"Không sao cả" gây sốt toàn cầu: Lý do khiến sao quốc tế rần rần hưởng ứng
(Dân trí) - "Không sao cả" của 7dnight đã và đang phủ sóng nền tảng video ngắn toàn cầu. Màn trình diễn của anh cũng đạt 1 tỷ lượt xem trên TikTok, được các sao quốc tế rần rần hưởng ứng.
Không sao cả là ca khúc của 7dnight - thành viên BigTeam - được trình diễn trong vòng Bứt phá của Rap Việt mùa 4. Đoạn nhạc bắt tai chỉ khoảng 30 giây với câu hát "Gwenchana đing đíng đing đình đing" của Không sao cả bất ngờ tạo cơn sốt trên thế giới trong một tháng qua.
Sau hiện tượng See tình của Hoàng Thùy Linh, một lần nữa, ca khúc Việt lại được đông đảo ngôi sao quốc tế cover như The Black Label Somi và Karina (aespa), Enhypen, Ateez, Seventeen, Jeon Somi...
Vậy, lý do gì chỉ một câu hát lại có thể gây sốt, khiến nhiều sao quốc tế rần rần "đu trend" (trào lưu, xu hướng)?

"Không sao cả" của 7dnight "oanh tạc" TikTok và lập nhiều thành tích ấn tượng (Ảnh: Nhà sản xuất).
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, rapper Hà Lê cho rằng, lý do để đoạn nhạc "Gwenchana đing đíng đing đình đing" trong Không sao cả nổi tiếng như vậy trước tiên là bắt nguồn từ câu nói "Gwenchana" vốn đã lan truyền trên mạng xã hội từ trước đó.
Cụm từ này xuất phát từ bộ phim Hàn Quốc, sau đó được nhiều người sử dụng thành xu hướng và chế lại một cách hài hước.
"Bên cạnh đó, theo tôi, đoạn nhạc được chắp bút bởi 7dnight - một người đã có thời gian sống và làm việc tại Hàn Quốc - thì càng trở nên có ý nghĩa, quen thuộc hơn bất kỳ ai khác.
Khi 7dnight đưa "Gwenchana" vào ca khúc Không sao cả với giai điệu bắt tai, cuốn hút, dễ nhớ và dễ thuộc, kèm vũ đạo rất ngây ngô nhưng hài hước thì đó cũng là yếu tố để đoạn nhạc dễ lan tỏa", nam rapper nói.
Đồng quan điểm, nhạc sĩ Trường Giang cũng bày tỏ, âm nhạc không có khoảng cách mà là tiếng nói chung. Khi một đoạn nhạc mà người nghe thấy hay, bắt tai, kèm vũ đạo đơn giản mà cuốn hút, dễ nhớ thì rất dễ lan tỏa, tạo ra trào lưu cover.
Chia sẻ ở góc độ truyền thông, chuyên gia Hồng Quang Minh cho rằng, Không sao cả là một ví dụ điển hình về cách những nền tảng như TikTok có thể tạo ra một cú nổ văn hóa, nơi yếu tố lan tỏa quan trọng hơn cả bài hát hoàn chỉnh.
Ông Hồng Quang Minh cho hay, lý do để Không sao cả gây sốt toàn cầu như vậy xuất phát từ nhiều yếu tố.
Karina (aespa) "đu trend" Không sao cả (Video: TikTok aespa_official).
Theo chuyên gia này, yếu tố đầu tiên phải kể đến đó là giai điệu và nhịp điệu của đoạn nhạc rất dễ "gây nghiện". Cụm từ "Gwenchana đing đíng đing đình đing" có tiết tấu lặp lại, dễ thuộc, gần giống với earworm (giai điệu ăn sâu vào não).
Ngoài ra, sự kết hợp giữa "Gwenchana" (không sao cả) - một từ quen thuộc với fan K-pop (người hâm mộ nhạc trẻ Hàn Quốc) và phần vần điệu đằng sau - đã tạo hiệu ứng cuốn hút như những cú hook (đoạn văn hay cụm từ sử dụng trong nhạc đại chúng) kinh điển của Psy, Crayon Pop hay thậm chí Baby Shark.
Thứ hai, vũ đạo trong bài đơn giản nhưng kích thích sự tham gia. Những động tác tay dễ thực hiện, có chút hài hước, dễ bắt chước chính là yếu tố quyết định cho sự lan tỏa. Giống như See tình, hay xa hơn là Gangnam style, một động tác có thể tạo thành xu hướng toàn cầu nếu dễ nhớ, dễ thực hiện.
