Loạt quyết định gây tranh cãi của bà chủ cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ
(Dân trí) - Tỷ phú người Thái Lan - Anne Jakapong Jakrajutatip trở thành tâm điểm bàn tán của cộng đồng yêu mến cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ khi cấm các Á hậu của cuộc thi này tham dự các đấu trường sắc đẹp khác.
Kể từ khi nắm quyền làm chủ cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, tỷ phú chuyển giới Anne Jakapong Jakrajutatip liên tục đưa ra những quy định gây tranh cãi và tạo nên sự thay đổi đáng kinh ngạc với cuộc thi sắc đẹp có truyền thống lâu đời.
Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) là một cuộc thi sắc đẹp lớn trên thế giới cùng với Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Quốc tế và Hoa hậu Siêu quốc gia. Cuộc thi được bắt đầu vào năm 1952 do công ty quần áo Pacific Mills ở California (Mỹ) sáng lập. Từ tháng 10/2022, bản quyền cuộc thi thuộc về tay tỷ phú chuyển giới người Thái Lan - Anne Jakapong Jakrajutatip.
Mới đây, trong họp báo công bố bản quyền Hoa hậu Hoàn vũ Indonesia diễn ra ở Bali (Indonesia) vào ngày 21/2, bà Anne Jakapong Jakrajutatip nhấn mạnh các cuộc thi cấp quốc gia để tìm đại diện cho Hoa hậu Hoàn vũ không được liên quan đến sân chơi sắc đẹp khác.
Điều này có nghĩa ngoại trừ người đẹp đăng quang tại các cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ cấp quốc gia được phép tham dự Hoa hậu Hoàn vũ, các Á hậu của cuộc thi không được góp mặt tại các đấu trường sắc đẹp khác như Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Quốc tế hay Hoa hậu Hòa bình Thế giới…
"Cuộc thi quốc gia với danh nghĩa sở hữu bản quyền thương hiệu Hoa hậu Hoàn vũ sẽ chỉ cử người chiến thắng dự thi độc quyền", tỷ phú Thái Lan khẳng định.
Trước đây, tại các cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ cấp quốc gia, ba người đẹp đăng quang được cử tham dự các cuộc thi sắc đẹp khác. Tuy nhiên, từ năm 2023, điều này được xem là cấm kị.
Giải thích cho quyết định của mình, bà Anne cho biết, bà mong muốn cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ được xem là sự ưu tiên. Nữ tỷ phú yêu cầu những đơn vị giữ bản quyền tôn trọng giá trị cuộc thi.
Chia sẻ của tỷ phú chuyển giới lập tức gây tranh luận trên mạng xã hội. "Đây là quyết định sai lầm. Hoa hậu Hoàn vũ được biết đến ở Pháp nhờ cuộc thi Hoa hậu Pháp. Nếu đơn vị này mất giấy phép, sẽ chẳng ai còn quan tâm tới cuộc thi cấp quốc tế đó nữa. Châu Âu sẽ mất đi một tiềm năng to lớn", một tài khoản bình luận.
Được biết, cuộc thi Hoa hậu Pháp nắm bản quyền cả Hoa hậu Hoàn vũ và Hoa hậu Thế giới nên Hoa hậu và Á hậu của họ được cử tham dự cả hai đấu trường sắc đẹp này. Cuộc thi hoa hậu ở Nam Phi, Mexico, Peru... cũng áp dụng tương tự.
Hiện tại, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ do tập đoàn truyền thông JKN Global Group của Thái Lan sở hữu sau thương vụ mua bán trị giá gần 15 triệu USD vào tháng 10 năm ngoái. Kể từ khi sở hữu cuộc thi sắc đẹp uy tín và có tiếng vang nhất thế giới, bà Anne liên lục đưa ra những cải tổ.
Trước đó, tỷ phú Anne Jakapong Jakrajutatip thông báo, các quốc gia phải chốt danh sách đại diện tham dự Hoa hậu Hoàn vũ 2023 trước tháng 6/2023. Điều này khiến nhiều quốc gia phản ứng vì họ chưa kịp tổ chức cuộc thi, gặp khó khăn trong việc lựa chọn đại diện.
Ngoài ra, dưới thời bà Anne, từ năm 2023, sân chơi Hoa hậu Hoàn vũ mở rộng đối tượng dự thi gồm thí sinh đã kết hôn, sinh con, chuyển giới đều có quyền tham dự. Đây được xem là thay đổi có tính bước ngoặt với cuộc thi sắc đẹp có tuổi đời hơn 70 năm.
Tháng 1 vừa rồi, tỷ phú chuyển giới người Thái Lan trở thành tâm điểm công kích trên các diễn đàn sắc đẹp khi có những thay đổi được đánh giá mang tính thương mại hóa cuộc thi. Trong đó, đáng chú ý là quyết định thay đổi về đơn vị nắm bản quyền cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ ở các quốc gia.
Nhiều sự cải cách của bà Anne không nhận được sự ủng hộ, trái lại bị khán giả chê đánh mất đi chất sang trọng vốn có của một trong những đấu trường sắc đẹp lớn nhất hành tinh. Một số quốc gia tuyên bố không cử đại diện tham dự Hoa hậu Hoàn vũ 2023 trong khi giám đốc quốc gia của thương hiệu này quyết định từ chức.
Bên cạnh đó, nữ doanh nhân người Thái Lan còn bị chỉ trích vì lạm dụng thương hiệu Hoa hậu Hoàn vũ để lăng xê hình ảnh, sản phẩm cá nhân.
Tại Việt Nam, những thay đổi của thương hiệu Hoa hậu Hoàn vũ đã khiến gương mặt đại diện cho Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2023 có sự thay đổi lớn. Mới đây, công ty Cổ phần Hoàn vũ Sài Gòn (Unicorp) đã mất quyền gửi thí sinh đến Hoa hậu Hoàn vũ sau gần 15 năm gắn bó với thương hiệu Hoa hậu Hoàn vũ.
Từ năm 2008, Unicorp là đơn vị nắm giữ bản quyền đề cử đại diện Việt Nam tham gia Hoa hậu Hoàn vũ. Đại diện Việt Nam tham gia Hoa hậu Hoàn vũ qua các năm gồm Nguyễn Thùy Lâm (2008), Võ Hoàng Yến (2009), Vũ Hoàng My (2011), Diễm Hương (2012), Trương Thị May (2013), Phạm Hương (2015), Lệ Hằng (2016)… Trong đó, Hoa hậu H'Hen Niê (2018) đạt thành tích cao nhất khi lọt Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ. Đại diện gần nhất của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam tại Hoa hậu Hoàn vũ là Ngọc Châu (2022).
Theo thông báo mới nhất, Thảo Nhi Lê - Á hậu 1 của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 sẽ không được tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2023. Nhiều khán giả bày tỏ sự tiếc nuối bởi Thảo Nhi được xem là thí sinh phù hợp với tiêu chí của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ. Gương mặt thay thế cô hiện vẫn là một ẩn số với khán giả.
Theo nguồn tin của Sash Factor, tỷ phú chuyển giới Anne Jakrajutatip và Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ 2022 sẽ tới Việt Nam vào cuối tháng 2 để giải quyết việc đấu thầu bản quyền cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ ở Việt Nam.