Nét đẹp quê hương và thiên nhiên qua "Ngàn mùa hoa" của cố nhà văn Băng Sơn

Viên Minh

(Dân trí) - Với mong muốn giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn mỗi khi muốn bày tỏ suy nghĩ, tình cảm của mình, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam giới thiệu cuốn sách "Ngàn mùa hoa" của cố nhà văn Băng Sơn.

Tác phẩm Ngàn mùa hoa của cố nhà văn Băng Sơn, được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành trong tháng 6. Bộ sách gồm 2 cuốn: Ngàn mùa hoa - Nét đẹp quê hương và Ngàn mùa hoa - Nét đẹp thiên nhiên.

Nhà xuất bản giới thiệu Ngàn mùa hoa với 2 phiên bản: đen trắng (đã xuất bản) và in màu (sắp ra mắt).

Phiên bản đen trắng được thiết kế nhỏ nhắn, thuận tiện để bạn đọc cầm theo tranh thủ đọc ở bất cứ đâu.

Với phiên bản màu, khổ lớn, trẻ em sẽ được tiếp cận nhiều hơn với những hình ảnh nông thôn Việt Nam xưa với những gam màu rực rỡ, tươi sáng đẹp mắt.

Nét đẹp quê hương và thiên nhiên qua Ngàn mùa hoa của cố nhà văn Băng Sơn - 1

Bìa sách "Ngàn mùa hoa" (Ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam).

Ngàn mùa hoa khắc họa nét đẹp thiên nhiên, vẻ bình yên của nông thôn xưa. Những gian nhà lợp mái tranh mỗi khi trời mưa thì từng giọt, từng giọt tí tách như đuổi nhau từ mái nhà chạy xuống đất, chiếc cổng nhà bằng tre xanh vì "một số gia đình mở thêm trại, trổ lũy tre thành cái cổng riêng".

Hay chiếc cổng làng rợp bóng "mát rượi vì lũy tre hai bên mọc sát vào vòm cổng" (Trích Cổng làng), những buổi trưa oi ả đám trẻ nằm võng kẽo kẹt nghe đâu đây vọng lại tiếng gà gáy, ...

Ngàn mùa hoa còn là một bức tranh nhiều màu sắc sống động được tác giả phác họa bằng ngôn ngữ trong sáng, giản dị.

Dưới ngòi bút của cố nhà văn Băng Sơn, màu không chỉ là xanh đỏ tím vàng, mỗi màu còn có nhiều thang bậc khác nhau.

"Màu vàng chanh của hoa mướp, hoa cải, màu vàng thư của hoa bí ngô" (Trích Hoa vàng); "Đỏ tía là hoa chuối, Đỏ tươi là hoa vông, hoa gạo. Màu đỏ của hoa hồng có quanh năm... Mùa hè hoa mào gà đỏ đến chói mắt. Hoa lựu như những đốm lửa lập lòe về mùa hè" (Trích Hoa đỏ).

Đôi khi, ngòi bút của tác giả không chỉ vẽ hoa mà còn vẽ cây, vẽ lá dẫu chúng non nớt "chưa đủ màu xanh mà hãy còn hồng hồng như chưa biết cuộc đời làm lá" (Trích Rau láo nháo).

Nét đẹp quê hương và thiên nhiên qua Ngàn mùa hoa của cố nhà văn Băng Sơn - 2

Bìa sách "Ngàn hoa mua - Nét đẹp thiên nhiên" (Ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam).

Dường như, mọi vật qua góc nhìn của ông dẫu rất bình thường, đôi khi tưởng tầm thường, đều trở thành nỗi nhớ, niềm thương của trẻ em khi trở thành người lớn.

Như cây rau sam, rau tập tàng nằm rạp mình trên đất, hay đơn giản những giọt gianh "trông trong vắt" tí tách từ mái nhà tranh làm chỗ nước rơi "lõm sâu xuống, trơ ra vài miếng gạch hồng hồng, vài viên sỏi", mái gianh "lơ xơ lác xác như một mái đầu lười cắt tóc" (Trích Giọt gianh).

Thuở bé bỏng mỗi buổi mẹ đi chợ về ngồi ngóng "cái dáng đi tất tưởi" của mẹ, ngóng cả món quà chợ mẹ cho khi thì cái bánh đa khoai, lúc là cái bánh chưng gù, một xâu hạt mít...

Những món quà tuổi thơ giờ nghĩ lại đó còn là "tình thương yêu vô bờ bến của mẹ dành cho tôi" (Trích Quà chợ).

Nét đẹp quê hương và thiên nhiên qua Ngàn mùa hoa của cố nhà văn Băng Sơn - 3

Bìa sách "Ngàn mua hoa - Nét đẹp quê hương" (Ảnh: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam).