Thứ ba là sự giao thoa văn hóa. Đoạn nhạc có yếu tố tiếng Hàn "Gwenchana" nhưng đến từ một ca sĩ Việt, tạo ra sự tò mò. Điều này cũng phù hợp với xu hướng Asian Pop (nhạc pop châu Á), nơi thị trường châu Á đang thích những ca khúc mang tính giải trí cao, không nặng về nội dung mà thiên về cảm xúc.
Và cuối cùng là yếu tố thuật toán TikTok và hiệu ứng lan truyền. Ông Minh phân tích, TikTok vốn có cơ chế ưu tiên nội dung ngắn, bắt tai và dễ lồng ghép vào video khác. Khi một video đạt đến mức độ phổ biến nhất định, nó không chỉ dừng ở TikTok mà lan sang Instagram Reels, YouTube Shorts, Facebook.
Nói về việc các sao quốc tế rần rần hưởng ứng, sử dụng nhạc nền Không sao cả, chuyên gia Hồng Quang Minh cho biết, TikTok có thuật toán ưu tiên các nội dung dễ lan tỏa. Khi một xu hướng đạt đến mass adoption (sự đón nhận rộng rãi) thì sẽ xuất hiện trên bảng FYP của nhiều nghệ sĩ quốc tế.
Ông Minh cho hay, sao K-pop thường xuyên cập nhật xu hướng TikTok để duy trì tương tác và kết nối fan. Những ca khúc lan tỏa mạnh ở châu Á, đặc biệt có yếu tố Hàn Quốc như "Gwenchana", càng dễ lọt vào tầm ngắm.
Cụm từ "Gwenchana" khiến nhiều khán giả tưởng rằng đây là một bài hát Hàn Quốc. Điều này cũng vô tình kích thích sự tò mò và dễ dàng được các thần tượng K-pop đón nhận.
Các nghệ sĩ Hàn Quốc có xu hướng hưởng ứng các trào lưu châu Á, đặc biệt khi nó đang lên mạnh ở các thị trường như Trung Quốc, Đông Nam Á...
"Do môi trường cạnh tranh của các nhóm nữ K-pop nên aespa, Le Sserafim, NewJeans luôn phải cập nhật xu hướng để giữ độ phủ sóng trên mạng xã hội. Sự tương tác với người hâm mộ là chiến lược quan trọng và cover một xu hướng hot là cách đơn giản để giữ độ nhận diện.
Trước đó, nhiều sao K-pop nói riêng và sao quốc tế cũng từng "đu trend" các ca khúc Việt như: See Tình (Hoàng Thùy Linh), Hai phút hơn (rapper Pháo) hay Hạ còn vương nắng (DatKaa, Kido)", chuyên gia chia sẻ.

7dnight (trái) và HLV BigDaddy tại "Rap Việt" mùa 4 (Ảnh: Nhà sản xuất).
Nói về việc một số dân mạng cho rằng, bài hát Không sao cả chỉ nổi nhờ đoạn tiếng Hàn "Gwenchana", khiến nhiều khán giả quốc tế lầm tưởng đó là nhạc Hàn, nhạc sĩ Trường Giang nêu ý kiến: "Về bản chất, tiếng Việt của mình không phổ cập trên thế giới. Vì vậy, người nghe nhạc hay các ngôi sao thế giới bị một đoạn nhạc cuốn hút không phải dựa trên văn hóa của đất nước đó hay lời bài hát mà bởi bản thân đoạn nhạc ấy phải hay, bắt tai và có điều gì đó đặc biệt".
Theo nam nhạc sĩ, việc nhầm lẫn văn hóa hay nhạc Hàn không quan trọng bằng việc bài hát đó lan tỏa và khi người ta tìm hiểu sâu hơn thì âm nhạc của Việt Nam ra được với thế giới theo cách này hoặc cách khác.
Với những điều như vậy, Trường Giang cho rằng, thay vì bóc tách cụ thể thì hãy vỗ tay tán thưởng nhiều hơn.
7dnight tên thật là Ngô Tuấn Đạt, sinh năm 2001 tại Nghệ An. Anh gây ấn tượng và được biết đến nhiều từ Rap Việt mùa 4. Ngoài khả năng âm nhạc, 7dnight còn khiến khán giả xúc động bởi những nỗ lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn.
Rapper xứ Nghệ cho hay, số 7 trong nghệ danh của anh tượng trưng cho 7 ngón tay của mình. Anh cũng từng có 7 năm lao động ở Hàn Quốc.
Không sao cả là ca khúc của 7dnight được trình diễn trong vòng Bứt phá của Rap Việt mùa 4. Đây cũng là ca khúc giúp anh bước vào đêm chung kết của chương trình này.