Nguyễn Thùy Dương sẵn sàng đầu tư hàng chục tỷ để lan tỏa cảm xúc âm nhạc
(Dân trí) - Ông Nguyễn Thùy Dương - Chủ tịch IB Group, người đứng sau thành công của những chuỗi live concert đình đám Việt Nam cho biết, kinh doanh nghệ thuật là cuộc chơi mạo hiểm, có thể mất hàng tỷ đồng sau một đêm.
Thị trường âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội, những ngày gần cuối năm ngày càng sôi động với các chương trình, sự kiện. Theo ông, mọi thứ đã trở lại như trước khi diễn ra Covid-19?
- Covid-19 đóng băng thị trường giải trí và đặc biệt các hoạt động âm nhạc trực tiếp trong mấy năm qua. Có lẽ sức nén của thị trường được bung tỏa khi cuộc sống trở lại bình thường. Khán giả đã chờ đợi quá lâu để được thưởng thức những món ăn tinh thần mà họ yêu thích.
Mới đây, "Người Tình in Concert 2 - Bằng Kiều ft Người tình", đêm nhạc do IB Group Việt Nam sản xuất - tuyên bố cháy vé trước khi diễn ra 2 tuần. Là người đứng đầu IB Group Việt Nam, ông có bí quyết gì để hấp dẫn khán giả như vậy?
- Thực sự không có bí quyết gì đặc biệt. Tôi cho rằng, khán giả, đối tác dành niềm tin yêu cho các sản phẩm âm nhạc do IBgroup Việt Nam sản xuất là bởi chúng tôi luôn lắng nghe và thấu hiểu những gì người yêu nhạc mong muốn.
Đêm nhạc "Người tình in concert 2", phần âm nhạc rất được chú trọng với sự trình diễn của band Hoài Sa. Anh nghĩ thế nào về vai trò của dàn nhạc, ca sĩ, nhạc sĩ?
- Có lẽ cách nhìn và đánh giá ca sĩ luôn là nhân vật chính của sân khấu cũng hợp lý khi ca sĩ hát trên nền nhạc beat (nhạc đã được thu âm trước), nhưng với sân khấu trình diễn mà ca sĩ hát với cùng dàn nhạc (live band) thì vai trò của dàn nhạc và đặc biệt của nhạc sĩ chịu trách nhiệm hòa âm và phối khí cho bài hát rất quan trọng. Điều này làm cho ca sĩ được thăng hoa. Vậy nên, với một đêm live concert thì vai trò của nhạc sĩ và ca sĩ đều quan trọng. Để truyền cảm hứng cho nghệ sĩ lại chính là hệ thống âm thanh cùng kỹ sư điều khiển âm thanh, đó là yếu tố cuối cùng để quyết định cho phần nghe. Tất cả là sự kết hợp không thể thiếu được.
Đầu tư mang đến một chất lượng âm thanh hoàn hảo nhất, chính là một trong những yếu tố làm nên thành công của "Người tình in concert 2".
Trước đó, "Người tình in Concert 1" với nhân vật chính Lệ Quyên cũng thành công, dù trong giai đoạn thị trường âm nhạc đang đầy thử thách. Ông đã giải bài toán khó này như thế nào?
- Đây là khoảnh khắc của những ngày tháng làm nghề thật gian nan, nhưng với những sẻ chia, đồng lòng của các nghệ sĩ, đối tác, đặc biệt là niềm tin yêu của khán giả dành cho "Người tình in concert số 1", IB Group Việt Nam quyết tâm thực hiện chương trình bằng được. "Người tình in concert số 1" mà Lệ Quyên là nhân vật chính đã mở màn cho chuỗi âm nhạc mới này của IB Group Việt Nam.
Là một người kinh doanh nghệ thuật, ông cân bằng các yếu tố thế nào để lợi nhuận không át đi âm nhạc và ngược lại, không phải "bán nhà" vì "nàng thơ"?
- Một câu hỏi rất thú vị. Tôi là một người làm quản lý, không phải là người sáng tác âm nhạc bởi vậy những chuỗi concert của các huyền thoại âm nhạc thế giới cũng như Việt Nam đều là sản phẩm đặc biệt được chúng tôi hình thành trên đánh giá về nhu cầu và thị hiếu của thị trường trước khi đưa ra ý tưởng và sản xuất.
Tất nhiên việc kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh nghệ thuật, không tránh khỏi những yếu tố may rủi. Tôi sẵn sàng chấp nhận đầu tư phát sinh tiền tỷ cho 1 show để thanh âm cũng như sắc màu đạt chuẩn, lan tỏa cảm xúc tới khán giả.
Các liveshow của IB Group Việt Nam nếu không phải ca sĩ hàng đầu trong nước, hải ngoại thì là những giọng ca bất hủ đã gắn với một thời thanh xuân của khán giả Việt. Có khi nào ông gặp phải những ca khó, và ông ứng xử thế nào?
- IB Group Việt Nam đã áp dụng các quy trình sản xuất concert quốc tế, đồng thời có sự hợp tác với các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực giải trí và âm nhạc trên thế giới Hiệp hội thu âm Hoa Kỳ, Universal Music...) bởi vậy chúng tôi đủ điều kiện để đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất của các ngôi sao âm nhạc thế giới.
Theo ông, các nhà sản xuất chương trình nghệ thuật Việt Nam còn gặp những khó khăn gì và nên làm thế nào để ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn?
- Việt Nam thiếu cơ sở vật chất, ngay tại Hà Nội và TPHCM chưa có được một địa điểm đáp ứng tiêu chuẩn cho những buổi biểu diễn âm nhạc đạt chuẩn quốc tế. Thị trường chưa được phân định rõ ràng cho từng loại hình sản phẩm âm nhạc.
Việt Nam cần có một lộ trình để hình thành một nền công nghiệp giải trí, trong đó âm nhạc là tiên phong. Về năng lực sản xuất thì phần lớn các nhà sản xuất dùng bằng kinh nghiệm chứ chưa có được hệ thống quản lý, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế. Mọi thứ cần có sự vào cuộc của bộ ngành liên quan xây dựng và thúc đẩy để Việt Nam sớm có được ngành công nghiệp giải trí gần nhất như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... chứ chưa nói đến Mỹ, Anh - những nước có nền công nghiệp giải trí hàng đầu thế giới. Chính những yếu tố đó làm hạn chế việc đưa các concert lớn của thế giới đến với thị trường Việt Nam.