1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Lào Cai:

Lễ hội Đền Thượng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Phạm Ngọc Triển

(Dân trí) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa quyết định bổ sung 7 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2022, trong đó có Lễ hội Đền Thượng của thành phố Lào Cai.

Lễ hội Đền Thượng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - 1

Lễ hội Đền Thượng (Lào Cai) là lễ hội dân gian lớn nhất vùng biên giới Tây Bắc vừa được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Ảnh: Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Lào Cai).

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa quyết định bổ sung 7 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2022, trong đó có Lễ hội Đền Thượng, thành phố Lào Cai.

Thành phố biên cương Lào Cai có nhiều ngôi đền được du khách chọn tới chiêm bái, như đền Mẫu, đền Cấm, đền Đôi Cô, đền Quan và đền Thượng.

Trong đó, nổi tiếng nhất là đền Thượng hơn 200 tuổi được xây dựng sát đường biên giới Việt - Trung, nơi đây có cây đa hàng trăm tuổi được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam vinh danh là Cây Di sản Việt Nam.

Theo Bảo tàng tỉnh Lào Cai, Đền Thượng ở thành phố Lào Cai thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn - người có công lớn, chỉ huy đánh thắng giặc Nguyên - Mông thế kỷ XV và từ lâu được tôn vinh là Đức Thánh Trần.

Ngày Rằm tháng Giêng hằng năm, Lễ hội xuân đền Thượng được thành phố Lào Cai tổ chức trọng thể, ngoài phần lễ, tưởng nhớ công lao to lớn của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là phần hội với nhiều hoạt động văn nghệ - thể thao dân tộc thu hút hàng chục vạn nhân dân địa phương và du khách từ mọi miền tới tham dự.

Đây là Hội xuân lớn nhất của thành phố Lào Cai và được đông đảo du khách từ thị trấn Hà Khẩu (Trung Quốc) sang chung vui.

Đền Thượng đã từng được nhà vua triều Nguyễn ban sắc phong và cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.