Mối tình vượt thời gian của nhạc sỹ Doãn Nho

Nắm tay nhau hơn nửa thế kỷ, họ vẫn trao gửi những yêu thương như ngày đầu gặp gỡ. Những thăng trầm, thử thách của cuộc đời dường như đều bất lực trước nghĩa phu thê của hai người lính - nghệ sỹ ấy. Nhìn vào họ, người ta có quyền tin tình yêu là có thật.

Tình yêu trong cách trở

 

Tôi được gặp vợ chồng nhạc sỹ Doãn Nho trong lần phỏng vấn ông liên quan đến sự kiện bài hát “Chiếc khăn piêu” đạt giải. Vợ ông - bà Nguyệt Ánh lần nào cũng ngồi tiếp chuyện cùng chồng. Nhìn ông bà dành cho nhau những ánh mắt yêu thương, trìu mến, tôi hiểu rằng ở họ có một tình yêu đã được khẳng định qua nhiều năm tháng. Những dự cảm ấy của tôi đã không sai bởi đã trải qua bao gian khó nhưng họ vẫn đặt trọn niềm tin vào nhau.

 

Bà vốn là cô gái Hà thành cùng được đào tạo với ông trong môi trường quân đội. Được nhiều chàng trai để mắt nhưng dường như vẫn chưa có ai “lọt mắt xanh” cô gái ấy…Cho đến một ngày, bà được nghe nhạc sỹ Doãn Nho trình bày tác phẩm “Sóng cửa Tùng” thì những cảm tình rất trong sáng đã nhen nhóm xuất hiện trong lòng. May mắn là khi ấy, nhạc sỹ Doãn Nho cũng chưa chọn được cô gái nào cho mình.
 
Vợ chồng nghệ sĩ Doãn Nho
Vợ chồng nghệ sĩ Doãn Nho

 

Một người bạn thân của nhạc sỹ Doãn Nho - ông Phạm Thanh Tâm kể về khoảnh khắc mới yêu của hai người: “Vào một buổi trưa hè, tiếng ve ran ran dọc đường Lý Nam Đế. Nho không ngủ, chạy sang buồng tôi - Nho nói nhỏ, đầy sôi nổi: Này, tao yêu rồi đấy nhé, mày biết không?...Thì ra cô nàng đã “yêu vụng giấu thầm” mình từ lâu. Cái nhìn đầu tiên của mình thấy có cảm tình tự lúc nào không rõ - rất giản dị, dễ chịu. Tự nhiên mình muốn gần bởi sự săn sóc một cách tế nhị và kín đáo của nàng. Mình cũng thấy cần săn sóc lại như một nhu cầu. Một tình cảm dịu nhẹ không khoa trương cứ như “mưa dầm thấm lâu” cho tới lúc vắng nhau mình cảm thấy như thiếu một cái gì mà xưa nay mình không hề có, chưa từng biết tới…”.

 

Họ nên vợ, nên chồng trong tình yêu nhẹ nhàng, trong sáng ấy. Bà kể với tôi giọng hơi có phần hờn giận nhưng vẫn đầy sự trìu mến dành cho người bạn đời của mình: “Lấy nhau chẳng được bao lâu thì bác trai đi học bên Nga. Chín năm trời xa cách, hai năm bác trai mới về nhà được một lần. Hồi đó bác vất vả lắm, vừa nuôi con một mình, vừa đi làm. May mà đơn vị có nhà trẻ gần nhà. Những người có người nhà đi nước ngoài thời đó rất khá vì được gửi về bàn là, nồi áp suất….Nhưng bác trai thì chỉ tích tiền để mua sách. Thời đó, thấy bác thui thủi một mình, có nhiều người ve vãn lắm. Nhưng bác chưa bao giờ bị xao lòng. Còn bác trai ở bên kia cũng có rất nhiều cô gái thích. Có những cô còn đến tận nơi sắp xếp quần áo cho…Nhưng bác trai thường kể hết chuyện đó cho vợ nghe. Bác rất tin tưởng vào tình cảm của chồng dành cho mình nên cũng chưa ghen tuông bao giờ”.