Cố nhà văn Băng Sơn dùng ngôn từ vẽ lên từng cái lá, bông hoa, từng góc vườn, ruộng lúa không chỉ đơn giản muốn lột tả cái đẹp của quê hương, mà còn muốn gửi gắm cả nỗi nhớ niềm thương về một nơi ông đã sinh ra và lớn lên, nơi có những kỷ niệm bên gia đình.

Quê hương là cánh cổng làng ẩn hiện sau lũy tre, là ngôi đình làng "bảy gian hai chái" được "xây gạch vồ, lợp ngói mũi hài, bốn góc gọi là bốn đầu đao cong vút lên, có cái đuôi con chim phượng uốn cong" (Trích Ngôi đình làng).

Quê hương còn là cái nùn rơm bố cầm theo ra đồng, là ổ rơm tắm đủ nắng hè, sưởi ấm cho trẻ vào ngày đông lạnh giá.

Cách nhà văn mô tả rõ nét từng chi tiết giúp thế hệ cũ hoài niệm về một thời chân đất, nền nhà bằng đất nện được trang trí bằng hạt trám xinh, còn thế hệ mới thì tò mò về những vật dụng thời ấy, như cái cối giã gạo, cái nùn rơm, ổ rơm... 

Nét thân thương của làng quê không chỉ ở cỏ cây hoa lá, ở góc vườn nhà hay mái đình cổ kính, nó còn nằm trong những nét truyền thống mà dù ở đâu chúng ta cũng được trải nghiệm, chỉ là mỗi vùng quê sẽ có sắc thái rất riêng.

Trong Tết làng, không khí rộn ràng của những ngày cuối năm hiện lên, vang đâu đây tiếng "lợn kêu eng éc. Ai cũng vội. Hình như Tết đang đuổi phía sau lưng".

Cách nhà văn sử dụng động từ "đuổi" khiến chúng ta tưởng như có một cuộc chạy marathon diễn ra ở đoạn về đích, gay cấn, vội vã và hồi hộp biết bao nhiêu.

Nét đẹp quê hương và thiên nhiên qua Ngàn mùa hoa của cố nhà văn Băng Sơn - 4

Nhà văn Băng Sơn (bên trái) lúc sinh thời (Ảnh: SnowSmiles' Site).

Hơn 100 trang sách, bằng cách sử dụng khéo léo từ tượng thanh, tượng hình, cách mô tả chân thực từng cánh hoa, cọng lá, tác giả đưa độc giả trở về làng quê xưa với đủ âm thanh, hình ảnh và sắc màu sống động.

Độc giả còn được trải nghiệm các phong tục tập quán, nét văn hóa dân gian của dân tộc qua những câu văn xúc tích, ngắn gọn.

"Chúng tôi hi vọng cuốn sách không chỉ gợi cho các bậc phụ huynh nhớ lại một thời tuổi thơ đầy trong sáng, hồn nhiên mà còn góp phần giúp các bạn nhỏ, đặc biệt là học sinh tiểu học, đọc và hiểu hơn vẻ đẹp thiên nhiên đất nước, nét văn hóa truyền thống của quê hương ta", Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cho hay. 

Nhà văn Băng Sơn, tên thật Trần Quang Bốn (1932-2010), quê tỉnh Hà Nam. Ông bắt đầu sống, học tập và làm việc ở Hà Nội từ năm 1947.

Sự nghiệp văn chương của ông khởi nghiệp ở đất Hà Thành từ năm 1949 lúc 17 tuổi (bài thơ đầu tiên đăng trên báo) và đã có rất nhiều bài viết được đăng báo từ thuở đang còn ngồi trên ghế nhà trường.

Vào những năm 70 của thế kỷ 20, Băng Sơn chuyển hướng viết văn. Sau khi thử nghiệm qua nhiều thể loại, ông tập trung vào tùy bút. 

Năm 1997, Nhà xuất bản Thanh Niên xuất bản tùy bút Đường vào Hà Nội của tác giả Băng Sơn, dày 350 trang, bao gồm 40 tùy bút

Ông là nhà văn chuyên viết về Hà Nội và là tác giả của nhiều tập tùy bút, bài văn được yêu thích.

Hàng loạt các tác phẩm viết về Hà Nội của tác giả đã tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả, như: Thú ăn chơi người Hà Nội (4 tập), Dòng sông Hà Nội, Nghìn năm còn lại, Nước Việt hồn tôi, Đường vào Hà Nội, Phập phồng Hà Nội, Hà Nội 36 phố phường...

Nhà văn Băng Sơn được trao tặng giải Hội Nhà văn Việt Nam về thiếu nhi, giải báo Nhi Đồng, giải viết về "Hà Nội nghìn năm" (2 lần); giải thưởng Văn học của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội (2 lần); giải thưởng về Bút ký của Hội Nhà báo Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa.

Năm 2009, ông nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội.