Nhà thiết kế Lê Ngọc Lâm: "Tôi từng xin lỗi Lan Khuê vì bộ váy quá táo bạo"

B.Phương

(Dân trí) - Nhà thiết kế Lê Ngọc Lâm chia sẻ với phóng viên Dân trí về tình bạn cùng Lê Hoàng Phương, sự cố đáng nhớ khi thực hiện trang phục cho Lan Khuê, quan điểm về vẻ đẹp phụ nữ Việt...

Lê Ngọc Lâm được biết đến là nhà thiết kế đứng sau những bộ trang phục ấn tượng của nhiều hoa hậu, á hậu và sao Việt. Trò chuyện với phóng viên Dân trí, anh chia sẻ về hành trình đáng nhớ sau 6 năm vào nghề.

"Lê Hoàng Phương đăng quang, tôi khóc theo cô ấy"

Gần đây, bộ váy dạ hội mà anh thiết kế cho Lê Hoàng Phương khi đăng quang Miss Grand Vietnam 2023 nhận được nhiều sự quan tâm. Quá trình thực hiện diễn ra như thế nào? 

- Thực ra ban đầu tôi có phương án khác, còn chiếc váy đó tôi chỉ làm ngẫu nhiên cho Phương chụp hình làm hồ sơ gửi Ban Tổ chức. Tuy nhiên, khi Phương mặc bộ váy từ phòng trang điểm bước ra, tôi và cộng sự đã nổi da gà vì cô ấy quá tỏa sáng.

Do đó, chúng tôi quyết định "để dành" chiếc váy cho chặng sau của cuộc thi, làm phương án dự phòng nếu như những bộ váy khác gặp trục trặc.

Đến trước thềm chung kết, khi chúng tôi chưa biết nên chọn phương án nào thì Phương nói với tôi rằng bộ váy ánh bạc đó khiến cô ấy tự tin, thoải mái nhất. Tôi thậm chí còn hỏi lại "em đã nghĩ kỹ chưa?" (cười).

May mắn mọi thứ đã thành công. Sự thể hiện của Hoàng Phương rất tốt. Bộ đầm này là sự pha trộn giữa trắng và bạc nên rất sáng sân khấu. 

Nhà thiết kế Lê Ngọc Lâm: Tôi từng xin lỗi Lan Khuê vì bộ váy quá táo bạo - 1

Lê Hoàng Phương diện đầm do Lê Ngọc Lâm thiết kế tại chung kết Miss Grand Vietnam 2023 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Vì sao anh có sự ưu ái dành cho Lê Hoàng Phương?

- Tôi đã làm việc với cô ấy từ năm 2019, thấy được quá trình đi thi, thấy những lần vấp ngã, chứng kiến những lần cô ấy bị chê ứng xử yếu. Hành trình đó có những khó khăn mà mọi người không thể nào biết được.

Khi Phương đăng quang Miss Grand Vietnam 2023, cô ấy khóc và chúng tôi ngồi dưới khán đài cũng khóc theo (cười). 

Theo nghề thiết kế 6 năm, ai là mỹ nhân có tỷ lệ hình thể đẹp nhất đối với anh? 

- Tôi thích nhất vóc dáng của Tiểu Vy. Cô ấy có tỷ lệ khung xương đẹp, chiều cao vừa phải, không quá cao. Nước da, thần thái của Tiểu Vy cũng rất tôn trang phục.

Nhà thiết kế Lê Ngọc Lâm: Tôi từng xin lỗi Lan Khuê vì bộ váy quá táo bạo - 2

Nhà thiết kế thời trang Lê Ngọc Lâm (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Còn "nàng thơ" của Lê Ngọc Lâm sẽ là…?

- Có lẽ là Lương Thùy Linh. Lần đầu gặp Linh ở Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019, tôi đã ấn tượng vì bạn là người cao nhất trong các thí sinh, có nét thu hút đặc biệt. Tôi chọn cho Linh chiếc váy tôi thích nhất và không ngờ sau đó Linh cũng đăng quang.

Sau này, mỗi lần làm việc với Linh, tôi không cần lấy lại số đo. Tôi yêu quý Linh và cảm thấy bạn rất hợp với hình ảnh, phong cách thời trang mà tôi hướng tới.

Khi thiết kế trang phục cho phái nữ, anh quan tâm nhất điều gì?

- Phụ nữ thường có khuyết điểm về khung xương, phần hông hoặc bắp tay to. Tôi sử dụng một số kỹ thuật trong ngành may để che bớt những khuyết điểm đó, làm sao để tổng thể không quá chênh lệch, giúp các cô gái mặc đẹp hơn.

"Tôi từng nhắn tin xin lỗi Lan Khuê"

Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TPHCM, cơ duyên nào khiến Lê Ngọc Lâm theo nghề này?

