Nhà văn Nguyễn Khắc Trường của "Mảnh đất lắm người nhiều ma" qua đời
(Dân trí) - Xác nhận với phóng viên Dân trí, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - cho biết, tác giả cuốn tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma" vừa qua đời, hưởng thọ 78 tuổi.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Nguyễn Khắc Trường qua đời lúc 11h40 ngày 2/10 tại nhà riêng.
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường là tác giả cuốn tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma. Năm 2001, tác phẩm được chuyển thể thành phim Đất và người, phát sóng trên VTV được nhiều khán giả yêu mến.
Tác phẩm kể về làng Giếng Chùa có hai dòng họ Trịnh và Vũ cùng những oán hận, mưu mô và thù địch nhau. Đó là những con người gia trưởng, phong kiến; những con người luồn cúi, nịnh bợ với mưu mô toan tính và cả câu chuyện về những nạn nhân của việc tranh đấu giữa các thế lực…
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định, Mảnh đất lắm người nhiều ma là tác phẩm đóng đinh vào nền văn học Việt Nam đương đại. Những gì nhà văn Nguyễn Khắc Trường viết trong cuốn tiểu thuyết giống như một lời tiên tri về một thế giới chúng ta đang sống.
"Một thế giới người và ma lẫn lộn. Ma hiện hình trong cả những nơi chúng ta không hề nghĩ tới", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Ông Thiều chia sẻ thêm rằng, nhà văn Nguyễn Khắc Trường có lối sống giản dị, trung thực. "Người ta không tìm được những lời hoa mỹ, sáo mòn của nhà văn Nguyễn Khắc Trường trong cuộc sống hàng ngày. Đúng sai, hay dở, ông luôn rành mạch.
Nhiều lúc, ông như một tảng đá lớn mà khó ai có thể lay chuyển. Nguyễn Khắc Trường là một nhà văn tài năng và nhân cách mà tôi luôn kính trọng", ông nói.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng cho biết, nhà văn Nguyễn Khắc Trường có một bút danh một thời đậm mùi lính tráng là… Thao Trường.
"Cái bút danh ấy dường như khẳng định ông rất yêu đời lính và đời lính tác động sâu sắc đến những năm tháng tuổi trẻ cầm bút. Các tác phẩm sinh ra từ cái bút danh này như: Cửa khẩu, Thác rừng, Miền đất mặt trời... Nhưng bạn đọc nhớ đến Mảnh đất lắm người nhiều ma nhiều hơn.
Các tác phẩm khác của ông đến bây giờ chỉ dành cho những người nghiên cứu văn học, học viên cao học,… thế cũng tròn đầy cho một đời văn", nhà văn Sương Nguyệt Minh tiết lộ.
Theo nhà văn Sương Nguyệt Minh, nhà văn Nguyễn Khắc Trường chưa từng ân hận điều gì trong suốt cuộc đời, sống, làm việc và viết văn của mình.
"Nguyễn Khắc Trường vừa lòng với cuộc sống của mình, vừa lòng với những gì mình làm được, và ông cũng làm tròn phận sự của một người chồng, người cha, người viết văn.
Cố nhà văn cũng vừa lòng với phận sự người lãnh đạo khi là Tổng Biên tập NXB Hội Nhà văn, Phó Tổng biên tập Báo Văn nghệ cũng như khi làm phận sự một người lính, một biên tập viên, một phóng viên. Ông thanh thản và an lành đến cuối đời", nhà văn quê Ninh Bình kể.
Cách đây vài tháng, nhà văn Sương Nguyệt Minh và nhà văn Văn Giá đến thăm nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Ông Sương Nguyệt Minh kể, giá sách của tác giả Mảnh đất lắm người nhiều ma có treo ảnh 2 nhà văn là Sô-lô-khốp (Nga) và Nam Cao.
Trong cuộc trò chuyện với bạn bè, nhà văn Nguyễn Khắc Trường coi cái chết rất nhẹ nhàng. Ông nói: "Tôi tuổi Giáp Thân, con khỉ đấy. Sống dai thế này cũng đã đủ các ông ạ. Sống thêm nữa là chán lắm".
"Sau đó ông Trường cười sảng khoái như "ông chánh tổng làng văn vừa chấm xong mùa vàng văn chương", nhà văn Sương Nguyệt Minh kể thêm.
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường sinh năm 1946, tại Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Năm 1965, ông nhập ngũ, phục vụ trong Quân chủng Phòng không - Không quân. Năm 1979, ông học khóa I, Trường viết văn Nguyễn Du.
Sau khi tốt nghiệp, ông chuyển về làm biên tập viên văn xuôi tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1993 ông chuyển ngành với quân hàm Trung tá, về công tác tại tổ văn xuôi của báo Văn nghệ rồi làm Phó Tổng biên tập Báo Văn nghệ.
Năm 2003, ông chuyển sang làm Phó giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội nhà văn đến năm 2009 thì nghỉ hưu, chuyển sang làm Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII (2010-2015).
Ông có các tác phẩm tiêu biểu như: Cửa khẩu, Thác rừng, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Miền đất mặt trời...
Ông từng đạt giải thưởng tại cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ và Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1986 với tác phẩm Gặp lại anh hùng Núp.
Năm 1991, tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của ông được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.
Ông từng nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học và nghệ thuật năm 2007.