“Mười năm sau áo bay đường chiều…”

(Dân trí) - Đã 10 năm sau ngày Trịnh Công Sơn mất. 10 năm cuộc sống hối hả đổi thay. 10 năm đủ để làm mới một cuộc đời, đủ để phôi pha một quá vãng nhưng, giữa những đổi thay hối hả, người ta vẫn hát, vẫn kể cho nhau những câu chuyện cuộc đời về Trịnh.

10 năm đã trôi qua kể từ ngày Trịnh Công Sơn mất.  

10 năm cho mọi thứ đổi thay chóng mặt. Cuộc sống hối hả thổi vào âm nhạc những luồng sinh khí mới. Năm 2001, khán giả yêu nhạc ngày ấy có được chiếc đài đĩa để nghe CD in lậu đã là “tươm” lắm. Năm 2011, âm nhạc đã số hóa. Nhạc trực tuyến phát triển vượt bậc. Âm nhạc phục vụ tận tình từng cá nhân từ truyền hình, băng đĩa đến Internet trên từng bàn làm việc, nếu muốn, bạn có thể nghe nhạc cả ngày với đủ thể loại. 

Năm 2001, khán giả phải đợi rất lâu những thông tin về dự án âm nhạc mới của Hồng Nhung, Thanh Lam, Trần Thu Hà. Bởi thế, mỗi album mới ra đời đều được chào đón. Năm 2010, album âm nhạc ra nhiều không đếm xuể, nhiều đến mức bão hòa. Thị trường âm nhạc sôi động với hàng trăm ngôi sao đủ mọi lứa tuổi, đủ phong cách, đủ “chiêu bài” tạo scandal, đủ các “công thức” đánh bóng tên tuổi. 

Năm 2001, thẩm mỹ âm nhạc của khán giả hướng về dòng nhạc chính thống, những ca khúc được yêu mến là ca khúc có ca từ hay, có giai điệu đẹp. Năm 2011, âm nhạc bùng nổ với đa dạng các thể loại, phong phú các cách đặt ca từ và hỗn loạn các phong cách trình diễn. Có thể nhìn thấy sức ảnh hưởng mãnh liệt từ âm nhạc thế giới vào thị trường âm nhạc Việt Nam. R&B, Hip Hop, Jazz, Funk Jazz… những thể loại âm nhạc hiện đại chảy tràn trong các ca khúc mới. Ca sỹ trẻ nhiều như “nấm mọc sau mưa”, họ không chỉ giỏi trong việc hát những ca khúc nhảm nhí, còn biết trình diễn vũ đạo sexy, còn biết ăn mặc đầy sức hút… 
 
“Mười năm sau áo bay đường chiều…” - 1

10 năm đã trôi qua. 10 năm đủ để tất cả những gì xưa cũ trở nên mới mẻ. 10 năm cho tất cả những gì mới mẻ trở nên xưa cũ. 

Bống của ngày xưa đã đi tìm cho mình một hình ảnh mới sau ngày Trịnh mất. Không chỉ có những thay đổi về ngoại hình, Hồng Nhung còn tìm thấy cho mình một Khu vườn yên tĩnh trong veo, tươi mới với Quốc Trung. Bống bây giờ hát về nhạc Trịnh như hát về kỷ niệm, như hát về một quá khứ đã xa với nhiều hoài niệm. Trong 10 năm, khán giả đã thấy Hồng Nhung loay hoay đi tìm cho mình con đường mới. Sự tươi mới của Hồng Nhung thể hiện rất rõ trong Khu vườn yên tĩnh, Khi ta cần nhau, chị còn hát funk jazz đầy say mê với Phố cổ của Nguyễn Duy Hùng… 

Trong 10 năm, đã có những người mới đến, tập tành, thử sức với nhạc Trịnh. Cách họ hát đã làm nên những cuộc tranh cãi nảy lửa. Những người coi nhạc Trịnh là thánh đường đã tẩy chay mọi sự sáng tạo lòe loẹt của Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Lam… Khán giả yêu nhạc Trịnh bởi sự giản dị, mộc mạc, và muốn giữ mãi sự mộc mạc, giản dị ấy. 

10 năm cuộc sống hối hả đổi thay nhưng khán giả vẫn nghe, vẫn hát, vẫn kể cho nhau những câu chuyện cuộc đời về Trịnh. Nhạc Trịnh vẫn hiện hữu giữa rock, rock alternative, R&B, hip hop, funk jazz… như một thể loại bất biến của nhạc Việt. Ca sỹ trẻ muốn khẳng định mình, muốn tạo vị thế, muốn khoe giọng vẫn chọn cho mình một ca khúc Trịnh khi được mời diễn trên sân khấu lớn. Những người đang nổi tiếng đình đám, muốn sang hơn, muốn thể hiện sự đa năng sẽ tìm đến nhạc Trịnh để thử sức. Và cũng có những người hát nhạc Trịnh đơn giản vì mến yêu, vì sự nặng lòng, vì những ca khúc giản dị mà day dứt quá đỗi…
 
“Mười năm sau áo bay đường chiều…” - 2
 

Sau 10 năm đã có con đường được đặt tên Trịnh Công Sơn ở Huế. Sau 10 năm, những đêm nhạc bạn bè tưởng nhớ ông khán giả vẫn đến chật kín, vẫn lắng nghe đến lặng người những ca khúc cũ. Vẫn nghe thấm lòng từng chất thơ trong nhạc Trịnh để thấy “đời như gió qua”, để thấy “mười năm sau áo bay đường chiều, bàn chân trên phố xa lạ nhiều, có người lòng như nắng qua đèo”, để hỏi mình, “em còn nhớ hay em đã quên?”… 

*** 

“Tình ngỡ đã phôi pha nhưng tình vẫn còn đầy. Người ngỡ đã đi xa nhưng người vẫn quanh đây”… Viết lại những dòng này của ông sau 10 năm chia tay để thấy ông vẫn ở đây cùng âm nhạc, rất gần, rất giản dị.

 

Hiền Hương