- Tôi học chuyên ngành thiết kế thời trang nhưng chưa bao giờ nghĩ sẽ trở thành nhà thiết kế. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng học xong sẽ đi làm công ty bình thường. Sau đó, số phận đưa đẩy khiến tôi tình cờ tham gia một cuộc thi thiết kế thời trang và nhận ra mình cũng có duyên với giới nghệ sĩ.

Kỷ niệm đáng nhớ thời mới vào nghề của anh?

- Đó là bộ váy tôi thiết kế cho Lan Khuê tại chung kết The Face Vietnam 2016. Mẫu váy này rất táo bạo, giúp Khuê khoe được cá tính cùng đôi chân đẹp.

Nhưng vì thời điểm đó, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm nên phần xẻ chân khá cao. Mặc dù Khuê đã tinh tế chọn quần bảo hộ dày nhưng khi bước đi trên bục sân khấu cao, đã có những góc quay tạo cảm giác hớ hênh. 

Sau chung kết, tôi nhắn tin xin lỗi Khuê vì làm hình ảnh của Khuê bị ảnh hưởng. Cô ấy nói rằng anh em mình đã tính toán kỹ, nhưng vì có những góc quay không lường trước. Đó cũng là một kỷ niệm vui thời thanh xuân mà tôi nhớ mãi.

Đến bây giờ, tôi với Lan Khuê vẫn thân thiết. Khi tôi cần Khuê giúp đỡ, cô ấy không bao giờ từ chối. Tôi cũng thấy may mắn khi mọi mối quan hệ của mình với giới nghệ sĩ luôn duy trì tốt đẹp, từ lúc bắt đầu sự nghiệp đến bây giờ.

Nhà thiết kế Lê Ngọc Lâm: Tôi từng xin lỗi Lan Khuê vì bộ váy quá táo bạo - 3

Lê Ngọc Lâm từng thiết kế trang phục cho Lan Khuê tại chung kết "The Face Vietnam 2016" (Ảnh: Chụp màn hình).

Gia đình có ủng hộ công việc của anh?

- Ba mẹ tôi ở quê làm nghề buôn bán bình thường. Khi tôi lên TPHCM học đại học, ba mẹ chỉ mong tôi có công việc ổn định, tự nuôi sống bản thân. Ba mẹ không ngờ có ngày tôi lại theo nghề thiết kế trong giới giải trí (cười).

Có lần hàng xóm, họ hàng ở quê thấy tôi được lên truyền hình, gọi hỏi ba mẹ tôi. Ba mẹ cũng tự hào khi tôi trưởng thành, làm công việc đàng hoàng. 

Hằng ngày, Lê Ngọc Lâm tìm kiếm cảm hứng sáng tạo ra sao?

- Tôi thích ra ngoài làm việc, ngồi cà phê để thư giãn. Cảm xúc quan trọng lắm. Khi cảm xúc nhiều, mình sẽ làm được nhiều thứ hay ho. Còn khi bị "bí" ý tưởng, tôi sẽ gập máy tính lại, đến thư viện đọc sách hoặc xem triển lãm tranh.

Nhà thiết kế Lê Ngọc Lâm: Tôi từng xin lỗi Lan Khuê vì bộ váy quá táo bạo - 4

Lê Ngọc Lâm trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí (Ảnh: Bích Phương).

Từ một nhà thiết kế trẻ, ít tên tuổi, đến nay Lê Ngọc Lâm đã có vị trí nhất định trong giới. Anh nghĩ gì về bản thân ở hiện tại?

- Thực ra có lúc tôi vẫn nghĩ cuộc sống thử thách mình nhiều quá (cười). Nhưng suy cho cùng, những mong cầu là vô tận. Nếu mình thoải mái, hài lòng với những gì mình đang có thì sẽ tìm được hạnh phúc. 

Tôi rất thích một câu của thiền sư Thích Nhất Hạnh rằng mỗi ngày khi bạn thức dậy, bạn còn được bước ra đường để làm việc, đó đã là điều hạnh phúc rồi. Vậy nên, đừng đặt cho mình những áp lực hay khó chịu, bởi điều đó chỉ khiến mình đi lùi thôi.

Cụ thể, những thử thách, khó khăn đó là gì?

- Làm nghề 6 năm, thiết kế của tôi từng được trình diễn ở các show lớn nhỏ, trong nước lẫn ngoài nước nhưng tôi vẫn chưa thực hiện được show cá nhân để thỏa sức làm những gì mình muốn.

Nhiều lúc, tôi rất bi quan. Tôi từng xin được tài trợ cho show nhưng sau đó kinh tế bước vào giai đoạn suy thoái, nhiều thứ biến động xảy ra và nhà tài trợ không thể đồng hành cùng. 

