1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Con đường âm nhạc - Khát vọng:

“Là tình yêu ta gửi cho nhau..."

(Dân trí) - Hẳn là đã tìm lại được không khí cũ của “Gửi em ở cuối sông Hồng”, nên khi NSND Thanh Hoa và Trung Đức xuất hiện với phần kết “là tình yêu ta gửi cho nhau”, khán giả trong đêm Khát vọng - giới thiệu chân dung nhạc sĩ Thuận Yến đã vỗ tay không dứt.

Đó cũng chính là một trong số những ca khúc làm nên tên tuổi của nhạc sĩ Thuận Yến.

 

Khát vọng đến vừa đúng độ người ta nhắc nhiều đến tên tuổi cô con gái cưng của nhạc sĩ Thuận Yến - ca sĩ Thanh Lam, sau thành công của liveshow nhỏ Em tôi. Chính vì thế, đêm của Con đường âm nhạc - Khát vọng tối 9/4 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, Thanh Lam đã làm “cháy” hơn những ca khúc mà cha cô đã viết. Thành tâm ông nói: “Lam là người mãnh liệt vì thế khi thể hiện các ca khúc Lam đã thổi vào đấy xúc cảm của mình, chứ tôi thì viết hiền lành hơn”. Cùng với bản phối khá tỉ mẩn của nhạc sĩ trẻ Trần Mạnh Hùng, các ca khúc Người mẹ miền Nam tay không bắt giặc (mở màn), Khát vọng, Em tôi, Thành phố vắng anh, Lam đều làm chủ được sân khấu từ giọng hát đến kỹ thuật diễn.

 

Riêng, ca khúc mà nhạc sĩ Thuận Yến tiết lộ là "ca khúc sâu sắc nhất của ông khi viết về đề tài tình yêu” chính là Chia tay hoàng hôn. Bởi không chỉ là bài hát giúp Thanh Lam đến với công chúng yêu nhạc nhẹ, mà “cội nguồn” của nó là ca khúc gắn với cuộc chia ly của mối tình giữa ông và người vợ yêu quý- khi ông thì ngược vào chiến trường mà không biết có ngày về hay không, còn vợ ông thì ra miền Bắc để chữa bệnh. Những thổn thức, với bản phối mới, Lê Minh Sơn đã “kéo” người nghe về phía mình bởi tiếng đàn ghi ta, cùng phần song ca với nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.

 

Dù đã tạm chia trong chương trình thành ba mảng chủ đề chính là: viết về người chiến sỹ, hình tượng Bác Hồ và viết về tình yêu, nhưng nhạc sĩ gốc Quảng Nam này vẫn tự nhận: “Có những điều có trong cuộc sống những tôi chưa viết hết, tôi chưa bằng lòng với những gì mình đã có”. Song, với một “đêm tổng kết” mà vỏn vẹn trong 2 tiếng đồng hồ với 16 bài hát cũng chỉ điểm danh phần nào gia tài ca khúc của một nhạc sĩ “lành lành” như ông là: Con gái mẹ nay đã thành chiến sỹ, Vầng trăng Ba Đình, Miền Trung nhớ Bác, Màu hoa đỏ, Đi trong hương tràm, Đợi chờ, Tình yêu không lời…

 

Vẫn chưa hết "khát vọng", nhạc sĩ 70 tuổi cho hay, ông không có khát vọng giàu có, kiếm nhiều tiền, hay bất cứ thứ gì khác, mà ông chỉ "khát vọng sáng tác được nhiều tác phẩm hơn nữa".

 

Không nhiều “sao” trong đêm Khát vọng, cũng không chọn sân khấu “mạo hiểm” ngoài trời, đêm của Thuận Yến giản dị, có lẽ vì điều này nên sân khấu gần hơn với công chúng? Tuy nhiên, với một Con đường âm nhạc, hẳn là khán giả phải nhiều hơn thế, có lẽ phải có một không gian rộng hơn, để khán giả xem ti vi hay đến tận buổi diễn mới thấy “đã đời” hơn với tác giả mà mình mến yêu.

 

Lan Chi

Dòng sự kiện: Con duong am nhac

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm