“Minh đạo nhân sinh” - Thay đổi cuộc sống từ những thứ nhỏ nhặt

(Dân trí) - Chúng ta có xu hướng tin rằng để thay đổi thế giới, thay đổi bản thân thì phải nghĩ lớn. Khổng Tử có thể không chống lại quan điểm này nhưng ông cũng nói rằng: “Cũng đừng bỏ qua những điều nhỏ”.

Tái tạo Đạo mỗi giây phút trong đời mình

Ở thời đại của mạng xã hội, người ta nói nhiều về việc phải làm được điều lớn lao, phải sống thật ra trò. Những bài báo về sự thành công to lớn, về cuộc sống xa hoa có sức tác động không nhỏ đến chúng ta. Nếu thành công trong cuộc sống là bức tranh thì nó phải được ghép từ những mảnh nhỏ. Điều hiển nhiên đó hẳn ai cũng hiểu. Nhưng chúng ta phải bắt đầu tìm kiếm sự thay đổi đó từ đâu?

Khi vấn đề #blacklivesmater trở thành tin tức thời sự được cả thế giới quan tâm, sự kiện này lại được bắt đầu từ một hành động nhỏ bé của người thợ may Rosa Parks sinh ra tại Tuskegee vào năm 1955. Vì từ chối không chịu nhường chỗ cho một người da trắng trên xe bus ở Montgomery (theo luật phân biệt chủng tộc của tiểu bang), bà bị bắt. Cộng đồng người da đen ở đây đã phản ứng lại bằng cách tẩy chay không đi xe buýt của thành phố. Từ sự việc này, phong trào đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc lan rộng trên toàn nước Mỹ và cả thế giới đến tận ngày nay.

Muốn chinh phục đỉnh núi, ai cũng phải bắt đầu từ chân núi. Ai cũng biết đến tỉ phú Bill Gates là người sáng lập Microsoft lừng danh nhưng ông thành công chính nhờ bắt đầu bằng niềm yêu thích nhỏ bé khám phá chiếc máy tính để bàn. Từ những ý tưởng đơn giản như thế, ông thay đổi cả ngành IT thế giới. Cuộc sống này nếu chỉ soi chiếu vào thành công của người khác dễ khiến ta choáng ngợp và dễ bỏ cuộc. Đôi khi, sự thất bại đã xuất hiện khi chúng ta bắt đầu những thứ vượt ngoài khả năng cho phép của bản thân. Suy nghĩ lớn không sai nhưng đi từng bước nhỏ đến đích mới quan trọng.

Trong quyển sách “Minh đạo nhân sinh” của Michael Puett và Christine Gross-Loh đã tiếp cận các giá trị triết học Trung Hoa bằng những câu chuyện đơn giản của cuộc sống thường nhật. Quyển sách chỉ ra giáo lý của các nhà hiền triết cổ đại không hề khô khan như nhiều người mặc định, mà nó gắn liền với những hoạt động đời thường mà bạn không để ý.

Các triết gia được nhắc tới trong sách như Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Trang Tử và Tuân Tử đã chỉ ra điểm chung rằng, những thay đổi lớn lao đều có thể bắt đầu bằng những khía cạnh nhỏ nhoi, trần tục của cuộc sống hằng ngày. Không mang tính giáo huấn, những đúc kết của hai tác giả trong “Minh đạo nhân sinh” chỉ muốn nhắc nhở điều chúng ta chưa làm tốt ở vấn đề đang hiện hữu.

Đừng để bị đánh lừa bằng tựa đề quyển sách bởi xuyên suốt trong tác phẩm này, những khía cạnh thiết thực, khả thi của từng tư tưởng triết học được kể ra đầy thuyết phục. Tiêu đề của cuốn sách (tựa gốc: The Path) xuất phát từ một khái niệm mà các triết gia Trung Quốc thường gọi là Đạo. Đạo không phải là một “lý tưởng” để chúng ta gắng sức đi theo, đúng hơn Đạo là con đường mà chúng ta tiến lên liên tục thông qua các lựa chọn, hành động và các mối quan hệ của mình. Chúng ta tái tạo Đạo mỗi giây phút trong đời mình.