Có câu nói rằng "nếu càng trông chờ, bạn sẽ càng đẩy điều đó ra xa", anh nghĩ sao?

- Tôi nghĩ đúng. Có những lúc tôi tự thấy mình đi khá chậm so với mọi người. Tôi muốn mình thành công hơn, được công nhận nhiều hơn. Suy cho cùng đều do mong cầu của bản thân.

Tôi tự hối thúc mình đi nhanh hơn nhưng tốc độ đó khiến tôi mệt mỏi. Sau khi đối mặt với nhiều suy nghĩ tiêu cực, tôi đọc sách, nghe podcast để cân bằng lại cảm xúc. Từ đó, cách nhìn nhận cuộc sống cũng khác hơn. 

Nói thì hơi triết lý nhưng tôi ngộ ra mình nên tiếp tục cố gắng và bền bỉ. Một ngày nào đó, thời của mình cũng sẽ đến, dù trễ cũng được, miễn là vẫn đến (cười).

Người ta nói thời trang phản ánh con người. Trang phục nào khiến anh thấy tự tin, thoải mái nhất?

- Áo sơ mi trắng và quần tây. Trước đây, tôi tự ti về cơ thể mình vì vai xuôi, mặc sơ mi không đẹp. Nhưng lần đầu diễn ở show Thời trang và Cuộc sống, khi đứng trên sân khấu, tôi đã mặc áo sơ mi trắng cùng quần tây xám. 

Thực ra, lúc đó tôi không tự tin lắm nhưng đó lại là trang phục thoải mái nhất với tôi. Tôi vốn yêu thích những màu sắc tối giản. Sau này, tôi vẫn nghĩ rằng đến một thời điểm khi được làm show thời trang cá nhân, tôi vẫn sẽ mặc lại trang phục đó vì nó nói lên đúng nhất về con người mình.

Nhà thiết kế Lê Ngọc Lâm: Tôi từng xin lỗi Lan Khuê vì bộ váy quá táo bạo - 5

Ở phong cách đời thường, Lê Ngọc Lâm chuộng trang phục có gam màu trung tính (Ảnh: Facebook nhân vật).

"Tôi tỉnh ngộ sau một câu hỏi"

Những thời điểm khó khăn, ai là chỗ dựa với Lê Ngọc Lâm?

- Là cộng sự của tôi: Hà Thẩm Tiến. Tiến luôn đứng sau, nhìn nhận mọi việc giúp tôi, khuyên tôi thay đổi cái này, cái kia. Tính cách tôi trước đây rất háo thắng. Nhờ Tiến, tôi chậm lại, biết cái mình tốt, cái mình chưa tốt và rút ra bài học sau những vấp ngã.

Cột mốc vừa qua với Lê Hoàng Phương là một thành tựu giúp tôi tự tin hơn, thoải mái hơn.

Làm thời trang không như đi thi hoa hậu. Đăng quang hoa hậu thì chỉ trong một đêm, cả nước biết đến mình. Còn ngành thiết kế cần sự kiên trì. Qua từng bộ sưu tập, mình phải biết mình muốn truyền tải điều gì, định hình bản thân ra sao trong nghề.

Nét khác biệt về phong cách Lê Ngọc Lâm so với những nhà mốt khác là gì? 

- Trang phục của tôi chủ yếu nghiêng về sự nữ tính. Người mẫu của tôi phải có "tính nữ" và một chút cổ điển. Nếu để ý, bạn sẽ thấy những bộ đồ của tôi luôn có sự nhẹ nhàng, thanh lịch và không quá gợi cảm.

Tôi thích hình ảnh phụ nữ Việt Nam e ấp, ý nhị nhưng vẫn sang trọng, không cần quá hở hang mà vẫn thu hút.

Nhà thiết kế Lê Ngọc Lâm: Tôi từng xin lỗi Lan Khuê vì bộ váy quá táo bạo - 6

Lê Ngọc Lâm làm việc với nhiều hoa hậu, á hậu Việt (Ảnh: Facebook nhân vật).

Mất bao lâu để anh tìm được bản sắc của mình?

- Một thời gian khá dài (cười). Thời đi học, tôi nổi loạn lắm. Tôi thích Lady Gaga, Alexander McQueen, thích những kiểu dáng bất đối xứng, phá cách và bắt mắt. Tôi không bao giờ nghĩ mình có thể thiết kế trang phục nữ tính, nhẹ nhàng như hiện tại. 

Khi ra trường và đi làm, tiếp xúc với phụ nữ trong ngành thời trang, tôi nhận ra có những trang phục rất đẹp, rất cá tính, nhưng chỉ hợp trên sàn diễn. Còn lại, 99% phụ nữ Việt Nam thích phong cách nhẹ nhàng, tối giản.

Làm sao để anh thay đổi tư duy thiết kế?

- Thời mới vào nghề, tôi tham gia một cuộc thi có chị Phương My (nhà thiết kế Phương My - PV) cùng các giám khảo nước ngoài. Tôi đi được tới vòng cuối cùng, là vòng loại chọn ra 1 thí sinh để thi quốc tế.

Tôi rất tự hào vì mình làm việc với nhiều nghệ sĩ ở Việt Nam, trang phục của mình cũng bay bổng, cá tính. Lần đó, thiết kế của tôi lấy cảm hứng từ mặt nạ tuồng cổ truyền thống và được khen về ý tưởng.

Nhưng chị Phương My nói một câu mà tôi nhớ như in: "Em làm đồ này cho ai mặc?". Khi tôi đáp rằng tôi thiết kế trang phục này cho giới nghệ sĩ, chị Phương My nói: "Vậy em bán trang phục cho ai?". Tôi không trả lời được câu hỏi này.

Chị nói tiếp: "Nghệ sĩ chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số phụ nữ ở Việt Nam. Em có nghĩ rằng em sẽ "đủ sống" nếu bán sản phẩm này và duy trì đam mê của mình hay không?".

Nghe đến đây, tôi như "tỉnh" ra. Bài học này giúp tôi nhìn nhận lại tư duy về thời trang. Tôi giảm bớt sự bay bổng, nổi loạn, thay vào đó là tính ứng dụng cao trong thiết kế để ai cũng có thể mặc ra đường. Thời trang cần được sử dụng, chứ không chỉ là để treo trên móc trưng bày hoặc trình diễn trên sân khấu.

Có hay không việc cạnh tranh gay gắt giữa các nhà thiết kế Việt Nam?

- Tôi khá thân với các anh trong nghề như anh Lê Thanh Hòa, Đỗ Long… Tôi nhìn vào tấm gương của các anh và biết họ đã cố gắng rất nhiều để có được vị trí hiện tại. 

Thực ra, chúng tôi không giành giật mối quan hệ, khách hàng của nhau mà cạnh tranh rất lành mạnh, thoải mái. Điều quan trọng là mình cung cấp sản phẩm chất lượng. Làm được trang phục đẹp, tự nhiên sẽ có người tìm đến mình.

Nhà thiết kế Lê Ngọc Lâm: Tôi từng xin lỗi Lan Khuê vì bộ váy quá táo bạo - 7

Nhà thiết kế 9X chăm chú thực hiện sản phẩm (Ảnh: Facebook nhân vật).

Người ta nói rằng nhà thiết kế cần nghiên cứu xu hướng thế giới nhưng việc học hỏi sẽ dễ dẫn đến "đạo nhái", trùng lặp ý tưởng. Anh nghĩ sao?

- Thời trang thế giới đi xa hơn Việt Nam một quãng rất dài nên chúng tôi luôn phải cập nhật những xu hướng mới nhất. Mỗi năm, các tuần lễ thời trang thế giới luôn có 2 mùa, xuân hè và thu đông. Ở đó, các nhà mốt quốc tế sẽ có những chi tiết, kiểu dáng mới mẻ, thú vị. 

Khi tham khảo nhiều xu hướng thế giới, chắc chắn mình sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng tôi không bao giờ sao chép một thiết kế của nước ngoài mà tôi học hỏi, cộng hưởng những cái hay của họ như đường cắt, họa tiết và biến hóa làm sao để phù hợp phong cách của mình, của người Việt Nam.

Như vậy mới tạo nên sản phẩm nắm bắt xu hướng mà vẫn có dấu ấn riêng.

Nếu vướng tranh cãi, bị cho là sao chép ý tưởng, anh sẽ làm gì?

- Nếu rơi vào tình huống đó, tôi sẽ cho khán giả thấy cảm hứng thiết kế, ý tưởng của mình xuất phát từ đâu. Ngoài ra, cũng cần chứng minh được quá trình sáng tạo, sự đầu tư của bản thân. Như vậy sẽ giúp mọi người hiểu hơn cách mình làm việc. 

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Lê Ngọc Lâm sinh năm 1990, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TPHCM. Năm 2015, anh đoạt giải Nhì cuộc thi Aquafina Pure Fashion, giải Nhì Triumph Inspiration Award. Năm 2017, anh đảm nhiệm vai trò giám khảo tại Miss Grand Japan.

Bên cạnh công việc thiết kế, Lê Ngọc Lâm còn là giảng viên hướng dẫn đề tài tốt nghiệp cho sinh viên Đại học Hutech (TPHCM).