Thứ trưởng Bộ Văn hóa: "Người làm về di sản phải có kiến thức đa ngành"

Lạc Thành

(Dân trí) - Ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL - cho biết, những chuyên gia làm công tác di sản cần thấu hiểu và có kiến thức liên ngành, đa ngành về lĩnh vực mình phụ trách.

Chiều 14/12, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) tổ chức Hội nghị - Hội thảo 65 năm sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.

Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, lịch sử, chuyên gia trong lĩnh vực di sản, văn hóa Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa: Người làm về di sản phải có kiến thức đa ngành - 1

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Khiếu Minh).

Tại sự kiện, ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL - cho biết, từ những văn bản đầu tiên về bảo vệ di sản văn hóa, như Sắc lệnh số 65 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành năm 1945, Pháp lệnh về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh năm 1984, Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009 đến Luật Di sản văn hóa số 45/2024/QH15 vừa được Quốc hội thông qua, công tác thể chế và nhận thức về bảo tồn di sản văn hóa ngày càng được nâng cao, phát triển.

"Quá trình này củng cố niềm tin và giao phó cho chúng ta trách nhiệm lớn lao để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong giai đoạn mới: Gìn giữ bản sắc văn hóa để góp phần phát triển bền vững đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc…", Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định.

Theo ông Hoàng Đạo Cương, người làm công tác về bảo tồn di sản văn hóa đòi hỏi phải có kiến thức đa ngành và liên ngành, như: Lịch sử, khảo cổ học, nhân học, luật học, kiến trúc và mỹ thuật, kỹ thuật chế tác và kỹ thuật xây cất, các bộ môn kỹ thuật và công nghệ khác.

"Không phải ngẫu nhiên mà trong lịch sử bảo tồn và phục hồi di tích trên thế giới có sự tham gia của các nhà khảo cổ học, sử học, triết học cùng với các kiến trúc sư, kỹ sư và họa sĩ… Cần thấu hiểu di sản, nỗ lực ứng xử với chúng trên nền tảng tiếp cận văn hóa", Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa - thông tin, hiện nay, trên cả nước có hơn 40.000 di tích và khoảng gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê.

Trong đó có 34 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh (gồm 8 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 16 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và 10 di sản tư liệu được chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO ghi danh); 138 di tích Quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng, 3.653 di tích Quốc gia…

Toàn quốc có 203 bảo tàng gồm 127 bảo tàng công lập và 76 bảo tàng ngoài công lập, lưu giữ và trưng bày trên 4 triệu tài liệu hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập, hiện vật đặc biệt quý hiếm.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa: Người làm về di sản phải có kiến thức đa ngành - 2

Bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Ảnh: Khiếu Minh).

"Di sản văn hóa đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương và vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật, trên con đường phát triển, chúng ta cần phải nhận diện được một số khó khăn, thách thức để cùng vượt qua", Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền khẳng định.

Tại hội nghị, các nhà khoa học, chuyên gia nhận định, cơ chế chính sách cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cần hoàn thiện; nhận thức xã hội về di sản văn hóa vẫn chưa đúng mức; nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để đáp ứng nhu cầu thực tế chưa tương xứng.

Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số, việc quản lý, phát huy di sản văn hóa gặp không ít thách thức.

GS.TS Nguyễn Quốc Hùng - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa - cho rằng, cần tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích ở địa phương; tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thời đại 4.0.

Còn theo TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ là rất cần thiết nhưng cũng cần phải lưu ý đến giá trị nguyên gốc, trực quan.

"Cần nghiên cứu việc số hóa đến nơi đến chốn để tránh lãng phí. Việc quan trọng là đào tạo con người để nâng cao trình độ bảo quản, trưng bày hiện vật tại các di tích, bảo tàng cũng như bảo tồn các loại hình di sản khác", TS Lê Thị Minh Lý bày tỏ.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa: Người làm về di sản phải có kiến thức đa ngành - 3

Du khách trải nghiệm công nghệ thực tế ảo khi tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Ảnh: Hoàng Lân).

Hội nghị - Hội thảo 65 năm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa không chỉ là cột mốc kỷ niệm mà còn khẳng định vai trò trung tâm của di sản trong phát triển bền vững và giữ gìn bản sắc dân tộc.

Với những định hướng rõ ràng, ngành di sản văn hóa hứa hẹn tiếp tục là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.