Nhạc sĩ, ca sĩ nói gì về “bệnh quên lời”?
(Dân trí) - “Mỗi một ca từ là một giọt máu của người nhạc sỹ. Vậy mà khi lên biểu diễn nhiều ca sỹ lại hát sai lời, quên lời, nhiều khi còn bịa lời! Với tôi, đó là một điều đau đớn”, nhạc sĩ Trần Tiến nói.
Trong một số chương trình âm nhạc lớn gần đây, “bệnh quên lời” có nguy cơ lây lan, truyền nhiễm qua đường… sân khấu đối với không ít ca sỹ. Trong chương trình Con đường âm nhạc “Ngày tháng phiêu bồng” của nhạc sỹ Từ Huy số tháng 5 vừa qua đã có tới 4 ca sỹ hát quên lời, từ diva cho đến các ca sỹ trẻ. Và xung quanh “tai nạn nghề nghiệp” quên lời bài hát của các ca sỹ, có rất nhiều ý kiến trái chiều nhau.
Ca sĩ Hiền Thục: “Chúng tôi không phải là những người máy!”
Đại diện cho bốn ca sỹ hát quên lời hôm đó, ca sỹ Hiền Thục có “giải trình” như sau: “Việc hát lại một ca khúc cũ, đã nổi tiếng, nhưng với bản thân tôi là lần hát đầu tiên, thì đó vẫn được xem như một ca khúc mới. Có những sai sót trong lần biểu diễn đầu tiên là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Tôi có quên lời, nhưng thực ra, tôi không hoàn toàn quên hẳn một đoạn như người ta nói, tôi chỉ đảo lộn một câu của đoạn một xuống đoạn hai mà thôi. Ca sỹ chúng tôi cũng chỉ là những người bình thường, chứ đâu phải là những người máy mà lập trình bao nhiêu thì cho kết quả chính xác bấy nhiêu? Điều quan trọng nhất theo tôi phải là cảm xúc của bài hát.
Nếu người ca sỹ chuyển tải thành công cảm xúc của tác giả, như thế đã có thể cho điểm khá! Mong dư luận hiểu rằng, trước khi tác giả bài hát buồn, dư luận buồn vì chuyện chúng tôi hát sai lời thì chúng tôi đã day dứt, đau khổ với chính mình”.
Ông Lê Ngọc Cường. |
Tôi nghĩ chuyện này cũng nên xem xét trong từng hoàn cảnh cụ thể chứ không nên quy kết cho một cá nhân hay một nguyên do nào. Trong trường hợp, do tâm lý căng thẳng, ca sỹ có thể quên mất một vài từ thì chúng ta cũng nên thông cảm với họ, còn nếu như quên hẳn một đoạn thì… không chấp nhận được!
Là một ca sỹ có đạo đức nghề nghiệp, người ta sẽ biết lên tiếng xin lỗi khán giả về “tai nạn nghề nghiệp” của mình. Còn trong trường hợp đó là lỗi của Ban tổ chức (BTC), Hội đồng Nghệ thuật thì BTC cần phải đứng ra xin lỗi khán giả một cách công khai về việc làm “ẩu” của mình, phải tìm hiểu xem lý do của sự “ẩu” ấy là gì, để từ đó có thái độ làm việc nghiêm túc, cẩn trọng hơn.
|
Mỗi một ca từ là một giọt máu của người nhạc sỹ. Cả đời sáng tác của chúng tôi, đôi khi, chỉ chắt lọc được một từ. Vậy mà nhiều ca sỹ khi lên biểu diễn lại hát sai lời, quên lời, nhiều khi còn bịa lời! Với tôi đó là một điều đau đớn. Bài hát của tôi là “Nhớ chiếc hôn đầu tiên anh chưa dành cho em”, có ca sỹ hát thành “Nhớ chiếc hôn đầu tiên anh không dành cho em”… Chỉ sai một từ, là sai cả nội dung lẫn cảm xúc câu hát! Bản thân những nhạc sỹ chúng tôi không nhớ được hết phần ca từ mình viết, chính vì thế, chúng tôi phải nhờ các ca sỹ biểu diễn hộ, vì nghề của họ là nghề hát.
Tôi còn thấy hiện nay nhiều ca sỹ bị mắc thêm một căn bệnh rất nặng, rất khủng khiếp nữa đó là: Họ mải mê diễn chính bản thân họ chứ không diễn cho bài hát, họ lo thể hiện bản thân, uốn éo sao cho đẹp, tạo dáng sao cho hấp dẫn… chứ không thể hiện cho bài hát, vậy thì, làm sao mà nhớ nổi được ca từ?
Cũng có trường hợp do lên sân khấu quá căng thẳng, sức ép tâm lý khiến ca sỹ hồi hộp mà vô tình quên mất lời. Cũng có thể do cẩu thả. Nhưng, hát không thuộc lời - điều đó thể hiện ca sỹ không tôn trọng tác giả, không tôn trọng khán giả!
Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh. |
Đứng về phương diện người nhạc sỹ sáng tác, khi đã nghe quen một ca khúc nào đó, chúng tôi chú ý đến cảm xúc của bài hát nhiều hơn là việc học thuộc lòng ca từ của các ca sỹ. Mặt khác, khi lên sân khấu, có rất nhiều yếu tố tác động đến tâm lý của ca sỹ. Nên với tôi, việc không nhớ lời ca khúc hoàn toàn có thể thông cảm được, không có gì đáng trách! Điều quan trọng nhất là cảm xúc của bài hát phải được chuyển tải một cách trọn vẹn.
Song Hương