Nhạc sĩ Hoàng Hiệp không yêu ai ngoài vợ

(Dân trí) - Là nhạc sĩ với trái tim đa cảm nhưng Hoàng Hiệp chỉ có duy nhất một mối tình mấy mươi năm vẫn chưa ngả màu xưa cũ. Giờ nằm trên giường bệnh, những lúc mê man, tác giả “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây” vẫn gọi tên người vợ, nghệ sĩ sân khấu Diễn Lan.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp không yêu ai ngoài vợ - 1
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp (Ảnh: S.T)
 
Nếu như nhắc đến các sáng tác của Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn… người ta không thể không nói đến các “bóng hồng” đã trở thành giai thoại. Nhưng với trường hợp của Hoàng Hiệp thì hoàn toàn ngược lại. Ông sáng tác nhiều về tình yêu nhưng nhưng với hình ảnh người con gái Việt Nam nữ tính, dịu dàng nói chung chứ không có bóng dáng bóng hồng cụ thể. Mà nếu có thì đó là bóng dáng về người phụ nữ đã đi cùng ông suốt cả cuộc đời, đó là người vợ hiền, nghệ sĩ sân khấu Diễn Lan.

“Vâng, tôi yêu rất nhiều. Những cô gái tôi yêu đều có bóng dáng trong cô gái Hà Nội đang ngồi cạnh”, nhạc sĩ gốc An Giang trả lời trong một buổi phỏng vấn bên cạnh người vợ.

Mối tình ấy được kể lại rõ nét nhất trong ca khúc có thể nói là một trong những ca khúc hay nhất về Hà Nội, Nhớ về Hà Nội: “Nhớ từng con phố thâm nghiêm, với những đêm hoa sữa thơm nồng. Nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya, bước chân năm tháng đi về...”

“Đó là âm thanh quen thuộc mà mỗi sáng Chủ nhật bà ấy bế con lên xe điện ra phố Thụy Khuê, ra đường Cổ Ngư. Giữa tiếng đạn bom mà em vẫn đạp xe ra phố, anh vẫn tìm âm thanh mới... Đó là mối tình của tôi với bà ấy”, Hoàng Hiệp thổ lộ.

Bạn bè thân thiết của tác giả Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Lá Đỏ, Câu hò bên bờ Hiền Lương… cũng chỉ biết mỗi một mối tình của ông với người vợ đầu gối tay ấp. Nhạc sĩ Hồng Đăng, người bạn thân thiết của Hoàng Hiệp nhận xét: “Hoàng Hiệp không có tình yêu nào ngoài tình yêu của vợ!”
 
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp không yêu ai ngoài vợ - 2
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp được vợ hướng dẫn điều khiển xe lăn điện (Ảnh: Thanh Phúc)

Chính con trai nhạc sĩ Hoàng Hiệp, anh Lưu Hà Xuyên kể rằng ông chỉ có một tình yêu khác ngoài vợ, đó là… yêu cây! Hoàng Hiệp rất thích trồng cây, nuôi chim, cá. Là nhạc sĩ, nhưng ông rất ít đi nhậu nhẹt, cứ hết việc cơ quan là về nhà vì ở nhà có một mối tình mấy mươi năm vẫn chưa ngả màu xưa cũ. Giờ đây, nằm trên giường bệnh, có những lúc mê man, ông vẫn thường xuyên gọi tên người con gái Hà Nội năm xưa, luôn túc trực bên cạnh bón từng thìa cháo cho chồng.

Và gần đây nhất, khán giả yêu nhạc bắt gặp hình ảnh cảm động về vợ chồng nhạc sĩ Hoàng Hiệp - Diễn Lan trong buổi trao tặng xe lăn điện cho hai nhạc sĩ lão thành: nhạc sĩ Hoàng Hiệp và nhạc sĩ Nguyễn Văng Tý tại TP. HCM. Nghệ sĩ Diễn Lan ân cần hướng dẫn chồng điều khiển chiếc xe lăn điện vừa nhận được. Cả hai vẫn dịu dàng, quấn quýt như thuở còn son trẻ…

Trước tình cảm vợ chồng khăng khít của “người nhạc sĩ chung tình số 1 Việt Nam” cùng sức hút kỳ diệu từ hơn 100 ca khúc, có những ca khúc mà ca từ đã ăn sâu vào tâm thức khán giả của Hoàng Hiệp chính là nguồn cảm xúc để chương trình chân dung số 8 chọn chủ đề Hoàng Hiệp - Nơi gặp gỡ tình yêu. Chương trình được tổ chức đêm duy nhất tại Nhà hát Lớn TP. HCM vào ngày 25/12 với sự tham gia của các giọng ca Ánh Tuyết, Thanh Thúy, Cao Minh, Đức Tuấn… theo chủ đề xuyên suốt là những cảm xúc về tình yêu quê hương - đôi lứa trong sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Hiệp.

Đêm nhạc là cầu nối để gắn kết những tâm hồn yêu mến âm nhạc cùng thăng hoa trong những giai điệu, xúc cảm một thời… Và đối với gia đình Hoàng Hiệp, đêm nhạc còn là lời chúc nhạc sĩ chóng lành bệnh.
 

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, bút danh là Lưu Nguyễn. Ông sinh ngày 01/10/1931 ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, An Giang.
 
Ông bắt đầu sáng tác từ năm 1948. Trong vòng 20 năm sống ở Hà Nội cho đến 1975, ông đã viết hơn 100 bài hát, nhiều bài trong đó là những tiêu biểu cho dòng nhạc cách mạng thời kì chống Mỹ như Lá đỏ, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Cô gái vót chông hay Ngọn đèn đứng gác…
 
Những ca khúc của ông thường mang âm hưởng dân ca, trữ tình, dễ nhớ, dễ xúc động. Ngoài sáng tác ca khúc, Hoàng Hiệp còn viết nhạc cho kịch. Ông còn là dịch giả cuốn Nhạc lý cơ bản của Spasspbine, và là tác giả của nhiều sách giáo khoa âm nhạc.
 
Năm 2000, Hoàng Hiệp được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Câu hò bên bờ Hiền Lương, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Viếng Lăng Bác, Nhớ về Hà Nội.
 

 Thu Nguyễn