 

Nhạc sỹ Doãn Nho cũng nhớ về thời kỳ hai vợ chồng sống trong xa cách: “Là nghệ sỹ sống trong môi trường quân đội nên kỷ luật rất nghiêm. Tôi đi xa nhà chỉ xác định để học tập nên dành thời gian cho việc đó thôi. Cũng có người thích mình nhưng tôi không có tính lăng nhăng nên chỉ hướng tình cảm về vợ con ở nhà”.

 

Cần nhất là sự nhường nhịn

 

Bà kể, sau này khi về nước, chồng mình vẫn được nhiều cô gái yêu thương, mến mộ; có những cô dành cả tiếng đồng hồ gọi điện cho ông. Nhưng dường như ông ít khi để ý đến chuyện đó. Về phần bà, cứ cô nào “có dấu hiệu” như thế, bà thường mời đến nhà ăn cơm trong các dịp đại gia đình hội ngộ. Bà đưa ra quan điểm: “Tôi nghĩ là chẳng cần nặng nề gì, tôi mời họ như những người bạn khác. Khi đến gia đình mình, thấy vợ chồng con cái sum vầy, yêu thương nhau thì họ tự hiểu ra vấn đề và sẽ rút lui thôi”.

 

Những năm tháng sau này, với đồng lương ít ỏi, lại nuôi ba người con ăn học, ông bà sống khá cơ cực. Ngoài đi làm, bà còn đôn đáo chạy chợ để lo cho chồng và các con. Số phận lại thêm một lần thử thách với tình yêu của họ khi bà mắc bệnh hiểm nghèo, phần chết nhiều hơn phần sống.

 

Bà Nguyệt Ánh nhớ lại: “Tôi được kết luận là bị ung thư, bác sỹ bảo cũng chẳng còn nhiều thời gian. Thế nhưng, còn nước còn tát nên cứ nghe ai mách gì là hai vợ chồng lại đi đến đó để chữa. Đi từ Bắc vào Nam, ông ấy đều ở bên cạnh tôi suốt. Hai vợ chồng lang thang khắp nơi. Những bữa cơm thường xuyên chỉ có một quả trứng được hấp lên. Chồng tôi ở bên cạnh chăm sóc tôi suốt mà không bao giờ phàn nàn. Có những cách chữa bệnh rất kỳ cục nhưng ông ấy đã cùng làm để động viên vợ. Bác sỹ có nói rằng tôi còn 6 năm nữa thôi nên đi đâu tôi cũng nhìn thấy số 6 đáng sợ ấy. Xác định trước nên tôi đã lặng lẽ tìm một người thay thế mình để chăm sóc ông ấy khi tôi qua đời”.

 

Có lẽ, trước những tình cảm gắn bó của hai người bạn già ấy, số phận đã không nỡ tước đoạt mạng sống của bà. Sau nhiều năm chạy chữa, bà đã khỏi bệnh, trở lại khỏe mạnh một cách không ngờ.

 

Nói về tình cảm và mối quan hệ vợ chồng, cả ông và bà đều cho rằng cần nhất là sự nhường nhịn lẫn nhau. Nhạc sỹ Doãn Nho chia sẻ: “Vợ chồng nào cũng có lúc cơm không lành, canh không ngọt. Nếu như mọi thứ đều bị thổi phồng, mỗi người chỉ nghĩ đến bản thân mình thì rất nguy hiểm. Vợ chồng cần nhất là hiểu nhau, thông cảm cho nhau. Nếu chỉ vì một sai lầm nhỏ của người kia mà phá bỏ tất cả hay hướng mình ra cuộc sống bên ngoài thì đều là sai lầm. Tôi thấy, ở xã hội ta, nhiều người đang chạy theo xu hướng hiện đại, họ học cách sống của các nước phương Tây nam nữ quan hệ thoải mái; nhiều người bồ bịch… Trong khi đó chính các nước phương Tây lại đang hướng về phương Đông để học hỏi nền tảng về gia đình. Đó là điều đáng suy nghĩ!”.

 

Theo Hoàng Phương

Gia đình & Xã hội