Nhiều di sản văn hóa tại TPHCM bị xâm hại nghiêm trọng

Bích Phương

(Dân trí) - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM chỉ đạo ngành di sản văn hóa địa phương tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn trong công tác bảo tồn, khôi phục di sản văn hóa.

Sáng 17/1, Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) TPHCM phối hợp cùng UBND TPHCM tổ chức Hội nghị Triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành di sản văn hóa 2025.

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị của ngành di sản văn hóa TPHCM trình bày tham luận, thảo luận về các nội dung chính, bao gồm: Bảo tồn di tích cách mạng; những vướng mắc trong việc thực hiện quy định pháp luật bảo vệ di sản văn hóa trước hiện trạng xâm hại nghiêm trọng các di sản văn hóa trên địa bàn; hướng bảo vệ, phục hồi lò gốm Hưng Lợi; kết quả bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể (đờn ca tài tử) và một số vướng mắc khác của địa phương.

Nhiều di sản văn hóa tại TPHCM bị xâm hại nghiêm trọng - 1

Phó Giám đốc Sở VH&TT TPHCM Nguyễn Minh Nhựt phát biểu (Ảnh: Bích Phương).

Phó Giám đốc Sở VH&TT Nguyễn Minh Nhựt nhấn mạnh di sản văn hóa là những giá trị tốt đẹp của văn hóa, được truyền từ đời này sang đời khác. Trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, không chỉ thuộc về ngành văn hóa mà còn của toàn dân.

"Phải bảo tồn cho bằng được trước tình trạng xâm hại nghiêm trọng các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn, nếu không chúng ta sẽ có tội với tiền nhân. Nhưng việc bảo tồn, bảo vệ di sản cũng phải làm sao để cân bằng với sự phát triển của xã hội, thời đại mới", ông Minh Nhựt cho hay.

Phó Giám đốc Sở VH&TT cho biết một trong những di sản văn hóa được quan tâm trên địa bàn là nhà cổ dân dụng truyền thống của ông Vương Hồng Sển (phường 14, quận Bình Thạnh). Di sản chưa thể thực hiện công tác tu bổ, phục hồi, trưng bày vì còn vướng khiếu nại, khiếu kiện.

Đại diện Phòng văn hóa thông tin quận Bình Thạnh cho biết nhà cổ của ông Vương Hồng Sển được xếp hạng theo quyết định của UBND TPHCM từ năm 2003. Sau khi có quyết định, công tác phục hồi, tu bổ nhà cổ gặp nhiều vướng mắc về chi phí, quá trình thuyết phục các cá nhân liên quan di dời cũng vướng các khiếu nại, khiếu kiện liên quan việc thừa kế.

Dự kiến sau tháng 3, UBND phường 14 quận Bình Thạnh hoàn tất phương án khắc phục hậu quả đối với tất cả công trình xây dựng trái quy định của Luật Di sản văn hóa, xâm hại nghiêm trọng cảnh quan di tích nhà cổ dân dụng truyền thống của ông Vương Hồng Sển.

Nhiều di sản văn hóa tại TPHCM bị xâm hại nghiêm trọng - 2

Giám đốc Sở VH&TT TPHCM Trần Thế Thuận chia sẻ tại hội nghị (Ảnh: Bích Phương).

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở VH&TT TPHCM Trần Thế Thuận đánh giá công tác bảo tồn di sản văn hóa tại thành phố những năm gần đây có sự chuyển biến tích cực.

"Trước đây mức độ đầu tư công lẫn xã hội hóa cho khối di sản văn hóa lẫn số lượng di tích rất hạn chế. Từ năm 2021 đến nay, ngành di sản đã tích cực thực hiện công tác bảo tồn, hồ sơ xếp hạng di tích... Ý thức xã hội và sự tham gia của cộng đồng về việc bảo vệ, gìn giữ giá trị văn hóa đã được nâng lên", ông Trần Thế Thuận nói.

Chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, ông Trần Thế Thuận nhấn mạnh năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập đất nước.

Giám đốc Sở VH&TT đề nghị các đơn vị ngành di sản văn hóa tập trung thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết của Bộ hôm 18/12/2024. Ngoài ra, ngành di sản văn hóa TPHCM cần bám sát chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TPHCM để quản lý, điều hành một cách chủ động, sáng tạo.

Một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành được Sở VH&TT chỉ đạo bao gồm: Tiếp tục nâng cao công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa; các bảo tàng tập trung công tác chuyên môn, tăng cường công tác chuyển đổi số, nghiên cứu bộ nhận diện thương hiệu mới…

Ông Trần Thế Thuận cũng chỉ đạo các đơn vị ngành kiểm kê thông tin về Đờn ca tài tử, trang phục dân tộc thiểu số, các di sản văn hóa phi vật thể hiện có tại địa phương; phối hợp tham mưu công tác đặt tên đường, đề xuất bổ sung tên nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử vào Ngân hàng tên đường.

Về những vướng mắc, khó khăn, Giám đốc Sở VH&TT yêu cầu ngành tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về nguồn ngân sách, công tác chuyển đổi số trong các bảo tàng...

"Một số địa phương trong công tác quản lý nhà nước về di tích còn thiếu sâu sát, dẫn đến hiện tượng xâm hại nghiêm trọng di tích chưa được khắc phục như trường hợp nhà cổ của ông Vương Hồng Sển, lò gốm cổ Hưng Lợi.

Các di tích lịch sử - văn hóa nhiều nhưng chưa đưa hết vào khai thác phục vụ du lịch. Công tác quảng bá giới thiệu di tích được quan tâm nhưng chưa có chiến lược hiệu quả", ông Trần Thế Thuận nêu.

Kết luận hội nghị, Giám đốc Sở VH&TT cho biết ngành di sản văn hóa thành phố luôn ý thức sâu sắc chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua để đáp ứng công tác bảo tồn cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.