“Minh đạo nhân sinh” - Thay đổi cuộc sống từ những thứ nhỏ nhặt - 1

Bạn sống cuộc đời mình như thế nào trong ngày thường?

Chúng ta có thể thấy sách không đưa ra những câu hỏi lớn kiểu như “chúng ta có tự do ý chí không?”, “ý nghĩa của cuộc sống là gì?”... như giáo lý của Khổng Tử được nhắc đến trong sách, “Minh đạo nhân sinh” lại tiếp cận theo hướng ngược lại. Thay vì bắt đầu với những câu hỏi triết học, ông đặt ra câu hỏi nền tảng, sâu sắc như: “Bạn sống cuộc đời mình như thế nào trong ngày thường?”

Bạn không thể biết mọi thứ cuộc đời mình diễn ra tiếp theo như thế nào. Như Khổng Tử đã chỉ ra, “vị tri sinh, yên tri tử” (tức là chưa hiểu được sự sống - sao hiểu được sự chết?). Ông nhấn mạnh rằng chúng ta nên tập trung vào những gì có thể làm, ở đây và ngay lúc này, để khơi lên những điều tốt đẹp nhất từ những người xung quanh.

Vậy nên hãy chú ý đến những điều bình thường nhỏ nhặt đang làm mỗi ngày để xâu chuỗi nó thành kinh nghiệm sống. Những gì bạn biết được về bản thân và những gì khiến bạn phấn khích sẽ không phải là những thứ trừu tượng. Nó sẽ là những kiến thức rất cụ thể sinh ra từ kinh nghiệm thực tế. Dần dần, bạn sẽ mở ra những con đường mà bạn không thể tưởng tượng nổi, trong số đó xuất hiện những lựa chọn mà trước giờ bạn chưa từng thấy. Và dần dần, bạn sẽ thật sự trở thành một người khác.

Quá trình rèn luyện của các nhà tư tưởng được nói đến trong “Minh đạo nhân sinh” đã khiến họ trở nên cực kỳ thực tế và cụ thể. Đó là lý do vì sao khi đặt câu hỏi chất vấn xã hội, họ có xu hướng không tập trung vào những câu hỏi trừu tượng lớn lao, thay vào đó, họ đặt câu hỏi: Vì sao thế giới của chúng ta lại thành ra thế này, chúng ta có thể làm gì để thay đổi nó? Từ những câu hỏi thực tế này mới xuất hiện những khám phá đầy cảm hứng về tiềm năng trở nên tuyệt vời và tốt đẹp của mỗi người.

Còn với mỗi người đọc cuốn sách này, câu trả lời nằm ở việc mài giũa bản năng, rèn luyện cảm xúc và dấn thân vào một quá trình tự tu tự dưỡng không ngừng. Mỗi trải nghiệm cuộc sống đều chứa tư tưởng triết học. Quan sát sự thay đổi nhỏ nhất trong chính mình, lắng nghe ước muốn bản thân là cách bạn hồi đáp lại những lựa chọn phù hợp với mục tiêu cuộc đời của mình.

Đời sống hóa tư tưởng triết lý của các nhà tư tưởng một thời giúp “Minh đạo nhân sinh” dễ tiếp cận người đọc hơn. Qua đó, giúp chúng ta giải phóng góc nhìn, mở ra một kỷ nguyên của vô hạn các khả năng để mỗi chúng ta trở thành con người tốt đẹp hơn, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Như thành ngữ Việt Nam có câu “lấy ngắn nuôi dài”, những thành quả nhỏ nhất cũng thúc đẩy bạn đi đến mục tiêu nhanh hơn, thay đổi cách bạn nhìn nhận khác biệt về đời sống hơn.

 Theo First News

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm