nhật cho con mới là ông bố bà mẹ tốt.

Hoặc như clip “Thường xuyên khích lệ, động viên con”, chúng tôi muốn nhấn mạnh những lợi ích của việc động viên, khích lệ con cái trong quá trình phát triển của trẻ. Nhưng cũng cần lưu ý rằng khích lệ giúp tạo thêm động lực cho con. Nhưng khích lệ thái quá, không đúng lúc đúng chỗ lại có thể làm con ảo tưởng về bản thân mình. Đó là những nội dung mà trong khuôn khổ vài phút ngắn ngủi của video, chúng tôi khó có thể truyền đạt hết được.

Tôi chỉ mong nếu có thể, cha mẹ nên xem hết chuỗi 12 videos của “Sinh Con, Sinh Cha’. Có những điều sẽ khiến bạn tự hào vì mình đã làm tốt, cũng có những cái khiến bạn giật mình vì mình làm chưa ổn. Bản thân tôi là người sản xuất, cùng Generali Việt Nam và Quỹ BTTEVN chọn nội dung cho từng tình huống nhưng cũng có nhiều bài học trong đó tôi vẫn đang từng ngày thực hành.

NSƯT Xuân Bắc: “nếu cha mẹ là vách, là tường thì không thể gồng mình làm tấm gương cho con” - 3

NSƯT Xuân Bắc tại sự kiện chương trình “Sinh Con, Sinh Cha” tổ chức tại Bắc Giang.

PV: Qua một số tập đầu tiên của “Sinh Con, Sinh Cha” có thể thấy khán giả - đặc biệt là nhóm các vị phụ huynh - đón nhận các nội dung đưa ra rất tích cực. Anh nghĩ đâu là những yếu tố góp phần vào thành công này?

NSƯT Xuân Bắc: Có một thực tế: ngành nghề nào cũng được đào tạo bài bản, có bằng cấp/chứng chỉ hẳn hoi, riêng “nghề” làm cha mẹ rất quan trọng nhưng chẳng có khóa học nào đào tạo, đa số chúng ta phải “hành nghề” cha mẹ trong tâm thế ngỡ ngàng, gần như “tay không bắt giặc”, chỉ có thứ vũ khí duy nhất là bản năng. Chính vì vậy, thông qua chương trình “Sinh Con, Sinh Cha”, tôi, Quỹ BTTEVN và Generali Việt Nam mong muốn có thể giúp hành trình làm cha mẹ ít nhiều bớt gian nan khi cung cấp một số gợi ý mang tính nền tảng về giáo dục con trẻ trong độ tuổi 0-6.

Chuỗi videos của phiên bản “Sinh Con, Sinh Cha” đầu tiên chưa thể chuyển tải hết tất cả vấn đề thường gặp của cha mẹ có con ở độ tuổi 0-6, nhưng đó là những vấn đề được Quỹ BTTEVN và các chuyên gia ghi nhận là phổ biến và nổi cộm. Có thể nhờ nội dung gần gũi, chạm trúng những vấn đề được cha mẹ quan tâm nên nhận được sự đón nhận như hiện nay. Cá nhân tôi rất vui và mong rằng trong thời gian sắp tới có thể được tham gia nhiều hơn vào các dự án giáo dục ý nghĩa với vai trò là Đại sứ thiện chí của Quỹ BTTEVN.

Xin cám ơn NSƯT Xuân Bắc.